Hà Nội

Những ai cần thận trọng khi bổ sung vitamin D?

27-07-2023 08:58 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Vitamin D mặc dù quan trọng và rất cần thiết cho sức khỏe, nhưng cũng có những nhóm người cần thận trọng khi bổ sung chất này...

Vitamin D không thực sự là một loại vitamin mà là một pro-hormone tan trong chất béo. Vitamin D có 2 dạng: Vitamin D2 (ergocalciferol) và vitamin D3 (cholecalciferol). Cả 2 đều được chuyển đổi trong cơ thể thành dạng hoạt động của vitamin D.

Vitamin D2 được tổng hợp tự nhiên bởi thực vật. Vitamin D3 được cơ thể tổng hợp khi da tiếp xúc với tia cực tím (chủ yếu là tia UVB) từ mặt trời.

Những ai cần thận trọng khi bổ sung vitamin D? - Ảnh 1.

Một nguồn lớn vitamin D được tổng hợp từ ánh nắng mặt trời.

Dưới tác dụng của tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, da sản sinh ra cholecalciferol. Chất này sẽ được vận chuyển và chuyển hóa ở gan thành 25-hydroxycholecalciferol 25(OH)vitamin D, sau đó ở thận sẽ chuyển sang dạng hoạt động là 1,25 dihydroxycholecalciferol, là chất chuyển hóa có hoạt tính của vitamin D.

Quá trình sản xuất này thay đổi rất nhiều tùy theo vùng địa lý, mùa, giờ trong ngày hoặc thậm chí là sắc tố da. Vitamin D2 và D3 có thể được sản xuất hóa học và được sử dụng làm chất bổ sung.

1. Vai trò của vitamin D

Chức năng chính của vitamin D là đảm bảo đủ nồng độ canxi và phốt pho trong máu, giúp ruột hấp thu các khoáng chất này và giảm thải trừ qua thận.

Hỗ trợ này cho phép:

  • Tối ưu hóa sự khoáng hóa của xương, sụn và răng
  • Điều chỉnh chức năng cơ bắp
  • Tối ưu hoạt động của hệ thần kinh
  • Quá trình đông máu bình thường

Ngoài ra, vitamin D còn tham gia vào quá trình cân bằng nội tiết tố và góp phần vào hoạt động của hệ thống miễn dịch. Do đóng một vai trò trong hoạt động chính xác của các tế bào miễn dịch, sự thiếu hụt của vitamin D có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng như cảm, cúm…

2. Ai có nguy cơ thiếu hụt vitamin D?

Một số quần thể có nguy cơ thiếu vitamin D bao gồm: Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người già. Khả năng hấp thụ hoặc tổng hợp vitamin D của cơ thể giảm dần theo tuổi tác. Ở người cao tuổi, lượng vitamin D hấp thụ thấp là dẫn đến tình trạng mất xương và do đó gây loãng xương.

Các yếu tố khác có thể làm trầm trọng thêm những nguy cơ thiếu hụt này: sắc tố da, chế độ ăn kiêng cụ thể (loại bỏ thịt, cá, trứng và các sản phẩm từ sữa), các bệnh lý gây ra tình trạng kém hấp thu ở ruột.

Các dấu hiệu lâm sàng của tình trạng thiếu vitamin D là:

  • Nhuyễn xương và còi xương
  • Mất trương lực cơ
  • Cơn co giật (liên quan đến hạ canxi máu) và đôi khi thiếu máu.

Ở những người có nguy cơ bị thiếu hụt, cần làm xét nghiệm máu để đo nồng độ 25 (OH) vitamin D trong huyết thanh. Nồng độ 25 (OH) vitamin D trong máu nên nằm trong khoảng từ 30 đến 45 ng/ml máu. Nếu nồng độ vitamin D trong máu dưới 30 ng/ml, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung vitamin D để đưa về giá trị bình thường.

Những ai cần thận trọng khi bổ sung vitamin D? - Ảnh 2.

Bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung vitamin D dựa trên kết quả xét nghiệm máu xem có thiếu chất này hay không

Cần tránh khái niệm "càng nhiều càng tốt" trong trường hợp bổ sung vitamin D. Dư thừa vitamin D (liều lượng > 10.000 IU/ngày) có thể xảy ra trong trường hợp bổ sung quá mức và có thể gây mất nước, buồn nôn, sụt cân và thậm chí là suy thận.

3. Thận trọng khi bổ sung vitamin D?

Mặc dù vitamin D là một chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho sức khỏe, nhưng cũng có những nhóm người cần thận trọng.

Các nhóm này bao gồm:

  • Người có vấn đề về thận: Những người mắc các vấn đề về chức năng thận, như suy thận, việc cung cấp quá nhiều vitamin D có thể gây ra tích tụ trong cơ thể, khiến thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu, gây thêm gánh nặng cho thận.
  • Sỏi thận: Tăng hàm lượng vitamin D trong cơ thể làm tăng canxi trong nước tiểu, có thể góp phần vào sự hình thành của một số loại sỏi thận.
  • Người có phản ứng dị ứng với vitamin D: Một số người có thể có dấu hiệu phản ứng dị ứng hoặc gặp tác dụng phụ khi sử dụng vitamin D, bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, hoặc chóng mặt. Nếu có bất kỳ dấu hiệu lạ hoặc bất thường nào sau khi bổ sung vitamin D, nên ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Người tiêu thụ lượng lớn vitamin D: Nếu tiêu thụ một lượng lớn vitamin D từ thực phẩm giàu vitamin D như cá béo, thực phẩm bổ sung và các sản phẩm chức năng, nên cân nhắc giảm lượng bổ sung từ các nguồn khác.
  • Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần lưu ý việc bổ sung vitamin D, vì nhu cầu dinh dưỡng trong thời kỳ này có thể khác biệt. Cần thảo luận với bác sĩ về liều lượng phù hợp.

Trước khi bổ sung bất kỳ loại vitamin nào, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, đặc biệt là nếu bạn thuộc những nhóm người cần thận trọng khi sử dụng vitamin D. Bác sĩ sẽ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe và đưa ra giải pháp bổ sung vitamin D phù hợp.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Dấu Hiệu Cơ Thể Thừa Vitamin D | SKĐS


Ths. Nguyễn Mạnh Hùng
Ý kiến của bạn