Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu ăn đồ ngọt quá nhiều, bạn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như: béo phì, đái tháo đường, tim mạch.
Nguyên nhân là do hàm lượng chất béo và nhiệt lượng trong đồ ngọt rất cao. Khi cơ thể không kịp hấp thu, chất béo dư thừa sẽ tự động chuyển hóa thành các mô mỡ tích trữ trong cơ thể, dẫn tới béo phì.
Bên cạnh đó, lượng đường khi đưa vào cơ thể sẽ kích thích tăng tiết chất insulin, từ đó làm tăng lượng cholesterol trong máu, là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh.
Vì vậy, cần tiết chế trong việc ăn đồ ngọt. Dưới đây là lời khuyên của TS.BS Nguyễn Trọng Hưng làm thế nào để vượt qua cơn thèm đồ ngọt mà vẫn đảm bảo được sức khỏe.
1. Trái cây giúp vượt qua cảm giác thèm đồ ngọt
Hầu hết, mọi người khi cảm thấy thèm đồ ngọt thường nghĩ ngay tới bánh ngọt, kem, nước ngọt, bánh quy. Tuy nhiên, những thực phẩm này không lành mạnh đối với sức khỏe và sẽ khiến bạn trở nên tăng cân nhanh chóng.
Bạn nên lựa chọn trái cây để thỏa mãn cơn thèm ngọt bởi trái cây ngọt nhưng lại giàu chất xơ và vitamin, có lợi cho sức khỏe hơn các loại bánh, kẹo hay nước ngọt.
Để thỏa mãn được cảm giác thèm ngọt, bạn có thể chọn những loại trái cây ngọt đậm, có lượng đường cao hơn những loại trái cây bình thường khác như: nhãn, xoài, nho… Tuy nhiên, những người cần chế độ ăn phù hợp tình trạng bệnh lý như người đái tháo đường, béo phì chỉ nên ăn vừa đủ những loại trái cây ngọt đậm.
Nếu thèm đồ ngọt cộng với cảm giác đói, bạn có thể kết hợp trộn trái cây cùng với sữa chua để có cảm giác no hơn. Sữa chua chứa nhiều protein nhưng ít calo. Khi kết hợp trái cây với sữa chua, bạn có cảm giác no bụng, hạn chế được việc thèm ngọt mà không bị nạp vào người quá nhiều calo.
2. Thạch không đường, hạt chia
Hạt chia giàu chất dinh dưỡng, nhất là omega-3, chất xơ hòa tan. Chất xơ hòa tan chiếm khoảng 40% trong thành phần dinh dưỡng có trong hạt chia. Chất xơ trong hạt chia có khả năng hấp thụ nước và làm hạt nở to hơn sau khi hạt ở trong dạ dày. Chính vì thế mà khi ăn hạt chia, chúng ta thường cảm thấy no và không còn cảm giác thèm ăn.
Thạch đen hoặc thạch xanh cũng tương tự như hạt chia. Nhưng nên nhớ, hãy ăn thạch không đường.
3. Các loại đậu
Các loại đậu như đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu lăng hay đậu trắng rất giàu chất xơ và protein thực vật. Chất xơ và protein thực vật này đều có tác dụng làm tăng cảm giác no. Vì vậy, bạn nên ăn các loại đậu trong các món ăn hằng ngày hoặc ăn bữa phụ để có cảm giác nó và giảm độ thèm ngọt.
4. Khoai lang
Khoai lang có vị ngọt nên thỏa mãn được phần nào cơn thèm của bạn. Khoai lang có nhiều chất xơ, một số loại vitamin, khoáng chất như vitamin A, vitamin C và kali và đặc biệt chứa nhiều carb.
Chúng ta thường cảm thấy thèm đồ ngọt vì ăn quá ít năng lượng trong ngày. Ăn khoai lang chứa carb sẽ bổ sung thêm calo cho bữa ăn và làm cho bữa ăn trở nên cân bằng hơn, đồng thời giúp giảm cảm giác thèm ăn ngọt.
