10 tỉnh tiêm vaccine COVID-19 chậm
Cập nhật đến trưa ngày 20/8, trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 cho thấy đã có 16,341,097 liều vaccine được tiêm chủng trên cả nước, riêng trong ngày 19/8 đã tiêm 381,598 liều.
Cũng theo thông tin trên Cổng thông tin tiêm chủng cho hay, 10 tỉnh, thành phố có tốc độ tiêm vaccine COVID-19 nhanh nhất tính theo số mũi tiêm trên số vaccine được phân bổ thực tế gồm: Đồng Tháp, Cà Mau, Vĩnh Long, Sóc Trăng , Tiền Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cần Thơ, Bắc Ninh, Bắc Giang và Bình Phước.
10 tỉnh, thành phố tiêm chậm tính theo số mũi tiêm trên số vaccine được phân bổ thực tế gồm: Thanh Hoá, Bình Thuận, Quảng Nam, Thái Bình, Hà Giang, An Giang, Kiên Giang, Nghệ An, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế.
Dữ liệu trên cổng này cũng cho biết đến trưa nay đã 5,338,103 lượt người đăng ký tiêm chủng vaccine.
Theo Bộ Y tế, từ nay đến cuối năm 2021, số lượng vaccine COVID-19 sẽ về nhiều và dồn dập, do vậy công tác chuẩn bị tiêm chủng phải luôn sẵn sàng, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo nguyên tắc nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất.
Từ ngày 23/8, TP. HCM áp dụng biện pháp mạnh 'ai ở đâu ở yên đó' để phòng dịch COVID-19
Trưa 20/8, UBND TP Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh tại địa bàn. Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh thông báo, từ ngày 23/8 sẽ áp dụng các biện pháp phòng dịch mạnh hơn để đảm bảo công tác phòng dịch. Trong đó, yêu cầu người dân phải đảm bảo việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố...
Trong thời gian này, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung chăm lo cho bệnh nhân F0, điều trị người có triệu chứng chuyển nặng để hạn chế số ca tử vong; tiếp tục đẩy nhanh việc lấy mẫu xét nghiệm người dân ở những khu vực "vùng đỏ" trên bản đồ COVID-19; tăng cường đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho người dân.
TP Hồ Chí Minh đảm bảo sẽ cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiếp tục chăm lo đầy đủ, hỗ trợ nhanh chóng đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế tại địa bàn.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện 5K, vaccine, thuốc uống, không tập trung mua gom hàng hóa. Thành phố đã chuẩn bị các phương án đảm bảo cung ứng hàng hóa trong thời gian thực hiện các biện pháp trên.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, vừa qua TP Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 86 của Chính phủ, Chỉ thị số 12 của BTV Thành Ủy và Kế hoạch 2715 của UBND TP Hồ Chí Minh, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố tiếp tục tăng cường nâng cao các biện pháp với phương châm: Mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng chống dịch.
Từ 12h ngày 20/8, người vào Quảng Ninh phải có xét nghiệm âm tính RT- PCR trong 48 giờ và phải có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo từ 12h ngày 20/8, người vào Quảng Ninh phải có xét nghiệm âm tính COVID-19 bằng phương pháp RT- PCR trong thời gian 48 giờ và phải có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Riêng đối với lái và phụ xe tải, xe container chở hàng hóa liên tỉnh phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR âm tính tối đa 48 giờ kể từ giờ lấy mẫu, khuyến khích đã tiêm 2 mũi vaccine.
Đối với người về từ các địa phương đang áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng phải tiếp tục thực hiện cách ly y tế tập trung có trả phí 14 ngày tại khu cách ly tập trung, sau đó cách ly tại nhà 7 ngày, trừ các trường hợp đặc biệt theo quy định.
Đối với công nhân, người lao động trong tỉnh, ngoại tỉnh đi làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, tỉnh Hải Dương có xe đưa đón hàng ngày của doanh nghiệp đã đăng ký thì không yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Người đến Quảng Ninh trên phương tiện thủy nội địa phải có có xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT- PCR âm tính không quá 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu.
Nếu vận chuyển hàng từ các tỉnh cách Quảng Ninh quá 72 giờ di chuyển thì khi đến các bến thủy nội địa, các cảng trên địa bàn tỉnh phải thực hiện xét nghiệm bổ sung bằng test nhanh trước khi tiếp xúc với người khác.
UBND tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân không đi ra khỏi tỉnh nếu không có việc thực sự thiết yếu, trường hợp người ra khỏi tỉnh Quảng Ninh, phải có kết quả xét nghiệm RT-PCT âm tính trước khi đi để đảm bảo an toàn cho các địa phương khác (nơi đến). Khi trở về, phải xuất trình lại giấy xét nghiệm cũ do các cơ sở xét nghiệm của tỉnh Quảng Ninh cấp. Khi rơi Quảng Ninh phải viết giấy đăng ký tự nguyện cách ly tập trung khi trở về.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang khi ra tỉnh ngoài phải được sự đồng ý bằng văn bản của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Quảng Ngãi ghi nhận thêm 9 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2
Sáng 20/8, Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin, vừa ghi nhận thêm 9 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Như vậy, từ ngày 26/6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 536 ca COVID-19, trong đó có 5 trường hợp là người về từ vùng dịch đã hoàn thành cách ly tập trung và được phát hiện mắc COVID-19 trong quá trình cách ly tại nhà
Tổng số ca bệnh COVID-19 từ đầu dịch tới nay trên toàn thế giới đã là trên 210,7 triệu ca, trong đó trên 4,41 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 142.000 ca), Ấn Độ (trên 37.304 ca) và Brazil (trên 36.572 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.492 ca), Brazil (938 ca) và Nga (791 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, chiếm 1/5 số ca nhiễm (trên 38 triệu ca) và 1/7 số ca tử vong (trên 642.000 ca). Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong, hiện đã trên 572.000 ca, trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với trên 32,3 triệu ca.
Châu Á đã vượt xa các khu vực khác về số ca nhiễm với trên 67 triệu ca. Châu Âu đứng thứ hai đang có trên 53,8 triệu ca. Bắc Mỹ là 45,7 triệu và Nam Mỹ là 36,4 triệu ca.
Mời các bạn xem video đang được quan tâm:
BV Dã chiến đa tầng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh điều trị COVID-19 đi vào hoạt động |#COVID_19