Hà Nội

Tránh xa những thực phẩm “phá hoại” xương khớp

SKĐS - Các thực phẩm làm giảm sự hấp thu, tăng đào thải vi chất (canxi), vitamin (K2 và D3) cũng như gây thừa cân, béo phì là những yếu tố "phá hoại" hệ xương khớp, cần phải được hạn chế trong khẩu phần hàng ngày.

1. Thực phẩm chứa nhiều muối

Muối là nguồn cung cấp natri chủ yếu cho cơ thể và có tác dụng duy trì áp lực thẩm thấu, giữ cân bằng lượng nước và duy trì điện thế, dẫn truyền xung động thần kinh.

Tuy nhiên, quá thừa muối trong khẩu phần có thể gây tăng đào thải canxi qua thận, do vậy làm giảm lượng canxi từ xương và qua thời gian dài có thể gây bệnh loãng xương. Ngoài ra, chế độ ăn quá nhiều muối còn có thể làm tăng nguy cơ các bệnh không lây nguy hiểm như tăng huyết áp và các biến cố tim mạch…

Do vậy, cần hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể ở mức 3 đến 5 gam mỗi ngày (khoảng 1 thìa cà phê) theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Một nghiên cứu trước đây được thực hiện trên 4.000 phụ nữ mãn kinh của tổ chức Kiến tạo Sức khỏe Phụ nữ (WHI) đã đưa ra kết luận rằng: Mức độ hấp thụ và tiêu thụ natri cao hơn mức trung bình có liên quan đến việc tăng nguy cơ gãy xương hông cũng như tình trạng mất khoáng chất của xương nhiều hơn ở những người ăn chế độ ăn nhiều muối so với những người ăn nhạt hơn.

 Lượng natri cao liên tục được coi là một yếu tố nguy cơ dẫn đến gãy xương do loãng xương, đặc biệt nếu lượng canxi hấp thụ hoặc hấp thụ canxi thấp.

Cách phòng tránh việc ăn quá nhiều muối bao gồm: Việc cho bớt muối khi chế biến thực phẩm, chấm nhẹ tay, pha loãng nước mắm chấm trước khi ăn, hạn chế ăn các đồ ăn đóng hộp có hàm lượng muối cao như dưa cà muối, kim chi, lưu tâm đến hàm lượng muối ghi trên bao bì sản phẩm/thực phẩm đóng gói trước khi mua… đó có thể tạo thành thói quen hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể, giảm nguy cơ loãng xương.

Tránh xa những thực phẩm “phá hoại” xương khớp - Ảnh 2.

Đồ ăn đóng hộp chứa nhiều muối không tốt cho hệ xương khớp.

2. Thức ăn giàu đạm

Chế độ ăn quá thừa đạm có thể gây tăng cân, tăng gánh nặng cho hệ xương khớp. Đặc biệt việc chuyển hóa protein dư thừa có thể làm tăng acid uric trong máu có thể gây bệnh gout, gây tổn thương các khớp và có thể gây biến dạng khớp không hồi phục, làm giảm khả năng vận động của cơ thể.

Lượng đạm được khuyến nghị theo nhu cầu dinh dưỡng là 0.8 g/kg thể trọng cơ thể mỗi ngày. Chế độ ăn thừa đạm cũng có thể gây tăng các chất chuyển hóa, acid uric và tăng độ pH của cơ thể. Do đó canxi được huy động từ xương để tạo thành phosphate calci, giúp duy trì pH máu ổn định, và hậu quả của việc canxi bị rút ra từ xương là xương sẽ xốp hơn, nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn. Theo nghiên cứu, nếu chế độ ăn uống chứa 50% protein hoặc nhiều hơn có thể dẫn đến 1% mất xương mỗi năm.

3. Dầu hydro hóa

Các nghiên cứu gần đây đã tìm thấy rằng quá trình hydro hóa (biến dầu thực vật dạng lỏng thành dầu rắn) được sử dụng trong chế biến thực phẩm hoặc làm bánh để tăng độ xốp, bóng bẩy của sản phẩm làm phá hủy vitamin K tự nhiên được tìm thấy trong các loại dầu. Trong khi đó, vitamin K là chất rất cần thiết cho bộ xương chắc khoẻ.

4. Caffeine

Chất cafein tác động tới hệ xương cũng tương tự muối, lọc canxi từ xương. Cứ mỗi 100mg caffeine (tương đương một tách cà phê nhỏ) dung nạp vào cơ thể bạn sẽ mất đi 6mg canxi. Đó không phải là rất nhiều, nhưng nó có thể trở thành một vấn đề nếu bạn có xu hướng dùng đồ uống có chứa caffeine (như trà đá và cà phê...) thay thế cho các đồ uống lành mạnh cho xương (như sữa và nước trái cây...)

Cần giới hạn lượng cà phê tiêu thụ trong ngày bằng một hoặc hai tách cà phê vào buổi sáng, sau đó chuyển sang các thức uống khác không có tác động xấu tới xương. Ngoài ra, thêm sữa vào cà phê rất tốt.

5. Rượu, bia

Ở một khía cạnh nào đó, rượu "chặn" sự hấp thụ canxi trong cơ thể. Nó ngăn chặn các khoáng chất tạo xương mà bạn hấp thu vào cơ thể. Lượng rượu nhiều có thể phá vỡ quá trình tái tạo xương bằng cách ngăn chặn các nguyên bào xương, các tế tào xương làm công việc của chúng.

Vì vậy, uống nhiều rượu không chỉ làm cho xương trở nên yếu hơn mà còn gây ra chứng gãy xương, can thiệp vào việc chữa các chứng bệnh liên quan đến xương. Cần hạn chế lượng rượu ở mức 1 ly/ngày, cho dù đó là rượu, bia, hoặc rượu nặng.

Tránh xa những thực phẩm “phá hoại” xương khớp - Ảnh 4.

Rượu, bia ngăn chặn sự hấp thu canxi trong cơ thể gây ra các bệnh lý xương khớp.

6. Nước ngọt, nước có gas

Nước ngọt cũng là thức uống nguy hiểm đối với xương. Đồ uống có gas thường chứa axit photphoric làm gia tăng tốc độ bài tiết canxi trong nước tiểu. Trong khi đó chúng chỉ thỏa mãn cơn khát của bạn mà không cung cấp bất kỳ chất dinh dưỡng nào như khi bạn uống sữa hoặc nước ép trái cây.

Khi bạn bị cám dỗ bởi một cốc cola, hãy cố gắng bù đắp lượng canxi bị mất bằng cách tăng cường uống sữa, nước cam hay sinh tố trái cây với sữa chua. Hoặc chỉ cần uống nước khi bạn khát nước và ăn một chế độ ăn uống giàu các chất dinh dưỡng tốt cho xương.

Rượu "chặn" sự hấp thụ canxi trong cơ thể. Nó ngăn chặn các khoáng chất tạo xương mà bạn hấp thu vào cơ thể. Lượng rượu nhiều có thể phá vỡ quá trình tái tạo xương bằng cách ngăn chặn các nguyên bào xương, các tế tào xương làm công việc của chúng.

Mời bạn xem tiếp video:

Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày

TS. Lê Thị Thùy Dung
Đại học Y Hà Nội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn