Cách sử dụng thuốc giảm đau xương khớp an toàn cho người già

18-04-2022 14:58 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Đau xương khớp là nguyên nhân chính gây đau đớn về thể chất ở người cao niên. Sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) có thể giúp kiểm soát cơn đau. Vậy làm thế để sử dụng thuốc an toàn?

Đau xương khớp mãn tính (đặc biệt là đau thắt lưng) là nguyên nhân chính gây ra tàn tật trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 20–33% dân số thế giới bị một số dạng đau cơ xương mãn tính, chiếm 1,75 tỷ người trên toàn cầu.

Đau xương khớp được định nghĩa là cơn đau cấp tính hoặc mãn tính ảnh hưởng đến xương, cơ, dây chằng, gân và thậm chí cả dây thần kinh. Cơn đau liên quan đến rối loạn cơ xương là một vấn đề y tế và kinh tế xã hội phổ biến trên toàn thế giới.

Người lớn tuổi có thể bị nhiều loại bệnh lý cơ xương khác nhau, bao gồm những thay đổi thoái hóa liên quan đến viêm xương khớp, đau khớp mãn tính của chi trên và dưới (ví dụ: Hông, đầu gối, vai và tay), đau thắt lưng, đau cơ xơ hóa, đau cơ và các vị trí gãy xương trước đó. Ngoài ra, bệnh nhân cao tuổi có tỷ lệ mắc bệnh viêm gân và viêm bao hoạt dịch cao hơn.

Sử dụng thuốc để giảm đau xương khớp ở người cao tuổi, hiệu quả nhưng không nên lạm dụng - Ảnh 1.

Đau cơ xương mãn tính có thể dẫn đến suy giảm khả năng vận động ở người cao tuổi.

1. Vì sao người cao tuổi hay bị đau xương khớp?

Một số nguyên nhân tiềm ẩn gây đau xương khớp ở người cao tuổi bao gồm căng cơ/bong gân, loãng xương, tình trạng thoái hóa khớp, thoái hóa đốt sống thắt lưng, hẹp ống sống thắt lưng và những thay đổi thoái hóa đĩa đệm thắt lưng... 

Người cao tuổi cũng có nguy cơ gãy xương cao. Các vị trí gãy do chấn thương liên quan đến khớp và xương không chỉ gây ra tình trạng đau cấp tính mà còn có thể dẫn đến tình trạng đau mãn tính nghiêm trọng.

Cơn đau mãn tính liên quan đến các tình trạng cơ xương khớp có thể gây ra những hạn chế nghiêm trọng về hoạt động, thể chất và cảm xúc. Đau xương khớp mãn tính có thể dẫn đến giảm khả năng vận động, sợ vận động, tăng nguy cơ té ngã, suy giảm tư thế, teo cơ và tàn tật. 

Người cao tuổi cũng có thể bị rối loạn giấc ngủ, các vấn đề về hành vi, cách ly với xã hội, trầm cảm và lo lắng liên quan đến chứng đau cơ xương mãn tính của họ. Vì vậy, điều quan trọng là phải tập trung vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua các chiến lược điều trị hiệu quả và toàn diện.

2. Điều trị bằng thuốc kiểm soát cơn đau 

Dược trị liệu là phương thức điều trị được sử dụng rộng rãi và khuyến nghị cho chứng đau lão khoa. Để đạt được hiệu quả giảm đau cần tập trung vào các nguyên tắc:

Bệnh nhân lớn tuổi thường dùng nhiều loại thuốc cho các bệnh lý đồng mắc, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ và thậm chí tử vong do các tác nhân dược lý.
  • Sử dụng trong thời gian ngắn nhất có thể
  • Chọn đường dùng đơn giản, thuận tiện nhất có thể (ví dụ: Bằng đường uống)
  • Dùng thuốc theo loại và cường độ cơn đau của bệnh nhân.

Người cao tuổi có nhiều nguy cơ bị các tác dụng phụ và tương tác từ một số loại thuốc được kê đơn để kiểm soát cơn đau mãn tính (ví dụ: Opioid, thuốc điều hòa thần kinh và thuốc chống trầm cảm), dẫn đến việc ủng hộ sử dụng thuốc OTC và các chương trình điều trị đa phương thức không dùng thuốc ở người cao tuổi. Theo thói quen khi người cao tuổi bị đau xương khớp thường ra hiệu thuốc mua thuốc không kê đơn  (thuốc OTC) nhằm giúp kiểm soát cơn đau. Các thuốc này chỉ mang ý nghĩa kiểm soát cơn đau không phải là thuốc chữa nguyên nhân gây bệnh do đó không nên lạm dụng và dùng trong thời gian dài. 

3. Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn

3.1 Thuốc giảm đau acetaminophen 

Acetaminophen hay paracetamol là lựa chọn điều trị đầu tay được khuyến nghị cho các cơn đau cơ xương khớp từ nhẹ đến trung bình. 

Sử dụng thuốc để giảm đau xương khớp ở người cao tuổi, hiệu quả nhưng không nên lạm dụng - Ảnh 3.

Thuốc giúp kiểm soát cơn đau, nhưng người cao tuổi tuyệt đối không nên lạm dụng.

Trước khi bắt đầu dùng paracetamol, người bệnh cần phải đánh giá chức năng gan vì thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan.

Liều lượng và tần suất dùng hàng ngày cho người lớn đối với paracetamol chung là 325 mg đến 650 mg mỗi 4 giờ hoặc 650 mg đến 1 g mỗi sáu giờ khi cần thiết để giảm đau.

3.2 Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID)

NSAID là một trong những loại thuốc được kê đơn rộng rãi nhất để giảm đau, chống viêm. 

Khi dùng acetaminophen không đủ để giảm đau, NSAID có thể được sử dụng đối với chứng đau cơ xương liên quan đến viêm và được đề xuất như một lựa chọn điều trị. Các NSAID bao gồm: Diclofenac, meloxicam và celecoxib...

Tuy nhiên, NSAID phải được sử dụng một cách thận trọng ở những người lớn tuổi do có nguy cơ cao xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.

Một số tác dụng phụ bao gồm xuất huyết tiêu hóa, đột quỵ, suy thận và bệnh tim thiếu máu cục bộ. Những người có độ thanh thải creatinin thấp, bệnh dạ dày hoặc bệnh tim mạch phải dùng NSAID hết sức thận trọng do nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nguy cơ biến chứng nghiêm trọng liên quan đến NSAID tăng theo độ tuổi.

Ngoài ra, khả năng xảy ra các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa cũng tăng lên khi NSAID được dùng chung với aspirin liều thấp, mà nhiều bệnh nhân cao tuổi có thể đang sử dụng để chống huyết khối.

NSAID cũng có thể được kê đơn dưới dạng kem hoặc gel. Những dạng bôi này an toàn hơn và có thể hiệu quả để giảm đau.

4. Tác dụng phụ của thuốc giảm đau

Đau xương khớp có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn nhưng thuốc cũng có tác dụng phụ:

  • Acetaminophen không thích hợp khi bệnh nhân bị suy gan hoặc nghiện rượu mãn tính hoặc nghiện rượu.
  • Bệnh nhân đang dùng NSAID phải được theo dõi về tăng huyết áp và các bệnh lý khác như đường tiêu hóa (ví dụ: Khó tiêu, ăn mòn niêm mạc, loét, thủng, chảy máu) hoặc thận (giữ nước, tăng kali máu, giảm lưu lượng máu đến thận, suy thận cấp).

NSAID có những tác dụng phụ đặc biệt có khả năng gây hại đối với người cao tuổi, bao gồm:

- Tăng nguy cơ chảy máu dạ dày, ruột non hoặc ruột kết: Người cao niên dùng aspirin hàng ngày hoặc thuốc làm loãng máu có nguy cơ đặc biệt cao.

- Các vấn đề với niêm mạc dạ dày, có thể gây đau dạ dày hoặc thậm chí là bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

- Suy giảm chức năng thận: Điều này có thể gây ra vấn đề đặc biệt đối với những người lớn tuổi đã bị suy giảm chức năng thận mãn tính.

- Can thiệp vào thuốc điều trị tăng huyết áp.

- Giữ nước và tăng nguy cơ suy tim.

5. Những lưu ý để sử dụng thuốc giảm đau xương khớp an toàn

Đối với người già, đau cơ xương khớp mãn tính có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn gây khó chịu và chán nản. Tuy nhiên, với các phác đồ điều trị đa phương thức kết hợp thuốc không kê đơn, chương trình tập thể dục, hỗ trợ tâm lý và liệu pháp can thiệp, có thể hy vọng chấm dứt chu kỳ đau xương khớp mãn tính và cải thiện chất lượng cuộc sống tổng thể.

Để sử dụng thuốc giảm đau cơ xương khớp an toàn, người cao tuổi cần lưu ý:

  • Không lạm dụng thuốc: Thuốc giảm đau sẽ kém hiệu quả hơn trong việc kiểm soát cơn đau mãn tính nếu sử dụng trong thời gian dài.
  • Thuốc chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng: Thuốc giảm đau có thể giúp kiểm soát cơn đau, nhưng không thể ngăn chặn tác động của quá trình lão hóa và hao mòn cột sống.
  • Không dùng thuốc giảm đau với rượu: Dùng acetaminophen và uống rượu có thể gây tổn thương gan. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo những bệnh nhân dùng liều lượng an toàn của acetaminophen nhưng uống từ ba đồ uống có cồn trở lên trong ngày có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
  • Hiểu về những bất lợi của thuốc: Tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Trước khi mua bất kỳ loại thuốc giảm đau không kê đơn nào, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về những lợi ích và tác hại của những loại thuốc này và cách sử dụng chúng hiệu quả nhất.
  • Tránh dùng quá liều: Lưu ý về các thành phần hoạt tính trong tất cả các loại thuốc để tránh vô tình uống quá nhiều; không sử dụng nhiều loại thuốc cùng chứa chứa paracetamol. Nếu không chắc chắn về các thành phần hoạt tính, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
  • Uống thuốc theo quy định, không tự ý tăng liều.
  • Tránh tương tác bất lợi: Thông báo cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào khác đang dùng, bao gồm thuốc không kê đơn, thực phẩm bổ sung, thảo dược... Chúng có thể tương tác bất lợi với các loại thuốc đang dùng cho bệnh cơ xương khớp hoặc tình trạng sức khỏe khác.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

DS. Dương Khánh Linh
Ý kiến của bạn