Tiền đái tháo đường là tình trạng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường.
Theo TS.BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai, tiền đái tháo đường được thể hiện cụ thể qua:
- Glucose máu lúc đói trên 6,1 mmol/L đến dưới 7 mmol/L.
- Chỉ số HbA1C trên 6,1% đến dưới 6,5%.
- Glucose máu sau 2h làm nghiệm pháp dung nạp với 75 g glucose từ 7,8 đến dưới 11 mmol/L.
Nguyên nhân gây tiền đái tháo đường vẫn chưa được biết rõ nhưng có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Triệu chứng nhận biết tiền đái tháo đường thường không rõ rệt và dễ nhầm lẫn với một số tình trạng sức khỏe khác.
Cách tốt nhất là thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và có biện pháp khắc phục kịp thời để tiền đái tháo đường không tiến triển thành bệnh lý.
Một số biện pháp người mắc tiền đái tháo đường có thể thực hiện tại nhà, hàng ngày giúp cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa chuyển thành bệnh đái tháo đường.
1. Thực hiện chế độ ăn lành mạnh ngăn ngừa tiến triển của tiền đái tháo đường
Một yếu tố nguy cơ gây tiền đái tháo đường là chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo, calo và đường nhưng không có giá trị dinh dưỡng. Chế độ ăn nhiều thịt đỏ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chính vì vậy, thực hiện lựa chọn thực phẩm lành mạnh trong chế độ ăn có thể giúp khôi phục lượng đường trong máu bình thường, đảo ngược tình trạng tiền đái tháo đường và giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2.
Các loại thực phẩm ít chất béo và ít calo bao gồm trái cây, rau, thịt nạc, các loại ngũ cốc, chất béo lành mạnh, như bơ và cá…
2. Tập thể dục thường xuyên
Thiếu hoạt động thể chất là một yếu tố nguy cơ khác của tiền đái tháo đường. Tập thể dục không chỉ đem lại nhiều năng lượng, củng cố sức khỏe tinh thần mà còn có thể làm giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng độ nhạy insulin. Điều này cho phép các tế bào trong cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu tới 24 giờ sau khi tập luyện. Thời lượng tập luyện tùy thuộc vào kế hoạch hàng ngày của mỗi người, nhưng nếu là người mới bắt đầu thực hiện, bạn nên tiến hành các hoạt động thể chất nhẹ nhàng trong 15 hoặc 20 phút, sau đó tăng dần cường độ và thời lượng tập luyện sau vài ngày.
Tốt nhất là bạn nên có 30 đến 60 phút hoạt động thể chất vừa phải ít nhất 5 ngày một tuần. Các bài tập có thể bao gồm đi dạo, đi xe đạp, chạy bộ, bơi lội, thể dục nhịp điệu, chơi thể thao…
3. Giảm cân
Một lợi ích của thói quen tập thể dục thường xuyên là giúp bạn giảm cân. Trên thực tế, giảm ít nhất 5 đến 10% lượng mỡ trong cơ thể có thể cải thiện lượng đường trong máu và giúp đẩy lùi bệnh đái tháo đường.
Giảm cân cũng giúp giảm vòng eo, giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường do kích thước vòng eo lớn làm tăng khả năng kháng insulin.
Do đó, ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục thường xuyên đều là chìa khóa để giảm cân và duy trì cân nặng với chỉ số BMI trong khoảng 18-22.9 với người Châu Á.
4. Ăn ít carbs hơn
Bạn nên lựa chọn loại carbs chưa qua chế biến như rau, các loại ngũ cốc, đậu… vì những loại carbs này rất giàu chất xơ và giúp no lâu hơn. Chúng cũng mất nhiều thời gian hơn để phân hủy nên chúng hấp thụ vào cơ thể với tốc độ chậm hơn. Điều này giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến.
Tránh hoặc hạn chế carbs đơn giản vì chúng hấp thụ nhanh chóng và gây tăng đột biến lượng đường trong máu ngay lập tức. Carbs đơn giản bao gồm kẹo, sữa chua, mật ong, nước trái cây, một số loại trái cây…
Carbs tinh chế cũng có tác dụng nhanh và nên hạn chế hoặc tránh như gạo trắng, bánh mì trắng, bột bánh pizza, ngũ cốc ăn sáng, bánh ngọt, mỳ ống…
5. Uống nhiều nước hơn
Uống nước là một biện pháp hiệu quả giúp đẩy lùi tiền đái tháo đường tiến triển thành bệnh đái tháo đường type 2. Nguyên nhân do nước giúp kiểm soát lượng đường trong máu và cũng là chất thay thế lành mạnh cho nước ngọt và nước ép trái cây. Những đồ uống đó thường có lượng đường cao, là nguy cơ dẫn đến lượng đường trong máu tăng.
Ngoài ra, nếu bạn đang hút thuốc thì cần bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia, điều trị chứng ngưng thở khi ngủ và thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trong một số trường hợp, bạn cần sử dụng thuốc nếu lượng đường trong máu không cải thiện và bạn vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường.
Mời bạn xem tiếp video:
4 loại thực phẩm có hại đối với người bị tiền đái tháo đường | SKĐS