1. Vai trò của vitamin D với cơ thể
Vitamin D là một dưỡng chất quan trọng với cơ thể. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi và tạo xương chắc khỏe hơn, cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ, dây thần kinh và hệ thống miễn dịch.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu đủ lượng vitamin D cần thiết, có thể giảm được nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm như ung thư, đái tháo đường, nhiễm trùng…
- Ở trẻ em: Vitamin D giúp hỗ trợ phát triển hệ xương khớp, hạn chế tình trạng còi xương, chậm lớn, tăng cường miễn dịch, điều hòa lượng canxi trong máu…
- Ở người cao tuổi: Vitamin D giúp bảo vệ xương khớp, tránh loãng xương, tăng cường thể chất, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch…
- Ở phụ nữ mang thai và cho con bú: Vitamin D giúp mẹ và thai nhi có hệ miễn dịch khỏe mạnh, đồng thời giúp hạn chế khả năng mẹ bị đái tháo đường, tiền sản giật...
2. Bổ sung vitamin D thế nào?
Thông thường, lượng vitamin D được hấp thụ từ các nguồn tự nhiên (thực phẩm và ánh nắng mặt trời). Tuy nhiên, nhiều trường hợp không hấp thụ đủ có thể lựa chọn bổ sung vitamin D. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà cần một lượng cụ thể:
- Trẻ sơ sinh đủ tháng, trẻ dưới 1 tuổi bú mẹ hoàn toàn, cần khoảng 400 IU/ngày (khoảng 10mcg bao gồm cả thực phẩm và thuốc bổ sung), tùy theo thể trạng của mỗi trẻ.
- Trẻ trên 1 tuổi - 18 tuổi cần 600 IU/ngày (15 mcg).
- Người lớn dưới 70 tuổi cần 600 IU/ngày.
- Người lớn trên 70 tuổi trở lên cần 800 IU/ngày (20 mcg).
Lưu ý, chỉ nên bổ sung vitamin D trong một số trường hợp cần thiết: Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người cao tuổi hoặc một số trường hợp bị thiếu hụt vitamin này.
3. Vitamin D có thể gây ngộ độc?
Ngộ độc vitamin D hoặc tình trạng thừa vitamin D là cực kỳ hiếm. Một người không thể phát triển tình trạng này nếu thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và có chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất với các loại thực phẩm chứa vitamin D tự nhiên.
Tuy nhiên, có một số trường hợp có thể ngộ độc do bổ sung vitamin D liều cao, kéo dài, với các triệu chứng: Suy nhược, mệt mỏi, trầm cảm, lú lẫn, sững sờ hoặc hôn mê, tiểu nhiều (đi tiểu quá nhiều), sỏi thận (sỏi thận), suy thận, vôi hóa mô mềm, viêm kết mạc (đau mắt đỏ), sốt, ớn lạnh, chán ăn, buồn nôn, nôn và táo bón.
Việc bổ sung quá liều vitamin D có thể gây tăng lượng canxi trong máu. Điều này dễ dẫn đến sự lắng đọng trong động mạch và các cơ quan, làm tăng nguy cơ tim mạch và các nguy cơ sức khỏe khác.
Liều lượng có thể gây ngộ độc:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Vượt quá 1000IU/ngày.
- Trẻ 6 tháng đến 1 tuổi: Vượt quá 1500IU/ngày.
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: Vượt quá 2500 IU/ngày.
- Trẻ 4 - 8 tuổi: Vượt quá 3000IU/ngày.
- Từ 8 - 18 tuổi, người trưởng thành từ 18 - 70 tuổi và người già trên 70 tuổi: Vượt quá 4000IU/ngày.
4. Làm thế nào giảm nguy cơ quá liều vitamin D?
Để tránh bổ sung quá liều vitamin D, nên:
- Ăn chế độ ăn đa dạng các loại thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, cá, gan, sữa, ngũ cốc…
- Tắm nắng để cơ thể hấp thụ được lượng vitamin D đầy đủ nhất.
- Tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng vitamin D của bác sĩ.
- Trước khi ăn uống thực phẩm chế biến, uống bổ sung vitamin tổng hợp hoặc vitamin D hàng ngày cần kiểm tra nhãn thành phần dinh dưỡng trên sản phẩm để biết lượng vitamin D là bao nhiêu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dấu hiệu cơ thể thừa vitamin D.