Lao là căn bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn trong phổi gây ra, có tỉ lệ tử vong cao, bằng cả nhóm bệnh HIV và sốt rét gộp lại. Kết luận trên dựa vào nghiên cứu của Trường Y học Nhiệt đới London, xét nghiệm máu của những người mắc bệnh lao, đái tháo đường và nhóm khỏe mạnh tại bốn quốc gia là Nam Phi, Romania, Indonesia và Peru. Sau đó, thử nghiệm những người bị bệnh lao có lượng đường trong máu cao, nhưng dưới ngưỡng bệnh đái tháo đường.
Kết quả, các mẫu máu từ những người tiền đái tháo đường vẫn có chứa các phân tử liên quan đến những người bị bệnh lao/đái tháo đường. Điều này cho thấy, ngay giai đoạn tiền đái tháo đường, nguy cơ phát triển bệnh lao vẫn cao. Vì lý do nói trên, tại một số quốc gia như Ấn Độ, nơi có khoảng một phần tư các ca bệnh lao, người ta đã yêu cầu bất cứ ai khi phát hiện thấy nhiễm lao đều phải qua sàng lọc đái tháo đường, và ngược lại.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mối liên quan giữa bệnh đái tháo đường và bệnh lao đã được biết đến tuy còn giới hạn. Bệnh đái tháo đường làm chậm sự phòng thủ tự nhiên của cơ thể, tạo điều kiện cho bệnh lao phát triển. Trong khi tử vong vì bệnh lao đã giảm trong thập kỷ qua, nhưng bệnh đái tháo đường týp II lại tăng mạnh, hiện có trên 450 triệu người trên toàn cầu mắc bệnh đái tháo đường týp II, tập trung chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan và một số nước Đông Nam Á.
Cuộc chiến toàn cầu chống lại bệnh lao lâu nay thường tập trung vào nhóm HIV/AIDS, vì đây là hai căn bệnh đồng hành. Tuy bệnh lao có thể chữa trị được, nhưng việc điều trị phải dài hơi hơn, tốn kém hơn, nhưng bị bệnh lao và đái tháo đường cùng một lúc, việc điều trị sẽ phức tạp hơn.
Vì vậy để giảm bệnh, mọi người nên chú trọng đến việc phòng bệnh, duy trì lối sống khoa học ngay từ khi còn trẻ, nên khám bệnh định kỳ, can thiệp sớm sẽ có tác dụng hạn chế tổn thất, và kéo dài tuổi thọ.