Phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não phải thực hiện sớm ở giai đoạn cấp tính

19-08-2017 09:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tai biến mạch máu não còn gọi là đột quỵ não thường để lại di chứng hoặc tử vong trong vòng 24 giờ do tổn thương hệ thống mạch máu nuôi dưỡng não

Trước thực trạng ngày càng nhiều bệnh nhân đột quỵ não bỏ lỡ cơ hội vàng trong cấp cứu cũng như phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức lớp tập huấn dành cho người nhà bệnh nhân về phục hồi chức năng thần kinh cho người bệnh sau đột quỵ. Tại đây, các bác sỹ đưa ra quan điểm mới, việc phục hồi chức năng cần được thực hiện sớm từ giai đoạn cấp tính chứ không chờ đến giai đoạn hồi phục như trước đây.

Đột quỵ não thường để lại di chứng hoặc tử vong trong vòng 24 giờ do tổn thương hệ thống mạch máu nuôi dưỡng não

Tại lớp tập huấn, PGS.TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng của Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, tai biến mạch máu não còn gọi là đột quỵ não thường để lại di chứng hoặc tử vong trong vòng 24 giờ do tổn thương hệ thống mạch máu nuôi dưỡng não. Các dấu hiệu của đột quỵ là liệt, tê chân tay hoặc liệt mặt, khó nuốt, khó nói hoặc không hiểu lời, chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu nặng và đột ngột.

“Nếu thấy có dấu hiệu đột quỵ, cần tìm ngay sự giúp đỡ của y tế và chuyển ngay bệnh nhân đến trung tâm đột quỵ bằng xe cấp cứu. Thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân là dưới 4 tiếng rưỡi”- PGS.TS Lương Tuấn Khanh nói.

Theo các chuyên gia, một giây đột quỵ làm 32.000 tế bào thần kinh chết. Con số này tăng rất nhanh theo thời giạn. Một phút đột quỵ làm 19 triệu tế bào thần kinh chết, 1 tiếng đột quỵ làm 120 triệu tế bào thần kinh chết và mỗi lần đột quỵ làm 1,2 tỷ tế bào thần kinh chết.

Trong số những bệnh nhân đột quỵ sống sót, có tới một nửa số người bị liệt nửa người ở các mức độ, 30% không có khả năng đi lại nếu không có trợ giúp và 20% bị phụ thuộc trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra có thể có các biến chứng như teo cơ, co rút cơ, cứng khớp, đau khớp vai, bán trật khớp vai, loét người do nằm liệt người...

Theo quan điểm mới, việc phục hồi chức năng cần được thực hiện sớm nhất có thể, từ việc giúp bệnh nhân cử động trên giường, ngồi dậy, đứng, đến việc bước đi. Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ đầu tiên nên để cho não được nghỉ ngơi, chỉ nên xoa bóp đầu chi, trở mình cho bệnh nhân để tránh huyết khối và tránh tổn thương loét da do tỳ đè.

Hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau đột quỵ

Tại lớp tập huấn này, PGS.TS Lương Tuấn Khanh cùng các kỹ thuật viên đã nói chuyện, tư vấn và hướng dẫn một số kỹ năng thực hành cụ thể cho việc phục hồi chức năng sau đột quỵ. Các bài tập được minh họa sống động bởi các kỹ thuật viên vật lý trị liệu giàu kinh nghiệm.

Mỗi người nhà bệnh nhân tham gia lớp tập huấn đã tặng một cuốn tài liệu và một đĩa CD với những nội dung cơ bản giúp người nhà có thể hỗ trợ cho người bệnh vận động, tập luyện hiệu quả để sớm trở về cuộc sống bình thường.Từ đó nhằm giảm thiểu các biến chứng sau đột quỵ đồng thời tăng cường khả năng tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh, tiết kiệm chi phí phát sinh, giúp giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), hiện có tới 17 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm với khoảng 6 triệu trường hợp tử vong và 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn. Những con số biết nói này khiến ngành y toàn cầu ngày càng quan tâm hơn đến các phương pháp điều trị cho bệnh nhân sau đột quỵ, để giúp họ khắc phục những di chứng và phần nào giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và toàn xã hội.


Thái Bình
Ý kiến của bạn