5. Ngũ cốc trái cây
Ngũ cốc trái cây là sự trộn lẫn các loại trái cây khô và hạt với nhau. Vị ngọt của trái cây sấy khô giúp thỏa mãn cơn thèm và hàm lượng chất xơ cùng protein cao trong các loại hạt giúp tạo cảm giác no và hạn chế thèm ăn.
Các loại hạt còn chứa chất béo tốt cùng các hợp chất thực vật nên còn đem lại một số lợi ích khác cho sức khỏe, ví dụ như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường. Tuy nhiên, tùy vào thành phần mà ngũ cốc trái cây có thể chứa nhiều calo nên bạn cũng không nên ăn quá nhiều, mỗi lần chỉ ăn một lượng nhỏ cho qua cơn thèm đồ ngọt.
6. Các loại ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt như: đỗ, lạc, hạt điều, hạt óc chó, vừng,… Ngũ cốc nguyên hạt có chứa nhiều chất xơ và các chất dinh dưỡng như vitamin B, magiê, sắt, phốt pho, mangan và selen.
Ngũ cốc nguyên hạt còn thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có lợi như Bifidobacteria, Lactobacilli và Bacteroidetes trong ruột.
Ăn ngũ cốc nguyên hạt giúp tạo cảm giác no lâu bởi có hàm lượng chất xơ cao và làm giảm cảm giác thèm ăn đồ chứa nhiều đường.
7. Rau
Mặc dù ăn rau không giúp thỏa mãn cơn thèm đồ ngọt một cách trực tiếp nhưng việc ăn nhiều rau trong bữa ăn hàng ngày sẽ giảm cảm giác thèm ăn trong suốt cả ngày.
Rau có hàm lượng chất xơ cao và ít calo. Rau còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi và các hợp chất thực vật. Khi chế độ ăn có nhiều rau, bạn sẽ có thể ăn đến khi no mà không nạp vào nhiều calo. Ăn nhiều rau là thói quen tốt làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim mạch, béo phì và ung thư.
8. Thịt và cá
Ăn đủ nguồn protein động vật như thịt lợn, bò, gia cầm hoặc cá trong bữa ăn có thể giúp ngăn ngừa cảm giác thèm ăn ngọt.
Nhiều người giảm cân nên sẽ ăn quá ít hoặc không ăn đạm nên sẽ có cảm giác thèm ngọt. Vì vậy, để tránh tình trạng không thể cưỡng nổi cơn thèm ngọt, ngay cả khi đang giảm cân, bạn không nên kiêng hoàn toàn thực phẩm giàu đạm mà vẫn cần ăn một lượng nhất định. Ắn đủ lượng protein là điều rất quan trọng để giảm cảm giác thèm ăn, từ đó giảm lượng calo nạp vào và giảm cân.
Còn nếu bạn ăn chay thì có thể lựa chọn các nguồn protein từ thực vật như các loại đậu, đặc biệt là đậu nành và các loại quả hạch. Protein từ thực vật cũng có tác dụng tương tự như protein động vật.
9. Trứng
Trứng là một thực phẩm rất giàu protein nên sẽ giúp no nhanh, no lâu và kiểm soát cảm giác thèm ăn, bao gồm cả thèm ăn ngọt.
Ăn trứng vào bữa sáng giúp giảm khoảng 270 – 470 calo nạp vào trong bữa trưa và bữa tối. Trứng có chỉ số năng lượng cao hơn 50% so với bánh mì trắng hoặc ngũ cốc ăn sáng.
Với người muốn giảm cân, có thể ăn bữa sáng hàng ngày với trứng, lượng calo vẫn quan trọng khi bạn đang cố gắng giảm cân.
Lưu ý rằng, dinh dưỡng của một quả trứng phụ thuộc vào kích thước của quả trứng đó: Trứng nhỏ (38 g): 54 calo; trứng vừa (44 g): 63 calo; trứng lớn (50 g): 72 calo'; trứng rất lớn (56 g): 80 calo; trứng đại (63 g): 90 calo
Những người khỏe mạnh có thể ăn tối đa 1 quả trứng mỗi ngày. Những người ăn chay do không ăn thực phẩm chứa cholesterol làm từ thịt có thể ăn nhiều trứng hơn miễn là chế độ ăn vừa phải.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cháo trai- món ăn bổ dưỡng