Sáng 20/8, Bộ Y tế đã tiếp nhận 200 máy thở chức năng cao, 3000 bộ dây thở điều trị bệnh nhân COVID-19 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.
Phát biểu tại sự kiện, thay mặt ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi lời trân trọng cảm ơn đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có nhiều hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho công tác phòng chống dịch.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, với số lượng ca bệnh tăng nhanh chóng, TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam phải tập trung cho công tác điều trị. Để đồng hành và hỗ trợ TP HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ Y tế đã huy động lực lượng lớn khoảng hơn 13.000 cán bộ y tế hỗ trợ chống dịch COVID-19; đồng thời Bộ cũng đã chuyển đến nhiều trang thiết bị phục vụ điều trị.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã trao đổi và thống nhất thiết lập mô hình trạm y tế lưu động tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam với 2 nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân dân trên địa bàn và thăm khám, tổ chức sơ cứu các trường hợp bệnh ngoài COVID-19 và kết nối, chuyển tuyến; tổ chức điều trị, chăm sóc các ca F0.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin: Do đặc thù của đợt dịch COVID-19 thứ 4 này, Bộ Y tế đã tiến hành phân tầng điều trị theo 3 thầng khác nhau.
Tầng 1 là chăm sóc, điều trị và quản lý F0 có điều kiện tại nhà và tại các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu.
Tầng 2, các địa phương đã và đang mở rộng quy mô giường bệnh để người bệnh có thêm giường điều trị.
Tầng 3 là tầng điều trị cao nhất, dành cho bệnh nhân nặng, rất nặng cần đến máy thở nhiều. Ở tầng điều trị này, Bộ Y tế lập 1 Bệnh viện hồi sức COVID-19 ( hiện công suất 1.000 giường đã lấp đầy) và 4 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quy mô 500 giường/ Trung tâm do 4 Bệnh viện tuyến trung ương gồm: Bệnh viện Việt Đức; Bệnh viện Bạch Mai (có thể cùng bệnh viện dã chiến số 16 thiết lập thành bệnh viện đa tầng với 3.000 giường bệnh); Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh vận hành, chiu trách nhiệm về chuyên môn.
Tại các trung tâm này, thiết lập đến đâu bệnh nhân vào kín đến đó, tất cả đều là bệnh nhân nặng, rất nặng do đó hồi sức cho bệnh nhân rất quan trọng.
"Vấn đề đặt ra là có máy thở cho người bệnh, Bộ Y tế phối hợp với nhiều bộ, ngành tiến hành đàm phán, mua máy thở. Tuy nhiên, hiện cũng gặp khó khăn vì tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới. Do đó việc có thêm 200 máy thở và 3000 bộ dây thở điều trị bệnh nhân COVID-19 hôm nay để chuyển vào TPHCM phục vụ điều trị bệnh nhân nặng là vô cùng cần thiết" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, ngay trong hôm nay 200 máy thở và 3000 bộ dây thở điều trị bệnh nhân COVID-19 này sẽ được chuyển vào TPHCM và các tỉnh phía Nam phục vụ công tác điều trị.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, cùng với tập trung cho điều trị, Bộ Y tế đang tiếp tục tiến hành đồng bộ các giải pháp trong phòng chống dịch, đẩy mạnh xét nghiệm…
Trong đợt dịch thứ 4 này, Bộ Y tế thiết lập Kho dã chiến tại TPHCM để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Đợt dịch thứ 4 đến nay, Bộ đã cấp phát 4.975 máy thở (trong đó có 4080 máy HFNC), 191 máy xét nghiệm RT-PCR, 93 máy tách chiết, 10 máy ECMO, 50 máy lọc máu và hàng triệu sinh phẩm xét nghiệm cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hoàng Quốc Vượng- Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Thànnh viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam bày tỏ lời cảm ơn, trân trọng sự đóng góp, hy sinh của ngành Y tế trong công cuộc chiến phòng, chống dịch trong suốt thời gian qua và cho biết Tập đoàn luôn đồng hành cùng ngành y tế trong cuộc chiến phòng chống dịch, cũng như trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Mời các bạn xem video đang được quan tâm:
Trong khu cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng do Bệnh viện Bạch Mai quản lý