1. Biến chứng nguy hiểm của Hội chứng gan thận
Hội chứng gan thận (Hepatorenal Syndrome) là tình trạng creatinine huyết thanh tăng dần không giải thích được ở bệnh nhân mắc bệnh gan tiến triển. Đây là biểu hiện giai đoạn cuối của một quá trình liên quan đến tình trạng giảm dần lưu lượng máu thận và tốc độ lọc cầu thận. Hội chứng gan thận không phải là bệnh thận mà là rối loạn chức năng thận xảy ra do tình trạng toàn thân.
Hội chứng gan thận có một số triệu chứng:
- Mệt mỏi, đau bụng, cảm thấy không khỏe hoặc khó chịu nói chung, giảm lượng nước tiểu.
- Da hoặc mắt có màu vàng do quá nhiều bilirubin trong máu.
- Tích tụ dịch bất thường trong bụng (cổ trướng).
- Lách to.
- Chức năng não tạm thời xấu đi (lú lẫn và/hoặc mất trí nhớ) liên quan đến bệnh não gan.
Hội chứng gan thận có thể gây các biến chứng như chảy máu đường tiêu hóa, viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát, thậm chí đe dọa tính mạng.
2. Các thuốc dùng trong điều trị Hội chứng gan thận
Mục tiêu của điều trị là chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả và nhanh chóng. Quan trọng nhất là thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, có thể sử dụng một số loại thuốc sau:
2.1. Truyền albumin
Tác dụng: Albumin là chất làm giãn thể tích hữu ích nhất. Truyền albumin nhằm loại trừ chứng tăng nitơ máu trước thận và giúp tăng thể tích huyết tương.
Tác dụng phụ: Cần báo ngay cho nhân viên y tế khi nổi mề đay, ho, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng, cảm giác choáng váng như sắp ngất đi, thở yếu hoặc nông, đau đầu dữ dội, mờ mắt, ù tai, lú lẫn, đổ mồ hôi, da nhợt nhạt, đau ngực và nhịp tim nhanh hoặc không đều.
2.2. Terlipressin
Tác dụng: Liệu pháp terlipressin được đề xuất sử dụng kết hợp với albumin. Đây là phương pháp điều trị tiêu chuẩn hiện tại của Hội chứng gan thận cấp tính. Đáp ứng lâm sàng với điều trị terlipressin chậm nhưng mức creatinine huyết thanh giảm liên tục.
Tác dụng phụ: Các tác dụng phụ phổ biến nhất là bệnh tim và thiếu máu cục bộ.
2.3. Liệu pháp kết hợp midodrine, octreotide và albumin
Nếu không có terlipressin, liệu pháp kết hợp này được sử dụng cho những bệnh nhân không ở khoa chăm sóc đặc biệt.
- Octreotide: Các tác dụng phụ có thể bao gồm nhịp tim bất thường (gây ngất xỉu), tiêu chảy, buồn nôn, xì hơi, đau và nhạy cảm ở bụng do túi mật, mệt mỏi, đau đầu,…
- Midodrine: Giúp co mạch toàn thân. Khi được sử dụng kết hợp với octreotide, albumin, tình trạng huyết động toàn thân và thận được cải thiện.
Nguy cơ chính khi dùng midodrine là tăng huyết áp khi nằm ngửa có thể dẫn đến biến chứng tim mạch cấp tính. Ngoài ra thuốc có thể gây ra đau ngực, đau đầu hoặc mờ mắt. Không dùng thuốc trong vòng 4 giờ trước khi đi ngủ, sẽ làm giảm nguy cơ tăng huyết áp khi nằm ngửa và kê cao đầu đầu khi nằm.
2.4. Norepinephrine
Tác dụng: Là một tác nhân co mạch thường được sử dụng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt vì nó không thuận tiện để sử dụng trong các khoa nội tổng quát. Hiệu quả của norepinephrine và terlipressin đã được chứng minh là tương tự nhau, trong khi norepinephrine rẻ hơn.
Tác dụng phụ phổ biến của thuốc: Mờ mắt, đau ngực hoặc khó chịu, đau đầu, choáng váng, chóng mặt, ngất xỉu, nhịp tim không đều…
Sau hai tuần điều trị nội khoa, nếu chức năng thận không cải thiện, liệu pháp nội khoa được coi là vô ích.
2.5. Thẩm phân máu
Tác dụng: Thẩm phân máu hoặc lọc máu liên tục được sử dụng để điều trị suy thận cấp ở bệnh nhân xơ gan. Liệu pháp này giúp loại bỏ chất thải, muối, nước thừa ra khỏi cơ thể...
Tác dụng phụ: Có thể gặp khó ngủ, đau xương khớp, rối loạn cương dương…
3. Ghép gan
Thuốc có thể hữu ích cho những người mắc hội chứng gan thận, nhưng phương pháp điều trị dứt điểm là ghép gan. Quyết định xem xét ghép gan phải được đưa ra bởi một bác sĩ chuyên khoa gan có kinh nghiệm, phối hợp với bác sĩ chuyên khoa thận, bác sĩ phẫu thuật và toàn bộ nhóm ghép tạng.
4. Ghép thận
Những người bị hội chứng gan thận cấp tính, đặc biệt là những người cần thẩm phân hoặc bị suy thận tiến triển trong những tháng trước khi ghép gan theo kế hoạch, cũng có thể cần ghép thận. Ngay cả sau khi ghép gan thành công, các vấn đề về thận vẫn có thể tiếp diễn, đôi khi cần phải thẩm phân.
5. Lưu ý khi điều trị
Để điều trị hiệu quả, an toàn hội chứng gan thận, cần thực hiện:
- Tuân thủ đúng chỉ định và hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
- Tái khám đúng hẹn.
- Trong thời gian điều trị nếu gặp các triệu chứng bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Ngoài ra, việc phòng ngừa hội chứng gan thận rất quan trọng vì nó phát triển với tần suất không đổi trong các trường hợp viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát và viêm gan do rượu. Có thể phòng ngừa nếu viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát được chẩn đoán và điều trị khẩn cấp.
Nếu bị xơ gan, những điều cần thực hiện để ngăn ngừa hội chứng gan thận:
- Tránh dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bao gồm aspirin, ibuprofen, naproxen và nhiều loại thuốc được khuyến cáo ảnh hưởng đến gan trong tờ hướng dẫn sử dụng.
- Tránh dùng thuốc cản quang được sử dụng cho một số xét nghiệm y khoa như chụp MRI và chụp CT.
- Bỏ rượu: Bệnh nhân bị xơ gan không bao giờ được uống rượu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Viêm gan: Những ca bệnh biến chứng đáng sợ