8 cách hỗ trợ 'đảo ngược' tiền đái tháo đường

SKĐS - Tiền đái tháo đường nghĩa là đang phát triển bệnh đái tháo đường type 2, một căn bệnh làm tăng đáng kể nguy cơ đau tim và đột quỵ. Việc thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh có thể trì hoãn hoặc thậm chí ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh đái tháo đường type 2.

GS.TS Trần Hữu Dàng - Nguyên Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, hệ lụy từ căn bệnh đái tháo đường type 2 có thể được ngăn chặn rất sớm từ giai đoạn "mầm mống" tức tiền đái tháo đường.

Tuy nhiên, bệnh nhân thường trải qua thời kỳ tiền đái tháo đường trước khi mắc đái tháo đường mà không hề hay biết. Hầu hết mọi người chỉ phát hiện mình bị tiền đái tháo đường qua các đợt khám sức khỏe hoặc qua chương trình khám sàng lọc đái tháo đường, hoặc tình cờ khám, điều trị bệnh nào đó. Việc khám và tầm soát tiền đái tháo đường chưa được đa số người dân chủ động thực hiện. Đã đến lúc phải xem tiền đái tháo đường như một hiểm họa cần được cảnh báo.

Khi bị tiền đái tháo đường, lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường nhưng chưa đến mức mắc bệnh đái tháo đường type 2. Dưới đây là 8 hướng dẫn giúp giảm lượng đường trong máu để có thể đảo ngược tình trạng tiền đái tháo đường:

1. Cắt bỏ lượng đường bổ sung để đảo ngược tiền đái tháo đường

8 cách

Cắt bỏ lượng đường bổ sung bằng cách cắt giảm đồ ăn có đường để đảo ngược tình trạng tiền đái tháo đường.

Nguyên tắc đầu tiên là cắt giảm lượng carbohydrate đơn giản như đường. Đường là một loại carb giải phóng nhanh, có nghĩa là khi ăn đường, cơ thể sẽ nhanh chóng giải phóng glucose hoặc đường vào máu. Điều này khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.

Các thực phẩm có đường bổ sung bao gồm kẹo, bánh tráng miệng, đồ nướng, mật ong, mút, thạch…

2. Loại bỏ đồ uống ngọt

Cắt bỏ đồ uống có đường là một trong những cách đơn giản nhất để giảm lượng đường trong máu. Chúng không có chất béo hoặc protein để ngăn chặn carbs làm tăng lượng đường trong máu.

Nước là lựa chọn đồ uống tốt nhất, có thể pha nước với các trái cây ít ngọt, hoặc vỏ cam quýt và thảo mộc để tăng thêm chút hứng thú uống. Các chất thay thế tốt khác bao gồm trà không đường (nóng hoặc đá), cà phê không thêm đường.

3. Hạn chế các "thực phẩm trắng"

Bước tiếp theo là loại bỏ các "thực phẩm trắng" có hàm lượng calo rỗng, nhu khoai tây chiên, bánh quy giòn, gạo trắng, bánh mì trắng… Thay vào đó, hãy bắt đầu chọn bánh mì và mì ống làm từ ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt và gạo tự nhiên, đậu và đậu lăng, lúa mạch, kiều mạch, quinoa (diêm mạch), khoai lang, khoai mỡ…

Tập trung vào thực phẩm nguyên thành phần có ít nhất 3g chất xơ trong mỗi khẩu phần ăn và hạn chế lượng carb ở mức khoảng 1 cốc (hoặc hai lát bánh mì) mỗi bữa.

4. Kết hợp protein lành mạnh

Protein làm chậm tốc độ carbohydrate đi vào máu giúp giữ lượng đường trong máu ổn định hơn. Ăn protein trong mỗi bữa ăn có thể giúp cảm thấy no và giảm cảm giác thèm ăn vặt.

