Hà Nội

Bộ trưởng Bộ Y tế: 9 bài học chống dịch COVID-19 các địa phương cần áp dụng khi thực hiện giãn cách xã hội

15-08-2021 14:26 | Y tế

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế: Qua hơn 26 ngày triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại các tỉnh, thành phố phía Nam và một số nơi khác, dù dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát tại một số địa phương, khu vực nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và Long An, Bình Dương, Đồng Nai…

Biến thể Delta khiến dịch COVID-19 lây lan rộng, nhanh

Báo cáo kết quả thực hiện giãn cách xã hội của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 15/8 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, nguyên nhân khách quan khiến dịch bệnh đợt này vẫn lây lan rộng và kéo dài là do biến thể virus Delta.

Bộ trưởng Bộ Y tế: 9 bài học các địa phương cần áp dụng khi thực hiện giãn cách xã hội  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Biến thể này lây lan rất nhanh và mạnh do virus phát tán trong không khí, chu kỳ lây nhiễm ngắn hơn các chủng virus trước làm gia tăng khả năng lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt trong các khu vực không gian kín, ít lưu thông như phòng họp, nhà máy, khu công nghiệp, nơi tập trung đông người.

"Đồng thời đợt dịch xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố lớn có mật độ dân cư cao, là đầu mối giao thống huyết mạch của cả nước, nhiều khu công nghiệp trọng điểm, di biến động dân cư giữa các địa phương lớn; dịch lây lan mạnh tại các khu vực dân cư có mức sống và điều kiện sinh hoạt, ăn ở rất hạn chế"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Thông tin của người đứng đầu ngành y tế cho biết, qua hơn 26 ngày triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số địa phương trên cả nước cho thấy tình hình dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát tại một số địa phương, khu vực.

Tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận (Bình Dương, Long An, Đồng Nai). Một số địa phương thuộc khu vực miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên) dịch chưa được kiểm soát triệt để, vẫn còn khả năng bùng phát và nguy cơ xuất hiện các ổ dịch lớn, do dịch đã lây lan rộng ra cộng đồng, trong các nhà máy, xí nghiệp và khu vực đông dân cư.

"Mặc dù đã triển khai các biện pháp giãn cách xã hội, tuy nhiên số mắc vẫn gia tăng rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy dịch đã lây lan rộng trong cộng đồng, trải qua nhiều vòng lây nhiễm trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó việc triển khai giãn cách xã hội chưa dứt khoát, triệt để, chưa đáp ứng được các yêu cầu; một số nơi, một số thời điểm chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch do đó khó khăn trong công tác truy vết, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Thực hiện giãn cách phải triệt để, hài hoà trong xét nghiệm, chuẩn bị sẵn máy thở, oxy y tế để điều trị bệnh nhân COVID-19

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, qua thực tiễn diễn biến tình hình và công tác chống dịch thời gian vừa qua, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm. Cụ thể:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đúng hướng, toàn diện, hiệu quả đồng thời chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Huy động sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các lực lượng.  

Thứ hai, huy động sức dân, xác định đúng vai trò "mỗi người dân là một chiến sỹ" trong cuộc chiến phòng, chống dịch; kêu gọi, khuyến khích người dân tích cực ủng hộ, trực tiếp tham gia và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại địa bàn cơ sở, thiết lập và bảo vệ "vùng xanh" tại địa bàn dân cư sinh sống; phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng để "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng".

Thứ ba, cần thực hiện sớm, kịp thời nhưng phải nghiêm, chặt chẽ ngay từ đầu khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg; phải dứt khoát, triệt để, nhằm kịp thời ngăn chặn tốc độ lây lan, giảm tác động của đại dịch đối với sức khỏe của người dân, hệ thống y tế và phát triển kinh tế xã hội.

Các khu vực giãn cách, phong tỏa phải thực hiện nghiêm, thực chất, chắc chắn, hiệu quả; không để tình trạng "chặt ngoài lỏng trong" để nhanh chóng kiểm soát, ổn định tình hình dịch, không để dịch kéo dài gây ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội.

Thứ tư, cần thực hiện các xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, phát hiện sớm ca bệnh và nhanh chóng đưa các trường hợp nhiễm ra khỏi cộng đồng.

Kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR; thực hiện gộp mẫu xét nghiệm nhằm tiết kiệm nguồn lực và đảm bảo hiệu quả.

Thứ năm, công tác điều trị phải chủ động các phương án và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành ngay các cơ sở thu dung, điều trị khi số ca mắc tăng cao; thực hiện phân tầng điều trị, khẩn trương thiết lập và đưa vào vận hành các trung tâm hồi sức tích cực để điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch.

Đảm bảo sẵn sàng, các phương tiện, vật tư thiết yếu để thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 như máy thở, oxy y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế: 9 bài học các địa phương cần áp dụng khi thực hiện giãn cách xã hội  - Ảnh 3.

Các địa phương kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR sàng lọc COVID-19; thực hiện gộp mẫu xét nghiệm nhằm tiết kiệm nguồn lực và đảm bảo hiệu quả

Thứ sáu, phải đảm bảo công tác an sinh xã hội đối với người dân trong khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa để người dân đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, nâng cao các điều kiện về ăn ở, động viên tinh thần đội ngũ lực lượng tuyến đầu chống dịch yên tâm công tác.

Thứ bảy, công tác truyền thông cần có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch;

Kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật, các thông tin giả mạo gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của lực lượng chống dịch và gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Thứ tám, nâng cao nguồn nhân lực tham gia công tác phòng, chống dịch, nhất là đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn về điều trị, hồi sức tích cực; tập huấn, đào tạo thường xuyên cho đội ngũ cán bộ y tế về công tác giám sát, xét nghiệm, điều trị; huy động nguồn nhân lực hỗ trợ từ đội ngũ sinh viên trường y, đoàn thanh niên, tình nguyện viên…tham gia công tác lấy mẫu, hỗ trợ chăm sóc người bệnh.

Thứ chín, huy động sự tham gia của mọi nguồn lực xã hội; sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị, cá nhân đối với công tác phòng, chống dịch và sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là trong chiến lược "ngoại giao vaccine".

Đối với TP. Hồ Chí Minh, bài học kinh nghiệm là công tác tổ chức thực hiện, quán triệt thực hiện nghiêm việc triển khai các biện pháp chống dịch, nhất là đối với cấp cơ sở; Chủ động chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, phương tiện phòng, chống dịch để kịp thời đáp ứng với các thay đổi của diễn biến dịch bệnh khi số mắc, tử vong tăng cao;

Đồng thời có kế hoạch điều phối hiệu quả các hoạt động chuyên môn về xét nghiệm, điều trị, chuyển tuyến cấp cứu người bệnh, công tác phối hợp giữa các lực lượng trên địa bàn, giữa lực lượng chi viện với lực lượng sẵn có, nhất là trong giai đoạn đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg

Mời các bạn xem video đang được quan tâm:

Cuộc chạy đua với COVID-19 trước cột mốc ngày 15/8



Thái Bình
Ý kiến của bạn