Hà Nội

Cứng khớp gối cần làm gì?

20-11-2023 06:47 | Bệnh người cao tuổi

SKĐS - Khớp gối là một trong những khớp hoạt động nhiều nhất trên cơ thể. Đồng thời, khớp gối cũng dễ bị đau cứng, đặc biệt là ở người già. Ngồi lâu trong tư thế gập khớp gối trong thời gian dài sẽ góp phần làm triệu chứng cứng khớp thêm nghiêm trọng.

Nguyên nhân dẫn đến cứng khớp gối

Cứng khớp gối là tình trạng cử động khớp gối khó khăn, đặc biệt xảy ra vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc sau một tư thế bất động trong một thời gian dài. 

Sau khi xoa bóp, làm nóng, cử động nhẹ nhàng thì khớp gối trở nên dễ dàng cử động hơn hoặc khớp gối trở về gần như bình thường.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng cứng khớp gối, trong đó thường gặp là do viêm khớp dạng thấp. Bệnh thường tác động lên cả hai khớp gối, trong đó người ta nhận thấy rằng màng hoạt dịch ở khớp gối bị viêm, đây là một lớp màng mỏng bao bọc lớp lót bên trong của khớp gối.

Đặc biệt, tình trạng cứng khớp gối do viêm khớp dạng thấp thường xảy ra buổi sáng và kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Ngày nay thoái hóa khớp gối trẻ hóa và rất phổ biến. Thoái hóa khớp gối là tình trạng trong đó sụn khớp giữa các bề mặt xương bị hao mòn và có thể bị rách, khiến các bề mặt xương bên trong khớp gối cọ xát vào nhau. Chính tình trạng xương cọ xát này gây ra đau và cứng khớp gối.

Cứng khớp gối cần làm gì?- Ảnh 1.

Cứng khớp gối do nhiều nguyên nhân trong đó có thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp....

Ngoài ra cứng khớp gối còn do tình trạng chấn thương đầu gối, viêm khớp gối, bất động khớp… Bệnh gây cản trở sinh hoạt hằng ngày của người bệnh do khớp gối giảm độ linh hoạt, hạn chế tầm vận động, điển hình là khó khăn trong các động tác co duỗi khớp gối. 

Việc thăm khám và điều trị cứng khớp gối kịp thời là cần thiết. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như mất khả năng vận động khớp hoặc tàn phế.

Biểu hiện cứng khớp gối

Biểu hiện của tình trạng cứng khớp gối rất đa dạng, phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ và thời gian bệnh. Cứng khớp gối có thể xuất hiện ở một bên hay hai bên. 

Người bệnh sẽ thấy khó cử động khớp gối, thường xảy ra vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc sau một tư thế lâu dài, kéo dài thường từ 15 – 30 phút hoặc lâu hơn. Sau khi bạn cố gắng xoa bóp, làm nóng vùng gối, khớp gối có thể cử động trơn tru hơn.

Các triệu chứng có thể đi kèm với tình trạng cứng khớp gối đó là: Đau khớp gối, sưng, nóng, đỏ tại khớp gối. Tiếng lạo xạo khi cử động khớp gối, đau hoặc cứng các khớp khác trong cơ thể. Các triệu chứng toàn thân có thể gặp như sốt nhẹ, mệt mỏi...

Cứng khớp gối cần làm gì?- Ảnh 2.

Cứng khớp gối nên đạp xe đạp… nhằm giảm bớt sức ép lên vùng đầu gối mà vẫn giúp điều trị bệnh hiệu quả.

Cứng khớp gối có nên đi bộ không?

Mặc dù các chuyên gia phát hiện khi kiểm soát tốt khả năng tự phục hồi của đầu gối, chạy bộ có thể cải thiện sức khỏe sụn. Tuy vậy trên thực tế việc cứng khớp gối khiến cho người bệnh đau gối nên việc đi bộ trở nên khó khăn. Do đó khi khớp gối bị cứng nên điều trị bệnh theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 

Nên thực hiện một số bài tập thể dục nhẹ nhàng như bơi lội, tập yoga, đạp xe đạp…nhằm giảm bớt sức ép lên vùng đầu gối mà vẫn giúp điều trị bệnh hiệu quả.

Người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn, nguyên tắc của mỗi bài tập. Hãy làm nóng khớp gối trước khi tập luyện. Xoa bóp nhẹ nhàng khớp gối, cử động gấp duỗi nhẹ nhàng trong tầm kiểm soát không gây đau, hoặc có thể chườm nóng để làm ấm khớp gối.

Thực hiện động tác kéo giãn gân cơ một cách chậm rãi, nhẹ nhàng và đến mức không gây đau. Trong khi kéo giãn, hãy đảm bảo rằng chân ở tư thế thăng bằng vững. Tránh các bài tập làm cho các triệu chứng cứng khớp gối tồi tệ hơn.

Tránh luyện tập quá sức, cần đảm bảo rằng cường độ tập luyện được tăng dần dần, tránh đốt cháy giai đoạn. Thực hiện các bài tập trong tầm kiểm soát không gây đau cho khớp gối.

Ngoài ra, cần kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Xây dựng một chế độ ăn đa dạng, cân bằng dưỡng chất, cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động của cơ thể. Thực đơn cần cung cấp đủ dinh dưỡng từ thịt, cá, trứng, sữa, tăng cường rau xanh, trái cây. 

Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế thịt đỏ, hải sản, các thức ăn chế biến sẵn, giảm lượng chất béo bão hòa, tăng omega-3. Bổ sung canxi, vitamin D, E trong thức ăn như, sữa đậu nành, rau củ, quả, ngũ cốc,…

Uống đủ nước mỗi ngày, bởi vì thiếu nước có thể khiến khô cứng khớp làm giảm dịch bôi trơn cho các khớp. Tắm nước nóng có thể thúc đẩy tuần hoàn cơ thể và giảm co thắt cơ bắp, giúp thư giãn. Duy trì lối sống năng động, tập thể dục thường xuyên nhưng không quá sức.

3 điều cần biết để phòng ngừa thoái hóa khớp gối hiệu quả3 điều cần biết để phòng ngừa thoái hóa khớp gối hiệu quả

SKĐS - Thoái hóa khớp là bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi, biểu hiện thường là đau gối, đau tăng lên khi vận động, đứng lên, ngồi xổm, đi lại... Đây là bệnh liên quan chặt chẽ với độ tuổi, gây ảnh hưởng nhiều sức khỏe của người bệnh, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ tàn tật.

BS. Nguyễn Hoàng Lan
Ý kiến của bạn