Bài tập cho người mắc Hội chứng Bartter

31-03-2025 21:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bên cạnh việc kiểm soát bệnh bằng thuốc và chế độ dinh dưỡng phù hợp, tập luyện thể chất đúng cách có thể giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp, tăng cường tuần hoàn máu, hỗ trợ cân bằng điện giải và nâng cao chất lượng cuộc sống ở người mắc Hội chứng Bartter.

1. Vai trò của tập luyện đối với người mắc Hội chứng Bartter

Hội chứng Bartter là một dạng rối loạn di truyền hiếm gặp, ảnh hưởng đến chức năng của thận, khiến cơ thể mất quá nhiều muối, kali và nước. Việc tập luyện thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, cải thiện chức năng tim mạch, xương khớp và giúp bệnh nhân kiểm soát triệu chứng tốt hơn:

- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Người mắc Hội chứng Bartter có nguy cơ rối loạn nhịp tim do mất kali. Các bài tập nhẹ nhàng giúp tăng cường hệ tim mạch mà không gây quá tải cho cơ thể.

- Duy trì mật độ xương: Hội chứng Bartter có thể gây mất cân bằng canxi, làm xương yếu, gây loãng xương và nguy cơ gãy xương. Tập luyện giúp duy trì mật độ xương, giảm nguy cơ loãng xương.

- Tăng cường sức mạnh cơ bắp: Mất kali có thể gây yếu cơ. Các bài tập kháng lực nhẹ giúp duy trì và cải thiện sức mạnh cơ bắp.

- Hỗ trợ tuần hoàn máu và cải thiện giấc ngủ: Vận động hợp lý còn giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ cho người bệnh.

2. Bài tập cho người mắc Hội chứng Bartter

Việc tập luyện cho người mắc Hội chứng Bartter cần được điều chỉnh để phù hợp với thể trạng, tránh gây mất nước và rối loạn điện giải. Do đó, trước khi tập luyện, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia và các nhân viên y tế.

Dưới đây là một số bài tập tham khảo:

2.1. Bài tập cải thiện sức khỏe tim mạch

Mục tiêu: Cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường lưu thông máu mà không gây quá tải cho cơ thể.

Đi bộ chậm: Nên đi bộ đều đặn khoảng 15 - 30 phút mỗi ngày, duy trì ít nhất 3 - 5 ngày mỗi tuần. Đi bộ với tốc độ chậm hoặc vừa phải, giữ nhịp thở đều đặn, đi trên đường bằng phẳng để hạn chế chấn thương.

Đạp xe tại chỗ: Đạp với tốc độ chậm, không dùng lực quá mạnh để tránh mất sức; duy trì đều đặn 10 - 20 phút/lần, 3 - 4 lần/tuần.

Bơi lội: Người mắc Hội chứng Batter cũng có thể bơi lội thường xuyên, 2-3 buổi/tuần nhằm tăng cường sức khỏe tim phổi, giúp thư giãn cơ bắp và hạn chế mất nước qua mồ hôi.

Bài tập cho người mắc Hội chứng Bartter- Ảnh 1.

Bơi lội giúp tăng cường sức khỏe tim phổi ở người mắc Hội chứng Bartter.

2.2. Bài tập tăng cường cơ bắp

Mục tiêu: Hỗ trợ cơ bắp chống lại tác động tiêu cực của việc mất kali gây yếu cơ, giúp cải thiện sức mạnh và độ linh hoạt của xương khớp.

Bài tập squat: Tư thế đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai; hạ người xuống từ từ như tư thế ngồi, giữ lưng thẳng, đầu gối không vượt quá mũi chân; đẩy người lên về tư thế ban đầu; thực hiện 10 - 12 lần, lặp lại 2 - 3 hiệp.

Bài tập cho người mắc Hội chứng Bartter- Ảnh 2.

Bài tập squat giúp cải thiện sức mạnh xương khớp.

Bài tập nâng tay với tạ: Đứng thẳng, giữ tạ nhẹ ở hai tay; gập khuỷu tay để nâng tạ lên ngang vai, giữ 2 - 3 giây rồi hạ xuống; thực hiện 10 - 12 lần mỗi hiệp, lặp lại 2 - 3 hiệp.

Bài tập cho người mắc Hội chứng Bartter- Ảnh 3.

Bài tập nâng tạ cải thiện độ linh hoạt xương khớp (ảnh minh họa).

Bài tập nâng chân: Nằm ngửa trên thảm, hai chân duỗi thẳng; nâng hai chân lên khoảng 30 - 45 độ, giữ trong 3 - 5 giây rồi hạ xuống; lặp lại 10 - 15 lần.

Bài tập nâng hông: Tư thế nằm ngửa, co gối, hai chân đặt vững trên mặt sàn; siết cơ mông và nâng hông lên cao, giữ trong 5 giây; hạ xuống từ từ và lặp lại 10 - 12 lần.

Bài tập cho người mắc Hội chứng Bartter- Ảnh 4.

Bài tập nâng hông (ảnh minh họa).

