1. Vì sao Tết lại dễ tăng cân?
Trong ngày Tết, các gia đình thường nấu rất nhiều món ăn ngon. Các món ăn truyền thống ngày Tết như: bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, xôi chè, giò chả, giò xào thịt đông, nem rán… thường có năng lượng rất cao, nhiều đạm, đường và chất béo, ăn vào rất dễ tăng cân.
Các món chính đã dễ tăng cân, các thực phẩm phụ và đồ ăn vặt như: nước ngọt, các loại bánh, mứt, kẹo, hoa quả sấy khô… đều chứa rất nhiều đường bổ sung.
Khi chúng ta ăn quá nhiều đường, cơ thể sẽ tiết ra insulin để giúp giảm lượng đường trong máu xuống mức bình thường. Insulin tự nhiên là một loại hormone lưu trữ chất béo. Vì vậy, càng ăn nhiều đường, cơ thể chúng ta càng tiết ra nhiều insulin và điều này khiến cơ thể bạn bổ sung thêm chất béo.
Đồ ăn thức uống có đường cũng khiến bạn rất nhanh đói trở lại, và càng ăn nhiều bạn sẽ càng tăng cân.
Hơn nữa, việc ăn nhiều, ngủ nướng, ít vận động và tập thể dục trong những ngày Tết khiến năng lượng dư thừa không được tiêu hao dẫn đến tích mỡ và tăng cân nhanh chóng.
2. Làm gì để hạn chế tăng cân trong dịp Tết?
2.1. Ăn đủ
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, ngày Tết các món ăn thường đa dạng hơn, chất lượng và năng lượng cũng cao hơn. Mỗi ngày nếu thừa ra hơn 1000 calo thì trung bình 7 ngày đã có thể tăng 1kg.
Vì vậy, để tránh tăng cân nhiều, các bà nội trợ nên chú ý chuẩn bị bữa ăn đủ dinh dưỡng, cân bằng, đa dạng các loại thực phẩm.
Chỉ nên nấu lượng thức ăn vừa đủ ăn. Lưu ý, giảm bớt các loại thịt và chất béo, tăng cường rau xanh và trái cây tươi.
2.2. Ăn đúng cách
Để hạn chế tăng cân không chỉ cần ăn đủ mà cần ăn đúng cách. Cụ thể:
- Khi ăn không nên ăn quá nhiều một món, đặc biệt là món nhiều năng lượng dễ béo như bánh chưng, thịt mỡ, thịt quay, thịt đông…
- Ăn vừa phải nhóm tinh bột, hạn chế đồ ngọt và chất béo, những thực phẩm này dễ gây tăng cân.
- Đối với các món nhiều béo như: giò xào, thịt đông, thịt kho nên chế biến ít mỡ hơn hoặc khi ăn nên chọn miếng thịt nạc; hạn chế ăn da gà, vịt; hạn chế dùng nhiều nước sốt vì các loại nước sốt thường được thêm rất nhiều đường, gia vị và chất béo…
- Rượu, bia, các loại nước ngọt đều chứa nhiều năng lượng rỗng, là nguyên nhân gây tăng cân nếu uống nhiều. Do đó nên hạn chế sử dụng các loại đồ uống này. Có thể thay thế nước ngọt bằng các loại nước trái cây tươi không thêm đường vẫn rất ngon và tốt cho sức khỏe.
- Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý, có nhiều người kiêng ăn cơm, nhưng lại ăn nhiều đồ ăn vặt như: ô mai, bánh, mứt, kẹo… Những thực phẩm này năng lượng còn cao hơn cơm và kết quả là kiêng cơm nhưng vẫn tăng cân.
2.3. Ăn chậm, nhai kỹ
Những người ăn nhanh có xu hướng dễ tăng cân hơn những người có thói quen ăn chậm, nhai kỹ. Ăn quá nhanh thường dẫn đến ăn quá nhiều, vì não của bạn không có đủ thời gian để nhận tín hiệu no.
Ngoài ra, ăn chậm, nhai kỹ thức ăn sẽ làm chậm tốc độ ăn và giảm lượng calo nạp vào, từ đó có thể hạn chế tăng cân.
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng