Trao đổi về vai trò của khả năng phục hồi giúp thích nghi nghịch cảnh và vượt qua trầm cảm, Tiến sĩ Kathy Trang (Khoa dịch tễ học, Đại học Harvard) đã chia sẻ quan điểm và một số cách thức giúp người bị trầm cảm hay gặp những cú sốc trong cuộc sống có thể vượt qua.
Một khảo sát tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM vào năm 2021 ghi nhận 53,3% bệnh nhân điều trị tại đây bị rối loạn lo âu, 20% trầm cảm và 16,7% căng thẳng. Đặc biệt, những ca từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy, tỉ lệ trầm cảm và tỉ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%. Điều đó cho thấy, đại dịch COVID-19 không chỉ thách thức mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, mà còn ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của con người.
Theo từ điển Oxford, "resilience" là khả năng phục hồi nhanh chóng sau mỗi sự cố phiền muộn, một cú sốc hay một chấn thương. Còn theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA), "resilience" được xem là một quá trình thích nghi hiệu quả với nghịch cảnh, chấn thương, bi kịch, mối đe dọa hay căng thẳng tột độ.
PV: Gần đầy, "khả năng phục hồi - resilience' thường được nhắc đến như một loại "vaccine tinh thần" giúp vượt qua các triệu chứng trầm cảm. Tiến sĩ có thể chia sẻ tại sao chúng ta cần khả năng phục hồi trong những tình huống như đại dịch COVID-19?
Tiến sĩ Kathy Trang: Cuộc sống của chúng ta đã, đang và vẫn trải qua những ngày thăng trầm bởi đại dịch COVID-19. Nhưng không chỉ khi những sự kiện như vậy xảy ra khả năng đối phó của chúng ta mới gặp thách thức, mà cả khi đối mặt với những sự kiện xảy ra hàng ngày như: chứng kiến hoặc bị bạo hành, bị tai nạn hoặc mất người thân v.v. Trước những sự kiện đó, chúng ta thường cảm thấy lạc lõng, cô đơn và trầm cảm. Đó là những phản ứng bình thường trước những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống. Trong những hoàn cảnh như vậy, khả năng phục hồi cho phép chúng ta duy trì sức khỏe, hồi phục sau đau khổ hoặc trải nghiệm tiêu cực.
Trước đây, các nhà tâm lý học chủ yếu tập trung vào nghịch cảnh, rủi ro và "mô hình sức khỏe thiếu hụt" - nhấn mạnh vào rối loạn chức năng của mỗi cá nhân hoặc tình trạng không bình thường/không khoẻ mạnh của mỗi cá nhân. Mô hình này có nhược điểm là coi khả năng phục hồi là tình trạng thiếu vắng bệnh lý tâm thần, hơn là trạng thái khỏe mạnh hoặc đang phát triển của một cá nhân. Mô hình này còn có nhược điểm là đổ lỗi cho cá nhân và làm giảm tầm quan trọng của các biện pháp can thiệp, hỗ trợ hoặc ngăn ngừa.
Tuy nhiên gần đây đã có sự thay đổi khi mô hình "tiếp cận dựa trên thế mạnh cá nhân" thu hút sự chú ý của giới chuyên môn bởi các thuộc tính và nguồn lực dựa trên cá nhân và cộng đồng nhằm thúc đẩy sức khỏe và cảm nhận hạnh phúc. Mô hình này nhìn nhận khả năng phục hồi không chỉ là yếu tố giúp chúng ta kiên cường hơn, mà còn là một nguồn lực và kỹ năng chúng ta có thể trau dồi để sẵn sàng đối mặt với các tình huống bất trắc.
PV: Theo Tiến sĩ, làm sao để mỗi cá nhân có được khả năng phục hồi để vượt qua trầm cảm sau đại dịch cũng như trong tình huống phải đối mặt với các nghịch cảnh khác có thể xảy ra trong cuộc sống thường ngày?
Tiến sĩ Kathy Trang: Chúng ta nên nhớ rằng phần lớn mọi người đều có khả năng phục hồi (resilience). Trên thế giới, xấp xỉ 70,4% dân số sẽ phải đối mặt với ít nhất là một sự kiện sang chấn tâm lý trong đời, các sang chấn phổ biến nhất là người thân qua đời đột ngột (31,4% đáp viên) và tiếp xúc trực tiếp với (chứng kiến hoặc phát hiện) cái chết hoặc chấn thương nghiêm trọng (23,7%). Tuy nhiên, phần lớn mọi người sẽ có biểu hiện chức năng khỏe mạnh sau một thời gian nhất định sau khi sự kiện xảy ra.
Trong tình huống một người mắc các bệnh mãn tính và nguy cấp như COVID (có người sẽ có triệu chứng nghiêm trọng hơn người khác), họ nhiều khả năng sẽ gặp các triệu chứng đau khổ gia tăng sau đó lại dần cải thiện – được gọi là "khả năng phục hồi khẩn cấp". Do đó, khả năng phục hồi cũng có thể hiểu là khả năng điều chỉnh và phục hồi chức năng hoạt động lành mạnh theo thời gian.