2.3. Bài tập giữ thăng bằng và cải thiện linh hoạt

Mục tiêu: Người mắc Hội chứng Bartter có nguy cơ yếu cơ bắp, mất nước và rối loạn điện giải, dẫn đến tình trạng mất thăng bằng và giảm linh hoạt trong vận động. Thực hiện các bài tập giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng, giảm nguy cơ té ngã và tăng cường sự linh hoạt của cơ thể.

Bài tập đứng một chân: Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai; bắt đầu nâng một chân lên khỏi mặt đất, giữ thăng bằng trong 10 - 15 giây; đổi chân và lặp lại 2 - 3 lần mỗi bên (có thể đặt tay lên ghế hoặc tường để hỗ trợ nếu cần).

Bài tập cho người mắc Hội chứng Bartter- Ảnh 5.

Bài tập đứng trên một chân.

Bài tập đi bộ theo đường thẳng: Người bệnh ở tư thế đứng thẳng, đặt một chân trước chân kia sao cho gót chân trước chạm vào mũi chân sau; bước đi chậm rãi, giữ lưng thẳng và mắt nhìn thẳng; thực hiện khoảng 10 - 15 bước.

Bài tập xoay hông: Tư thế đứng, đặt hai tay lên hông; xoay hông theo vòng tròn chậm rãi trong 10 - 15 giây, sau đó đổi chiều.

Bài tập cúi gập người: Đứng thẳng, hai chân rộng bằng vai ;cúi gập người từ từ về phía trước, thả lỏng cánh tay; giữ tư thế trong 10 - 15 giây, sau đó trở về tư thế ban đầu.

Bài tập cho người mắc Hội chứng Bartter- Ảnh 6.

Bài tập cúi gập người.

2.4. Bài tập thư giãn và hô hấp

Mục tiêu: Các bài tập thư giãn và hô hấp có thể giúp ổn định tinh thần, giảm căng thẳng, cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ điều hòa hệ thần kinh.

Bài tập thở sâu (Hít thở bằng cơ hoành): Tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái, đặt một tay lên bụng, tay còn lại trên ngực; hít vào sâu bằng mũi, cảm nhận bụng phồng lên, giữ hơi trong 3 - 5 giây; thở ra từ từ qua miệng, cảm nhận bụng xẹp xuống; thực hiện đều đặn 5 - 10 phút/lần, có thể thực hiện mỗi ngày.

Thiền chánh niệm: Tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái, thả lỏng toàn bộ cơ thể; nhắm mắt nhẹ nhàng, tập trung vào hơi thở; hít sâu bằng mũi trong 4 giây, giữ hơi 2 giây, rồi thở ra từ từ bằng miệng trong 6 giây; lặp lại trong 5 - 10 phút, giữ tâm trí tập trung vào từng hơi thở.

3. Lưu ý khi tập luyện

Người mắc Hội chứng Bartter cần tập luyện đúng cách để tránh mất nước và điện giải quá mức, đảm bảo sức khỏe và tối ưu hiệu quả tập luyện.

Dưới đây là những lưu ý quan trọng:

- Chọn thời điểm tập thích hợp, nên tập vào buổi sáng hoặc chiều mát, tránh tập dưới trời nắng gắt hoặc trong môi trường quá nóng để hạn chế nguy cơ mất nước và điện giải.

- Không tập khi quá đói hoặc quá no. Nên ăn nhẹ trước tập khoảng 30 - 60 phút để duy trì năng lượng.

- Bắt đầu với cường độ nhẹ, sau đó tăng dần tùy theo thể trạng, tránh các bài tập quá sức như chạy bộ cường độ cao có thể gây mệt mỏi, chuột rút do mất kali.

- Nếu cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, tim đập nhanh, cần dừng tập ngay và nghỉ ngơi.

- Uống nước trước, trong và sau khi tập để tránh mất nước. Sử dụng nước điện giải (nước oresol, nước dừa, nước ion kiềm) thay vì nước lọc đơn thuần để giúp duy trì cân bằng kali và natri.

- Tập luyện xen kẽ với thời gian nghỉ để tránh kiệt sức.

- Ngủ đủ giấc để cơ thể phục hồi tốt hơn, đặc biệt với người có huyết áp thấp do bệnh Bartter.

- Không tập khi đang ốm hoặc cơ thể mệt mỏi, tránh làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn điện giải.

- Nếu có các vấn đề sức khỏe đặc biệt hoặc đang dùng thuốc lợi tiểu, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn bài tập phù hợp.

Tập luyện có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người mắc Hội chứng Bartter cải thiện sức khỏe tổng thể, duy trì cơ bắp và tăng cường hệ tim mạch. Tuy nhiên, cần lựa chọn bài tập phù hợp, tránh mất nước và điện giải quá mức. Một chế độ tập luyện nhẹ nhàng, điều độ, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh kiểm soát triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xem thêm bài đang được quan tâm:

Bài tập cho người hoại tử vô mạchBài tập cho người hoại tử vô mạch

SKĐS - Tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi cho bệnh nhân hoại tử vô mạch. Việc thực hiện các bài tập phù hợp giúp duy trì sự linh hoạt của khớp, giảm đau và ngăn ngừa bệnh tiến triển.


BSNT. Hương Trà
Trường Đại học Y Hà Nội
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn