Biểu hiện của hội chứng Tourette
Co giật là triệu chứng điển hình của hội chứng Tourette, có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể như mặt, bàn tay hoặc chân... với việc xuất hiện các cử động nhanh lặp đi lặp lại, đột ngột và không kiểm soát được. Sau một thời gian ngắn, bệnh nhân mới có thể chủ động kiềm chế các cơn co giật. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể phát ra âm thanh bất thường.
Ngoài ra, hội chứng Tourette còn có các triệu chứng khác:
- Nháy mắt, lắc lư đầu.
- Bắt chước hành động hoặc lời nói của người khác.
- Liếm môi hoặc chép môi, nhún vai, khịt mũi, nhổ nước bọt, hay càu nhàu, chửi rủa...
- Thiếu tập trung, hiếu động thái quá.
- Khó kiểm soát hành vi, khó khăn khi học tập.
- Lo lắng quá mức hoặc quá nhút nhát.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Khó ngủ, đái dầm, nói chuyện trong khi ngủ...
Các biện pháp điều trị hội chứng Tourette
Phần lớn trường hợp có các triệu chứng bị rối loạn vận động, co giật (Tic) nhẹ thì không cần phải điều trị. Nhiều trường hợp mắc hội chứng Tourette gây ảnh hưởng đến người sống cùng hơn là ảnh hưởng đến cá nhân người bệnh, cũng có thể điều trị thành công với các phương pháp khác nhau mà không phải dùng thuốc.
Hơn nữa, do triệu chứng Tic có thể thay đổi lúc tăng lúc giảm, do đó phương pháp điều trị đầu tiên là liệu pháp tâm lý giáo dục và thích ứng cuộc sống trước khi quyết định sử dụng thuốc.
Đối với trường hợp mắc hội chứng Tourette kèm theo các rối loạn như: Tăng động giảm chú ý, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, lo âu... cần điều trị các rối loạn phối hợp. Sau khi điều trị các rối loạn này, các triệu chứng Tic có thể thuyên giảm.
Những trường hợp nặng, việc sử dụng thuốc an thần giúp kiểm soát các cơn co giật. Bác sĩ chuyên khoa thường kê đơn cho bệnh nhân bắt đầu dùng liều nhỏ, sau đó mới tăng dần để đánh giá hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc. Thuốc có thể được chỉ định dùng độc lập hoặc dùng kết hợp để giảm tác dụng phụ. Các thuốc này có thể có các tác dụng phụ như mất ngủ, tăng cân, bồn chồn, thay đổi hành vi...
Bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm gây trở ngại cho hoạt động hằng ngày, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm.
Lưu ý: Trong quá trình điều trị, nếu gặp phải các biểu hiện sau thì cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới gặp bác sĩ:
- Gặp tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.
- Các triệu chứng của bệnh diễn biến xấu đi.
- Cần được giúp đỡ hoặc hướng dẫn ứng phó với bệnh.
- Bệnh nhân bị sốt, cứng cơ hoặc thay đổi hành vi khi sử dụng thuốc điều trị hội chứng Tourette.
Các phương pháp hỗ trợ điều trị hội chứng Tourette
- Can thiệp giáo dục: Đối với trường hợp nhẹ, bệnh nhân chỉ cần được bác sĩ chuyên khoa đánh giá, giải thích về bệnh và thực hiện liệu pháp tâm lý giáo dục. Các chương trình giáo dục này cần được gia đình, giáo viên, bạn bè học tập, nhằm nâng cao sự hiểu biết về bệnh và chấp nhận người bệnh. Từ đó mang lại ảnh hưởng tích cực đối với tất cả các giai đoạn của bệnh.
- Hạn chế stress: Các stress cấp và mạn tính đều có thể làm tăng triệu chứng Tic. Do đó người bệnh cũng như người thân cần có hiểu biết về vai trò quan trọng của stress với Tic.
- Chế độ ăn và luyện tập: Không có chế độ ăn đặc biệt nào có hiệu quả cho hội chứng Tourette. Tuy nhiên, một chế độ ăn cân đối, nâng cao sức khỏe có thể góp phần tạo sự thoải mái và giảm được stress. Theo đó nên hạn chế tối đa các chất kích thích như cafein, rượu, bia... vì có thể làm tăng Tic
Cũng chưa có nghiên cứu có hệ thống nào về tác động của tập thể dục đến các triệu chứng Tic, nhưng việc tập thể dục đều đặn hàng ngày có thể mang lại hiệu quả để đối phó với stress, giúp người bị Tic có cảm giác chủ động, nhanh nhẹn, thoải mái, khỏe mạnh.
- Liệu pháp hành vi: Mặc dù các nghiên cứu về liệu pháp can thiệp hành vi điều trị hội chứng Tourette chưa có kết quả thuyết phục đối với Tic, nhưng đã có ghi nhận đáp ứng và duy trì mang tính chất dự phòng trong điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Do đó liệu pháp này có thể áp dụng trong điều trị hội chứng Tourette có phối hợp với rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Người chăm sóc, sống chung với bệnh nhân cần được tập huấn để biết cách kiểm soát sự tức giận đối với hành vi bất thường của trẻ bị Tic và hội chứng Tourette.
Mời độc giả xem thêm video:
Co giật, rối loạn trí nhớ nhưng không đi khám vì nghĩ bị -ma bắt- I SKĐS