Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, để đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp hiện nay, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương huy động toàn bộ các cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước và tư nhân sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch.
Phân công các bệnh viện là cơ sở chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19, đồng thời giao nhiệm vụ cho tất cả các cơ sở còn lại phải chuẩn bị sẵn sàng dành tối thiểu 40% giường bệnh để thu dung, quản lý, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch lan rộng và trong tình huống địa phương (tỉnh, thành phố) trở thành khu vực "Nguy cơ rất cao".
Tuy nhiên bên cạnh việc tăng cường và tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch COVID-19, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết Bộ Y tế đã đề nghị giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo duy trì hoạt động khám, chữa bệnh thường quy của tối thiểu 50% số bệnh viện tuyến tỉnh và 50% số bệnh viện tuyến quận, huyện để thu dung điều trị ca bệnh cấp tính và quản lý điều trị ca bệnh mạn tính của các bệnh viện bị phong tỏa hoặc bệnh viện được huy động thành nơi điều trị COVID-19.
"Các cơ sở khám bệnh nhà nước và tư nhân tuyệt đối không từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị; kể cả những người bệnh nghi nhiễm hay nhiễm COVID-19. Cần nghiêm khắc xử lý nếu vi phạm" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Cũng theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, hiện nay theo báo cáo của các đơn vị gửi về Bộ Y tế cho thấy các cơ sở y tế đã hết sức nỗ lực cố gắng nhưng vẫn còn có hiện tượng, có những nơi, những chỗ để xảy ra câu chuyện đáng tiếc như Bình Dương (5 cơ sở y tế từ chối nhận khiến bệnh nhân trở về phòng trọ và tử vong sau đó).
Sáng nay, 20/8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đã đến Bình Dương cùng làm việc với ngành y tế địa phương về sự việc liên quan đến phản ánh "5 cơ sở y tế từ chối nhận khiến bệnh nhân trở về phòng trọ và tử vong sau đó" của Bình Dương.
Ông Khuê cho biết về sự việc của Bình Dương, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi ngành y tế Bình Dương đề nghị kiểm tra làm rõ những nội dung phản ánh và xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
"Chúng tôi cũng đánh giá cao tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng vào cuộc làm rõ sự việc đáng tiếc này" - ông Khuê nói và thông tin về phía Bộ Y tế, hiện nay Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh cùng với ngành y tế Bình Dương cùng với đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế về đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn; Đồng thời Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành xem xét, trong trường hợp cần thiết sẽ tiến hành xử lý, xử phạt các vi phạm và cần thiết có thể đình chỉ hoạt động, rút giấy phép hành nghề của cơ sở y tế sai phạm.