1. Jet lag khi nào cần điều trị?
Triệu chứng của hội chứng jet lag khác nhau ở mỗi người, có thể biểu hiện một hoặc nhiều triệu chứng. Thông thường, các triệu chứng của jet lag xảy ra trong 1-2 ngày đầu của chuyến đi, khi khoảng cách di chuyển thay đổi ít nhất 2 múi giờ.
Jet lag là tình trạng tạm thời và không cần thiết điều trị. Các triệu chứng thường giảm dần và biến mất trong vòng vài ngày. Một số thói quen sau đây có thể giúp bạn nhanh chóng thích nghi với múi giờ mới:
- Tích cực vận động vào ban ngày ngay cả khi cảm thấy mệt mỏi;
- Buộc bản thân đi ngủ theo đúng giờ nơi bạn ở;
- Điều chỉnh ánh sáng, để phòng sáng vào ban ngày và tối vào ban đêm;
- Điều chỉnh thời gian ăn uống theo thời gian biểu của nơi mà bạn đang sống;
- Tắm vòi sen với nước nóng giúp bạn thư giãn và dễ ngủ hơn.
Nếu những triệu chứng không được cải thiện, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được điều trị thích hợp.
2. Thuốc nào dùng điều trị hội chứng jet lag
2.1. Melatonin
Melatonin là một loại hormon mà cơ thể tạo ra ở tuyến tùng, ngay phía trên trung tâm não. Melatonin được biết đến với vai trò điều chỉnh chu kỳ thức - ngủ của cơ thể. Cơ thể sẽ giải phóng melatonin khi trời tối hơn và lượng melatonin giảm vào buổi sáng, báo hiệu đồng hồ bên trong cơ thể rằng đã đến giờ thức dậy.
Bổ sung melatonin có thể giúp cải thiện giấc ngủ ở người gặp tình trạng jet lag. Thuốc khá an toàn nếu được sử dụng trong thời gian ngắn.
Tác dụng phụ của chất bổ sung melatonin khác nhau tùy theo từng người và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như liều lượng, tần suất sử dụng và tương tác với các loại thuốc đang dùng. Một số tác dụng phụ ngắn hạn có thể gặp khi sử dụng melatonin như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn...
Tuy nhiên, để ngăn ngừa tác dụng phụ không mong muốn, nên sử dụng melatonin ở liều thấp. Chất bổ sung melatonin có thể tương tác với một số loại thuốc như thuốc chống co giật, thuốc làm loãng máu, thuốc tránh thai, thuốc ức chế miễn dịch… Do đó trước khi sử dụng melatonin nên trao đổi với bác sĩ.
Không nên dùng melatonin khi đang mang thai hoặc đang cho con bú, bị trầm cảm, rối loạn chảy máu hoặc rối loạn co giật.... Với các bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp cần trao đổi với bác sĩ trước khi muốn bổ sung melatonin.
2.2 Các loại thuốc như non-benzodiazepines, benzodiazepines có thể được bác sĩ kê đơn nhằm giúp giảm lo lắng, căng thẳng, gây buồn ngủ, dễ ngủ...
Một số tác dụng phụ của thuốc, bao gồm buồn nôn, nôn mửa, mất trí nhớ, mộng du, nhầm lẫn, buồn ngủ vào buổi sáng... Mặc dù các loại thuốc này giúp tăng thời gian ngủ nhưng không có tác dụng làm giảm bớt các triệu chứng mệt mỏi vào ban ngày của jet lag.
3. Liệu pháp ánh sáng
Một trong số những yếu tố ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể là việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Khi di chuyển qua các múi giờ khác nhau, cơ thể phải thích nghi với một lịch trình ban ngày mới, điều chỉnh lại giúp bạn chìm vào giấc ngủ và tỉnh táo vào những thời điểm thích hợp.
Liệu pháp ánh sáng dưới các hình thức như hộp đèn sáng trên bàn, đèn bàn với nguồn sáng thích hợp hay một đèn đeo trên đầu có thể hữu ích cho việc điều chỉnh nhịp sinh học.
4. Phòng ngừa hội chứng jet lag
Một số thói quen sau đây có thể giúp ngăn chặn hoặc giảm bớt ảnh hưởng của jet lag:
- Nên đến sớm trước một vài ngày: Nếu có một cuộc họp quan trọng hoặc sự kiện đòi hỏi sức khỏe ở trạng thái tốt nhất, hãy thu xếp đến sớm hơn vài ngày để cơ thể có thời gian điều chỉnh và thích nghi.
- Nghỉ ngơi nhiều trước mỗi chuyến đi.
- Dần dần điều chỉnh lịch trình trước chuyến đi: Nếu có dự định sẽ di chuyển về phía đông, thử đi ngủ sớm hơn một giờ mỗi đêm trong vài ngày trước khi khởi hành. Đi ngủ sau một giờ trong vài đêm nếu đi về phía tây. Nếu có thể, nên ăn các bữa ăn gần với thời gian sẽ dùng bữa tại điểm đến sắp tới.
- Điều chỉnh việc tiếp xúc với ánh sáng: Vì tiếp xúc với ánh sáng là một trong những ảnh hưởng chính đến nhịp sinh học của cơ thể, nên việc điều chỉnh phơi sáng có thể giúp cơ thể điều chỉnh với vị trí mới. Nói chung, tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối giúp điều chỉnh về múi giờ muộn hơn so với thông thường (đi về phía tây), trong khi tiếp xúc với ánh sáng buổi sáng có thể giúp cơ thể thích nghi với múi giờ sớm hơn (đi về hướng đông).
- Uống nhiều nước. Mất nước có thể làm cho các triệu chứng của jet lag tồi tệ hơn. Tránh uống rượu và caffeine, vì những thứ này có thể gây ra tình trạng mất nước và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Cố gắng ngủ trên máy bay nếu đó là ban đêm tại điểm đến. Nếu nơi đến đang là ban ngày, hãy cố gắng chống lại cơn buồn ngủ.