1. Muối quan trọng như thế nào với sức khỏe?
Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng là tiền đề cho một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu bữa ăn chỉ đảm bảo yếu tố cân bằng dinh dưỡng mà mùi vị không hấp dẫn thì người sử dụng cũng khó tiêu thụ hết được khẩu phần, dẫn đến cơ thể vẫn không lấy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng dù khẩu phần ăn đã cân bằng dinh dưỡng.
Để giúp món ăn ngon hơn, bên cạnh kỹ thuật chế biến, gia vị cũng đóng một vai trò quan trọng. Gia vị là những loại thực phẩm hoặc các hợp chất hóa học cho thêm vào món ăn (trong giai đoạn tẩm ướp, thời gian chế biến nhiệt, hay trước khi ăn) giúp làm gia tăng hương vị, màu sắc, kích thích tiêu hóa, khiến món ăn trở nên thơm ngon, hài hòa về vị và hấp dẫn hơn.
Một loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người dân Việt Nam đó là muối ăn. Vị của muối là một trong những vị cơ bản. Từ xa xưa muối đã là một trong số các hàng hóa có giá trị nhất do sự cần thiết cho sự sống của mọi cơ thể sống trong đó có loài người.
Thành phần chủ yếu của muối ăn là hai nguyên tố natri và clorua. Đây là những nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Mặc dù vậy, sử dụng quá nhiều muối so với nhu cầu của cơ thể sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe, tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, các bệnh tim mạch (đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim), sỏi thận, suy thận,...
Do đó, cần trang bị những kiến thức về sử dụng muối ăn hợp lý trong chế biến món ăn để đảm bảo lượng muối ăn được sử dụng theo đúng nhu cầu khuyến nghị, giúp duy trì một cơ thể khỏe mạnh.
Muối là gia vị cần thiết trong bữa ăn hàng ngày của người Việt.
2. Đâu là lượng muối an toàn?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị năm 2020, người trưởng thành chỉ nên sử dụng lượng muối dưới 5 gam một ngày giúp giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và nhồi máu cơ tim. 5 gam muối (tương ứng với 1 thìa cà phê muối) tương đương 8g bột canh (1.5 thìa cà phê bột canh) hoặc 25g nước mắm (2.5 thìa canh nước mắm) hoặc 35g nước tương (3.5 thìa canh nước tương).
Tuy nhiên, cũng theo WHO công bố năm 2020, lượng muối ăn trong chế độ ăn uống hiện tại trên toàn cầu là 9-12g mỗi ngày. Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong những năm gần đây, thực tế mỗi người dân đang tiêu thụ trung bình 9.4g muối mỗi ngày (gần gấp hai lần khuyến nghị của WHO).
Cách ước lượng lượng muối ăn.
Do đó cần đảm bảo lượng muối trong khẩu phần ăn không vượt quá khuyến nghị. Vì vậy, trong quá trình nấu nướng hằng ngày, để giảm lượng tiêu thụ muối, chúng ta có thể không thêm muối trong quá trình chế biến thức ăn hoặc không sử dụng thêm các loại gia vị trong bữa ăn, hạn chế sử dụng đồ ăn chứa nhiều muối.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần giảm từ từ lượng muối sử dụng trong bữa ăn, vì nếu giảm một cách đột ngột sẽ gây ra rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, làm giảm sự hấp dẫn của món ăn từ đó giảm lượng tiêu thụ trong khẩu phần gây thiếu năng lượng, sụt cân và suy dinh dưỡng.
3. Cách giảm muối trong khẩu phần ăn thường ngày
Để tránh mắc các bệnh tim mạch liên quan đến muối ăn, cần thực hiện giảm muối trong chế độ ăn của gia đình. Trong đó cần lưu ý:
- Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, bim bim, hạt điều rang muối... Đồng thời, tăng các thực phẩm tươi sống.
- Tự nấu ăn ở nhà để chủ động kiểm soát lượng muối ăn vào.
- Tăng các món luộc, hấp thay vì món kho, rim, rang...
- Nên giảm ăn muối một cách từ từ để cơ quan cảm nhận vị giác có thể dần thích nghi.
- Giảm lượng gia vị chứa nhiều muối bằng cách chế biến với các loại gia vị khác để tăng vị giác.
- Hạn chế dùng các loại nước mắm, bột canh, mì chính... Hoặc nên pha loãng, dùng thêm các gia vị khác như chanh, ớt, tỏi.
- Nên đọc thành phần các chất dinh dưỡng trên nhãn mác sản phẩm để kiểm tra lượng muối trong thực phẩm trước khi sử dụng.
4. Lưu ý khi sử dụng muối ở người bệnh tim mạch
Đối với người bệnh tim mạch, việc giảm lượng muối tiêu thụ trong khẩu phần hay hạn chế hoàn toàn là điều cần thiết.
Nên ăn giảm lượng muối ăn dưới 5g/ngày để tốt cho tim mạch.
Với người bệnh tăng huyết áp: Giảm lượng muối dưới 5g/ngày, nếu có phù, suy tim, cho ít hơn (2-3g/ngày). Hạn chế hoàn toàn các món ăn có chứa nhiều muối như cà muối, dưa muối, mắm tôm, mắm tép, thực phẩm đóng hộp.
Với người bệnh suy tim: Suy tim thể nhẹ, sử dụng chế độ ăn nhạt vừa hay hạn chế ít muối. Cho sử dụng 2 gam muối ăn hoặc 2 thìa cà phê nước mắm/ngày. Không dùng các thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối như bánh mỳ, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nướng, ướp sẵn, pho mai.
Suy tim thể trung bình, sử dụng chế độ hạn chế tương đối muối (chế độ ăn nhạt). Sử dụng 1g muối ăn hoặc 1 thìa cà phê nước mắm/ngày. Chọn thực phẩm ít muối (cá nước ngọt, gạo trắng, rau, khoai củ, hoa quả tươi), không dùng các thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối (cà muối, thịt muối, cá muối), thực phẩm đóng hộp.
Suy tim thể rất nặng có nhiều biến chứng, sử dụng chế độ ăn hạn chế tuyệt đối muối (chế độ ăn nhạt hoàn toàn). Lượng muối dưới 1g/ngày. Chú ý khi thực hiện chế độ ăn này: Hoàn toàn không dùng muối, mì chính, bột canh, nước mắm trong khi chế biến thức ăn.
Việc cân đối sử dụng các chất dinh dưỡng trong khẩu phần, bao gồm cả lượng tiêu thụ muối đối với người bệnh tim mạch là điều rất quan trọng, cần có sự tư vấn, hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bộ Y tế: Tiếp tục tiêm vaccine cho người đã mắc COVID-19.