Hà Nội

Món ăn Tết truyền thống của các đồng bào dân tộc miền núi

09-02-2016 09:17 | Thời sự
google news

Với đồng bào miền núi, Tết cổ truyền là dịp làm những món ăn mang đậm hương vị núi rừng như xôi ngũ sắc, cá nướng pa pỉnh tộp hay thịt trâu gác bếp…

Các món ăn truyền thống trong dịp Tết của đồng bào các dân tộc miền núi thường được chế biến khá cầu kỳ, tẩm ướp các loại gia vị tự nhiên từ núi rừng đem lại hương vị riêng biệt, dù thử một lần cũng khó có thể quên.

1. Thịt trâu gác bếp

Đồng bào miền núi thường giết thịt nguyên một con trâu, bò hay lợn để ăn mừng năm mới. Các phần thịt tươi sẽ được chế biến thành nhiều món khác nhau tùy theo khẩu vị của mỗi dân tộc.

Tuy nhiên, riêng phần thịt đùi và thịt thăn sẽ được tẩm ướp gia vị và treo lên giàn bếp cho khô lại thành món thịt trâu gác bếp. Đây cũng là món ăn nổi tiếng của người Thái đen trong dịp năm mới.

2. Cơm lam

Cơm lam là món đặc sản của nhiều đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc. Món ăn này làm từ gạo nếp hoặc gạo tẻ được ngâm kỹ và nấu trong ống nứa bằng cách nướng trực tiếp trên bếp than. Vị tươi của nứa ngấm vào gạo sẽ đem lại hương thơm tươi mát, đặc biệt cho món ăn này.

3. Bánh sừng trâu

Đây là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ Tết của đồng bào dân tộc Cơ Tu và đồng bào miền núi Tây Bắc. Bánh sừng trâu hay còn được gọi là bánh cuốc được làm tương tự như bánh tẻ nhưng không có nhân đỗ xanh và được gói bằng lá đót. Tùy theo khẩu vị của mỗi gia đình mà các bà nội trợ có thể gói loại bánh này thành các nhân mặn, nhạt, ngọt cho từng thành viên trong gia đình.

4. Cá suối nướng pa pỉnh tộp

Đây là món khá độc đáo của người Thái thường được dùng trong các lễ hội hoặc ngày Tết. Thông thường để làm món cá này, người dân nơi đây chỉ sử dụng cá chép suối, tẩm ướp các gia vị đặc biệt như quả mắc khén, gừng, tỏi, rau thơm và nướng trên bếp than.

5. Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc là một trong những món độc đáo và khá cầu kỳ,phổ biến trong dịp lễ Tết của người Tày ở SaPa hay đồng bào người Thái tại Yên Bái. Để làm được món xôi với 5 màu sắc khác nhau, cần dùng đến nhiều nguyên liệu tự nhiên.

Phần xôi trắng chỉ cần đồ nếp nương nhưng các màu xôi khác cần ngâm gạo với các loại lá cây rừng chuyên để nhuộm thức ăn. Màu đỏ được lấy từ cây cơm xôi đỏ hoặc từ quả gấc, màu xanh từ cây lá nếp hay cây cơm xôi xanh, màu vàng từ nghệ, màu tím được làm từ gạo nếp cẩm và màu đen được lấy từ lá cây gùn đem ngâm cùng gạo.

6. Cá, thịt trâu nấu trong ống nứa

Không chỉ có món cá nướng mới được người dân miền núi ưa chuộng mà món cá nấu trong các ống nứa cũng là món ăn truyền thống trong dịp Tết được đồng bào Cơ Tu khá coi trọng

Thông thường cá sẽ được tổ chức đánh bắt tập thể ở những con sông lớn trước một tuần bằng cách ngâm các vỏ cây cho cá say, nổi trên mặt nước. Cá bắt được đem xông khô, bỏ vào ống nứa trên giàn bếp như thịt trâu khô hoặc chế biến tươi trong các ống nứa lớn.

Ngoài cá, món ăn được cho là ngon nhất trong mâm cơm tết của đồng bào miền núi trong dịp Tết là lòng và thịt trâu nấu trong ống nứa khá cầu kỳ có hương vị thơm ngon đặc biệt.

7. Bánh chưng đen

Bánh chưng đen là món khá đặc biệt của người Tày. Đây cũng là món ăn chỉ được làm trong dịp Tết. Bánh được làm từ những nguyên liệu được chọn lọc khá kỹ lưỡng từ lá dong rừng, nếp nương ngâm lá cây núc nác, thịt lợn rừng… và được gói thành hình trụ hoặc hình gấp như bánh tẻ.

8. Gà nướng lá mắc mật

Lá mắc mật là nguyên liệu không thể thiếu tạo nên hương vị độc đáo cho các món ăn của đồng bào miền núi. Đặc biệt là món gà  nước lá mắc mật thơm lừng hòa quyện với vị chua ngon, ngọt của thịt gà và chấm cùng chẳm chéo. Món ăn thú vị này thường được dân tộc Nùng Phàn Sìn chế biến trong dịp Tết tương tự như gà luộc của đồng bào miền xuôi.

9. Rượu ngô, rượu cần

Không thể không nhắc đến rượu ngô, rượu cần một trong những đồ uống truyền thống và là một đặc sản của đồng bào H’Mông, Dao trong các dịp lễ Tết. Hương vị thơm ngon, say nồng của rượu được nấu từ các nguyên liệu tự nhiên đem lại hương thơm ấm áp và nồng nàn khó có thể quên.

(Ảnh minh họa: Internet)


Ý kiến của bạn