Trong một khoảng thời gian dài, phần lớn các nghiên cứu tâm lý học đã tập trung vào các đặc tính cá nhân. Gần đây các nghiên cứu về sức khỏe tinh thần đã mở rộng phạm vi từ cá nhân đến môi trường mà mỗi cá nhân thuộc về để tìm hiểu cách mà khả năng phục hồi hình thành từ sự tương tác giữa con người với các hệ sinh thái vật lý và xã hội của họ. Trong một bài viết gần đây trên tạp chí Lancet, Ungar & Theron (2020) một câu hỏi thú vị đã được đặt ra, "Những yếu tố/quy trình thúc đẩy và bảo vệ nào sẽ phù hợp với từng hoàn cành và mức độ rủi ro của mỗi người?"
Tôi nghĩ rằng câu hỏi này nghe có vẻ rất phức tạp và học thuật, nhưng cơ bản thì nó nói về cách mà các tương tác giữa các cá nhân với môi trường văn hoá, xã hội và vật lý của họ sẽ hình thành khả năng phục hồi như thế nào.
Tôi xin dẫn một ví dụ sau gần một thập kỷ nghiên cứu về sang chấn, tôi nhận thấy rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả điều trị của những người phải trải qua sự kiện sang chấn chính là cách họ giải nghĩa những sự kiện họ đã trải qua.
Ví dụ, nếu một người hiểu sự kiện sang chấn là một bước ngoặt quan trọng dẫn đến những thay đổi tích cực trong cuộc sống hoặc mối quan hệ của họ với những người khác, thì sức khoẻ của họ có thể biểu hiện tốt hơn. Hiện tượng tích cực này được gọi là "sự phát triển sau sang chấn" (posttraumatic growth/ PTG). Ví dụ, sau chẩn đoán mắc HIV, PTG, bệnh nhân coi việc mắc bệnh là một lời nhắc nhở để áp dụng các thói quen lành mạnh hơn (ví dụ giảm sử dụng chất kích thích), kiểm soát tốt hơn sức khỏe thể chất và tinh thần của họ, hay củng cố tín ngưỡng của họ chứ không phải là một "bản án tử hình".
Môi trường văn hóa và xã hội xung quanh chúng ta đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cách chúng ta nhìn nhận các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống, cách thể hiện nỗi đau, đối phó và tìm cách điều trị. Ý nghĩa trong các sự kiện sang chấn đó có thể mang tính cá nhân hoặc tính xã hội, tức là biết rằng chúng ta quan trọng đối với người khác.
Trong đại dịch, ví dụ một nhân viên tuyến đầu có thể đối mặt với căng thẳng tột độ. Tuy nhiên, thông qua những hành động nhỏ từ cộng đồng, cô/anh ấy có thể cảm thấy rằng công việc của mình được trân trọng và những điều cô/anh ấy phải trải qua là có ý nghĩa, và sự hy sinh của cô không phải vô ích. Gia đình và bạn bè của cô/anh ấy ở cạnh để hỗ trợ cảm xúc và tinh thần cho cô, hay nói cách khác, nguồn lực xã hội và ý nghĩa có thể củng cố khả năng phục hồi của một cá nhân khi đối mặt với các khó khăn tâm lý. Điều quan trọng cần làm là kiến tạo một "văn hoá phục hồi".
PV: Để đối phó với những tình huống nghịch cảnh có thể xảy ra trong tương lai, Tiến sĩ có lời khuyên nào dành cho độc giả về việc gia tăng khả năng phục hồi của mỗi cá nhân?
Tiến sĩ Kathy Trang: Tôi tin rằng dưới đây là những điều cơ bản mà bạn có thể tự thực hành:
1. Nhận ra rằng nỗi đau mà bạn đang cảm thấy là hợp lý và nhiều người khác cũng đang trải qua cảm giác tương tự.
2. Nhận thức về những giá trị dài hạn của bản thân. Nó có nghĩa là nhận thức và chấp nhận những suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác đang có, hành động theo các giá trị dài hạn của bạn, thay vì những cảm xúc tiêu cực hay sợ hãi ngắn hạn.
3. Thay đổi cách nhìn nhận các sự kiện, cách chúng ta nghĩ về một sự kiện để thay đổi cách cảm nhận về chúng — đã được chứng minh trong nhiều nền văn hoá về độ hiệu quả rõ rệt trong việc giảm cảm xúc tiêu cực và tăng cảm xúc tích cực.
4. Tìm cách giữ kết nối và chia sẻ khó khăn cùng người khác. Lưu ý rằng việc thiếu tương tác xã hội (cả trực tuyến và ngoại tuyến) có liên quan đến việc sức khỏe tinh thần chuyển biến xấu.
5. Nghỉ ngơi nhiều hơn và ăn uống điều độ. Ví dụ, rối loạn giấc ngủ có thể khiến sức khỏe tinh thần tồi tệ hơn. Khi chứng mất ngủ được điều trị, các vấn đề về sức khỏe tinh thần cũng có chiều hướng suy giảm.
6. Nếu có thể, hãy gia tăng hoạt động thể chất và tiếp xúc với thiên nhiên (ví dụ: ngắm cây, hoa) có thể cải thiện sức khỏe tinh thần.
7. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia.