Hà Nội

Bài tập giảm thiểu biến chứng cho người mắc Hội chứng Reye

19-11-2024 09:55 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Với người mắc Hội chứng Reye, sau giai đoạn cấp tính, khi người bệnh hồi phục có thể thực hiện một số bài tập để tăng cường sức khỏe và giảm thiểu biến chứng.

Hội chứng Reye là một căn bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, thường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên.

Hội chứng này đặc trưng bởi tình trạng tổn thương gan nghiêm trọng, phù não (tăng áp lực trong não), có thể dẫn đến hôn mê và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Sau khi qua giai đoạn cấp tính, nếu người bệnh hồi phục, có thể áp dụng một số biện pháp phục hồi chức năng. Việc thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng dưới sự giám sát của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu là rất quan trọng để giúp cải thiện chức năng các cơ quan bị ảnh hưởng, giảm thiểu biến chứng.

1. Tác dụng của các bài tập vận động đối với người mắc Hội chứng Reye

Các bài tập vận động không chỉ giúp cải thiện chức năng thể chất mà còn hỗ trợ tinh thần, góp phần quan trọng trong quá trình phục hồi toàn diện của người bệnh mắc Hội chứng Reye. Các bài tập giúp hỗ trợ bệnh nhân trong việc cải thiện chức năng gan. Mặc dù gan chủ yếu phục hồi qua điều trị y tế, nhưng vận động hợp lý có thể giúp tăng cường chuyển hóa và hỗ trợ quá trình đào thải độc tố.

Bên cạnh đó, các bài tập vận động cũng giúp người mắc hội chứng Reye giảm nguy cơ biến chứng tim mạch, hỗ trợ phục hồi chức năng thần kinh, ngăn ngừa teo cơ và cứng khớp, cải thiện chức năng tuần hoàn và hô hấp. Các bài tập vận động giúp người bệnh phục hồi khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày, như ngồi dậy, đi lại, tự chăm sóc bản thân, từ đó tăng cường sự độc lập.

Quá trình hồi phục lâu dài có thể gây căng thẳng và lo âu. Việc thực hiện các bài tập nhẹ nhàng giúp người bệnh cảm thấy tích cực hơn, giảm thiểu tình trạng trầm cảm. Cảm giác tiến bộ khi thực hiện các bài tập cũng giúp người bệnh tự tin hơn về khả năng phục hồi của mình.

bai-tap-tac-dong-thap-tai-nha

Tập luyện có vai trò quan trọng với người mắc hội chứng Reye (ảnh minh họa).

2. Các bài tập vận động cho người mắc hội chứng Reye

2.1 Bài tập gấp duỗi chân tay

Bài tập này có thể thực hiện cho người bệnh mắc Hội chứng Reye ngay sau khi vừa qua giai đoạn cấp tính, giúp người bệnh duy trì sự linh hoạt của khớp, ngăn ngừa cứng khớp:

- Người bệnh nằm thẳng, dưới sự hỗ trợ của người chăm sóc, thực hiện nhẹ nhàng nâng một chân lên, gập khớp gối lại sau đó duỗi thẳng ra, thực hiện luân phiên hai chân mỗi bên khoảng 5-10 lần.

- Sau đó nhẹ nhàng nâng cánh tay lên qua đầu, rồi lại đưa cánh tay về vị trí ban đầu, cũng thực hiện luân phiên hai tay, mỗi bên từ 5-10 lần.

Sau khi người bệnh đã có thể vận động, có thể tiến hành bài tập vận động chân bằng cách nằm ngửa, kéo gót chân dần dần về phía mông, kéo hết mức có thể rồi giữ trong vài giây trước khi duỗi chân thẳng về vị trí ban đầu.

Đồng thời cũng có thể tiến hành bài tập gập khớp khuỷu tay sau đó duỗi thẳng và xoay cổ tay để tăng cường sự linh hoạt và sức mạnh ở tay.

Bài tập giảm thiểu biến chứng cho người mắc Hội chứng Reye- Ảnh 2.

Người mắc Hội chứng Reye có thể thực hiện gấp duỗi chân có sự trợ giúp của chuyên gia ngay sau giai đoạn cấp tính (ảnh minh họa).

2.2 Bài tập cho cổ và vai

Ở giai đoạn tiếp theo, khi người bệnh vận động khá hơn, có thể tiến hành các bài tập giúp duy trì sự linh hoạt cho cổ và khớp vai. Bài tập này người bệnh có thể thực hiện ở tư thế nằm hoặc ngồi, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe.

- Đối với cổ, thực hiện nhẹ nhàng quay đầu sang trái, giữ nguyên vị trí trong 5-10 giây, sau đó quay đầu sang phải, lại giữ nguyên vị trí đó 5-10 giây, cuối cùng cúi đầu xuống ngực, giữ trong 5-10 giây.

- Đối với người bệnh có thể thực hiện ở tư thế ngồi có thể thực hiện thêm động tác ngửa đầu ra sau rồi giữ nguyên tư thế trong 5-10 giây.

- Đối với vai, tiến hành nâng vai lên, giữ trong khoảng 5-10 giây, sau đó hạ vai xuống.

- Mỗi động tác có thể thực hiện từ 5-10 lần.

xoay-co-keu-lao-xao

Xoay cổ trái, phải giúp người bệnh mắc hội chứng Reye duy trì sự linh hoạt ở khớp cổ, vai.

2.3 Bài tập ngồi dậy từ tư thế nằm

Đây là bài tập có thể được thiết kế ở giai đoạn tiếp theo của bệnh, giúp người bệnh tăng cường sức mạnh cơ bụng, cải thiện khả năng vận động và khả năng tự sinh hoạt sau này.

Người bệnh nằm thẳng trên giường, dưới sự hỗ trợ của người chăm sóc thực hiện từ từ nâng phần thân trên thành tư thế ngồi, sau đó lại từ từ nằm xuống. Tùy vào sức lực và tình trạng bệnh, có thể thực hiện lặp lại bài tập này nhiều lần.

2.4 Bài tập đi bộ nhẹ nhàng

Bài tập này có tác dụng giúp cải thiện sự cân bằng, tăng cường sức mạnh cơ bắp và chức năng tim, đồng thời cũng là một bài tập tăng cường khả năng tự sinh hoạt của người bệnh. Có thể bắt đầu bằng việc đi bộ trong nhà trong 5-10 phút mỗi lần, giai đoạn đầu có thể sử dụng một số công cụ hỗ trợ như dây đeo hỗ trợ, khung tập đi, gậy… Sau đó có thể tăng thời gian và quãng đường đi bộ nếu người bệnh đã quen với bài tập này.

Lưu ý đối với bài tập đi bộ, người mắc Hội chứng Reye cần có người giám sát và hỗ trợ kịp thời, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nhân mất thăng bằng.

2.5 Massage và kích thích cơ bắp

Bên cạnh các bài tập vận động, massage cũng là một liệu pháp được khuyến cáo thực hiện trong quá trình hồi phục của người mắc Hội chứng Reye.

Liệu pháp massage có tác dụng tăng tuần hoàn máu, giảm đau, giảm căng cơ cho người bệnh, đồng thời cũng là liệu pháp cải thiện trạng thái tinh thần, giúp người bệnh bớt căng thẳng trong quá trình điều trị.

Người hỗ trợ có thể sử dụng các động tác massage nhẹ nhàng ở tay, chân và lưng, tùy vào trạng thái sức khỏe người bệnh mà thời gian và cường độ massage nên được điều chỉnh cho thích hợp.

3. Một số lưu ý khi thực hiện

Hội chứng Reye là một căn bệnh nghiêm trọng, có thể gây tổn thương gan và não, nên việc điều trị, chăm sóc cho người mắc hội chứng này phải được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa.

Chỉ thực hiện các bài tập khi người mắc Hội chứng Reye đã qua giai đoạn cấp tính và đang trong quá trình phục hồi. Các bài tập cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với tình trạng và khả năng của người bệnh tại mỗi thời điểm.

Nên bắt đầu bài tập ở mức độ nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng của người bệnh và tăng dần độ khó cùng thời gian thực hiện bài tập để tránh quá tải cho cơ thể.

Người mắc hội chứng Reye nên kết hợp các bài tập với chế độ chăm sóc y tế và dinh dưỡng hợp lý để tối ưu hóa hiệu quả điều trị.

Mời bạn xem tiếp video:

Đột quỵ có di truyền không? | SKĐS


BS. Nguyễn Huy Hoàng
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn