Hà Nội

Chữa rối loạn stress sau sang chấn hậu COVID-19

02-04-2022 07:50 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Rối loạn stress sau sang chấn hậu COVID-19 là một trạng thái tâm lý xảy ra khi người bệnh phải trải qua một sự kiện gây sang chấn mạnh liên quan đến đại dịch COVID-19.

Chữa rối loạn stress sau sang chấn hậu COVID-19 - Ảnh 1.

1. Rối loạn stress sau sang chấn sau nhiễm COVID-19 là gì?

Các sự kiện gây sang chấn mạnh như: Mất đi người thân, phải nằm điều trị dài ngày do nhiễm COVID-19 trong đơn vị điều trị tích cực thời gian dài…

Có những nghiên cứu chỉ ra khoảng 25% bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 nặng phải nằm viện có những biểu hiện của rối loạn stress sau sang chấn.

Sợ hãi đối với một việc gì đó gây sang chấn về tâm lý là một phản ứng bình thường và sự lo lắng sợ hãi này thường giảm đi theo thời gian, trí nhớ về những sự kiện hình ảnh gây sang chấn cũng mất dần đi.

Tuy nhiên, trong những trường hợp mắc chứng rối loạn stress sau sang chấn, những hình ảnh gợi nhớ đến sự kiện này không giảm đi mà vẫn như đang xảy ra, cường độ tăng dần theo thời gian và có thể ảnh hưởng đến ý nghĩ, cảm xúc và khả năng làm việc hàng ngày của người bệnh. Tình trạng này có thể diễn ra kéo dài hàng ngày, hàng tuần, thậm chí là hàng năm sau khi sự kiện gây sang chấn xảy ra.

photo-1648798659120

Rối loạn stress sau sang chấn hay xảy ra ở người bệnh nặng hay mất đi người thân do COVID-19.

2. Biểu hiện của rối loạn stress sau sang chấn hậu COVID-19

Các biểu hiện gồm: Hay hồi tưởng về sự kiện; né tránh những nơi, những người, những hoạt động, những tình huống có thể làm gợi nhớ lại những sự kiện gây đau buồn đó; lo âu và phản ứng một cách quá mức; những rối loạn cảm xúc…

Những người bệnh mắc COVID-19 nặng sau khi khỏi bệnh thường xuyên cảm thấy có cảm giác khó thở, tắc thở...

3. Điều trị rối loạn stress hậu COVID-19

Điều trị rối loạn stress sau sang chấn cần phải kết hợp tâm lý trị liệu và dùng thuốc. Người bệnh cần thực hiện những thói quen sống lành mạnh như đi ngủ đúng giờ, đảm bảo về số lượng và chất lượng giấc ngủ, ăn uống với chế độ ăn lành mạnh, không uống rượu bia chất kích thích, tập luyện thể thao, tập luyện thư giãn.

3.1 Liệu pháp phơi nhiễm

Đây là một biện pháp trị liệu về hành vi, giúp người bệnh đối diện với tình huống và hồi tưởng lại những sang chấn tâm lý theo cách mà người bệnh cảm thấy an toàn, từ đó họ sẽ học được cách phải đối diện với những tình huống đó.

3.2 Liệu pháp nhận thức hành vi

Đây là biện pháp giúp người bệnh nhận ra những nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh lý của mình, ví dụ như những hình ảnh tiêu cực và những ý nghĩ về sự kiện gây sang chấn ấy cứ lặp đi lặp lại. liệu pháp này thường được áp dụng cùng với liệu pháp phơi nhiễm và được thực hiện bởi các nhà trị liệu tâm lý.

3.3 Sử dụng thuốc

Thuốc được sử dụng thường là những thuốc điều trị trầm cảm, giúp cải thiện cảm xúc buồn chán và lo âu.

Thuốc chống trầm cảm được chỉ định trong điều trị rối loạn stress sau sang chấn như: Paroxetine và sertraline. Thuốc làm tăng serotonin trong não. Khi bị trầm cảm serotonin giảm và là nguyên nhân trực tiếp gây lên trầm cảm.

- Paroxetine: Thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu, căng thẳng rối loạn hậu chấn thương (PTSD)…

photo-1648798662029

Thuốc chống trầm cảm có tác dụng điều chỉnh tâm trạng, tạo cảm giác vui vẻ, hưng phấn cho người bệnh.

- Sertraline: Là thuốc có tác dụng làm tăng nồng độ serotonin, giúp điều chỉnh tâm trạng, tăng cảm giác hưng phấn và vui vẻ cho người bệnh.

Tác dụng không mong muốn phổ biến của thuốc này gồm có: Cảm thấy dễ kích thích hay lo lắng, cảm giác mệt mỏi, khó tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, tiêu chảy hoặc táo bón, ăn không ngon miệng, chóng mặt, mất ngủ hoặc ngủ nhiều, đau đầu, giảm nhu cầu tình dục, giảm sự khoái cảm, khó khăn để đạt được sự cương cứng hoặc duy trì sự cương cứng khi sinh hoạt tình dục, và những tác dụng này sẽ giảm dần, mất đi sau vài tuần sử dụng thuốc.

Một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của nhóm thuốc SSRI hay SNRI là hội chứng serotonin xảy ra khi chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong não quá cao với những biểu hiện như lú lẫn, kích thích, co cứn cơ, vã mồ hôi, đi ngoài phân lỏng, run rẩy, rối loạn nhịp tim, co giật, hôn mê. cần phải ngừng ngay thuốc và bệnh nhân cần phải nhập viên.

Ngoài ra một số vấn đề có thể gặp phải nhưng hiếm như rối loạn điện giải hay gặp ở người già, ý nghĩ tự sát. Đây cũng là những tác dụng phụ nghiêm trọng cần phải khám lại bác sĩ ngày khi có những dấu hiệu này.

Khi dùng thuốc, người bệnh cần lưu ý:

  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ về liều dùng, cách dùng, thời gian dùng thuốc.
  • Thuốc có thể gây tác dụng phụ, nếu thấy bất thường trong quá trình dùng thuốc cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp…
  • Không được tự ý bỏ thuốc
  • Không uống rượu khi dùng thuốc này, vì rượu làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc.

Mời độc giả xem thêm video:

7 lợi ích của vitamin C

TS. Trịnh Thị Bích Huyền
Ý kiến của bạn