Gần 400 trạm y tế lưu động ở TP.HCM, mỗi trạm quản lý từ 50-100 F0

19-08-2021 20:33 | Y tế

SKĐS - Chiều 19/8, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch hoạt động của 389 trạm y tế lưu động để quản lý 50-100 trường hợp F0/trạm

Triển khai trạm y tế lưu động để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, về đảm bảo công tác y tế cho người dân cần thực hiện xét nghiệm, tầm soát trên diện rộng, trước tiên tại các khu vực phong tỏa, có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và những người có nguy cơ lây nhiễm cao, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng để kịp thời phát hiện, đưa các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng nhanh nhất.

 Tổ chức tốt việc điều phối, lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ.

Người đứng đầu ngành y tế cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu.


Bộ trưởng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Bộ Y tế đã hướng dẫn thiết lập mô hình trạm y tế lưu động để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu và phục vụ quản lý, điều trị F0 tại cộng đồng, trước mắt tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Minh

Theo đó, cần chuẩn bị các phương án cao nhất có thể cho điều trị, bảo đảm đầy đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; tổ chức tốt việc điều phối và công tác điều trị theo mô hình 3 tầng của Thành phố đảm bảo người bệnh được thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời.

Triển khai tốt mô hình chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 theo 2 trụ cột. Trụ cột thứ nhất là chăm sóc sức khoẻ tại nhà cho người F0 cũng chính là tầng điều trị thứ nhất; mở rộng tầng 1 giảm quá tải cho tầng điều trị 2 và 3. 

Triển khai thí điểm chương trình điều trị có kiểm soát người mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng, triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Trụ cột thứ hai là tiếp tục mở rộng các khu vực điều trị COVID-19. Mở rộng tầng 2 và tầng 3, trong đó tầng 2 dành điều trị người bệnh trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân; bắt buộc có oxy và thuốc chống đông, kháng viêm;

Các cơ sở điều trị tại tầng 3 tổ chức giao ban chuyên môn hàng ngày với các cơ sở điều trị tuyến dưới theo từng khu vực, địa bàn.

Cũng liên quan đến công tác chăm sóc y tế tại TP Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, Bộ Y tế đã hướng dẫn thiết lập mô hình triển khai trạm y tế lưu động để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu và phục vụ quản lý, điều trị người nhiễm tại cộng đồng, trước mắt tại TP Hồ Chí Minh và chuẩn bị phương án cho các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương.

 Mỗi trạm y tế lưu động có thể quản lý 50 F0

Hoạt động của các trạm y tế lưu động này trên nguyên tắc thực hiện chức năng chăm sóc sức khoẻ ban đầu trong điều kiện tối giản, nhân lực tối giản, nhưng hoạt động phải đảm bảo các yếu tố quản lý điều trị, chăm sóc ban đầu với các bệnh lý thông thường (phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, khám, cấp phát thuốc cho người bệnh mạn tính) và bao gồm cả thực hiện xét nghiệm nhanh và tổ chức tiêm chủng vaccine; 

Quản lý, chăm sóc, điều trị các trường hợp F0 tại cộng đồng có kiểm soát và có thể chuyển tuyến. 

TP Hồ Chí Minh chuẩn bị nhân lực tổ chức triển khai hoạt động của các trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công An. 

Theo đó trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch hoạt động của 389 Trạm y tế lưu động để quản lý 50-100 trường hợp F0/trạm nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu và phục vụ quản lý, điều trị, chuyển tuyến người bệnh tại cộng đồng.

Liên quan đến việc thiết lập trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh, tại cuộc họp trực tuyến với Bộ Y tế sáng 19/8, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, chiến lược điều trị COVID-19 của thành phố tập trung 2 trụ cột chính là theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà và chữa trị bệnh nhân tại bệnh viện.

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 15.000 F0 đang chăm sóc, điều trị ở nhà, phân bố khắp các xã, phường. Họ là những người không có bệnh nền, không triệu chứng hoặc có nồng độ virus (CT) trên 30 sau 7 ngày điều trị ở viện.

Để hỗ trợ tăng cường hiệu quả trụ cột thứ nhất là chăm lo F0 tại nhà, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận, huyện phải xác định từng khu phố có bao nhiêu F0. Cứ khoảng 10-20 F0 lại bố trí một trạm oxy gắn với tổ phản ứng nhanh. Các quận huyện ở TP HCM đang triển khai biện pháp này.

Chủ tịch UBND TP HCM bày tỏ đồng tình với ý tưởng nâng cấp các trạm oxy này lên thành trạm y tế lưu động. Trong đó, trạm này cần bổ sung nhân lực, trang thiết bị, test nhanh...


Thái Bình
Ý kiến của bạn