Protein lành mạnh bao gồm đậu Hà Lan, trứng, cá, sữa chua Hy Lạp, thịt nạc, các loại hạt, phô mai ít béo, phô mai tươi, đậu phụ.

Nếu mắc bệnh tim mạch, hãy hạn chế ăn thịt đỏ và chỉ ăn thịt gia cầm, cá bỏ da.

5. Ăn đa dạng các loại rau

Hãy ăn nhiều rau, đặc biệt là những loại không chứa tinh bột. Chất xơ trong rau và các loại đậu sẽ giúp cảm thấy no. Vì chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ nên sẽ ít cảm thấy đói giữa các bữa ăn và ăn đồ ăn nhẹ có đường. Các loại rau giàu chất xơ tốt cho người tiền đái tháo đường như măng tây, củ cải, bắp cải, bông cải xanh, cà rốt, súp lơ trắng, rau cần tây, dưa chuột, cà tím, nấm, hành, giá đỗ, bí đao...

Nếu ăn rau đóng hộp, hãy nhớ để ráo nước và rửa sạch bằng nước, điều này sẽ làm giảm lượng natri khi ăn.

6. Ăn trái cây có chỉ số GI thấp

8 cách

Nên ăn trái cây ở mức độ vừa phải.

Trái cây là nguồn cung cấp đường tự nhiên có thể ăn ở mức độ vừa phải. Giới hạn khẩu phần ở một cốc hoặc ít hơn mỗi lần. Và thường xuyên chọn những loại trái cây có lượng đường thấp hơn, như quả mọng (dâu tây, mâm xôi, việt quất...) và kiwi.

ThS.BS. Nguyễn Thu Yên, Chuyên Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, BVĐK Đức Giang cho biết nên ưu tiên chọn những loại quả ít ngọt (chỉ số GI thấp), nhiều chất xơ như: bưởi, ổi, táo, dâu tây, thanh long, đào, cam, đu đủ...

Để làm chậm tốc độ glucose đi vào máu, hãy kết hợp trái cây với nguồn protein, chẳng hạn như một số loại hạt, 2 thìa bơ hạt, sữa chua nguyên chất, phô mai, trứng luộc...

7. Không lạm dụng đồ uống có cồn

Đồ uống có cồn (rượu, bia) là một dạng carbohydrate và nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh tiền đái tháo đường.

8. Ăn đúng bữa

Thời điểm ăn cũng quan trọng như những gì chúng ta ăn. Đừng bỏ bữa, nếu không sẽ đói và có xu hướng ăn quá nhiều sau đó.

Ăn muộn vào ban đêm có liên quan đến lượng đường tăng cao ở những người mắc bệnh tiền đái tháo đường, vì vậy nên ăn trưa là bữa ăn lớn nhất và không ăn trong ba giờ trước khi đi ngủ. Nếu thực sự đói, hãy ăn nhẹ bằng những thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Theo các bác sĩ nội tiết và các chuyên gia dinh dưỡng, việc thay đổi thói quen ăn uống có thể khó khăn nhưng điều này rất tốt cho sức khỏe về lâu dài. Can thiệp sớm vào bệnh tiền đái tháo đường là chìa khóa để đảo ngược thành công và chế độ ăn uống lành mạnh đóng một vai trò rất lớn trong quá trình đó.

Tốt nhất nên đi khám để được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng tư vấn về chế độ ăn uống cho người bệnh tiền đái tháo đường, từ đó có kế hoạch ăn uống phù hợp nhất.

4 loại thực phẩm có hại đối với người bị tiền đái tháo đường4 loại thực phẩm có hại đối với người bị tiền đái tháo đường

SKĐS - Mặc dù tiền đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, nhưng chúng ta có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm phát triển bệnh bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Vậy bạn cần lưu ý tránh loại thực phẩm nào khi bị tiền đái tháo đường?

Xem thêm video đang được quan tâm:

4 loại thực phẩm có hại đối với người bị tiền đái tháo đường | SKĐS


Bảo Châu
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn