Hà Nội

Nam sinh 18 tuổi trầm cảm, có ý định tự sát vì gia đình 'kỳ vọng vào học tập' quá nhiều

12-10-2022 06:46 | Y tế

SKĐS - Trầm cảm ở tuổi học đường ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.

Nguyên nhân nào dẫn đến trầm cảm tuổi học đường?

Chia sẻ tại hội thảo "Trầm cảm học đường" diễn ra chiều 11/10 ở Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, ThS.BSNT Lê Công Thiện - trưởng phòng tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh.

"Tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ em hàng năm là 0,3 - 7,8% ở trẻ em dưới 13 tuổi, 1 - 2% ở tuổi 13 và từ 3 - 7% ở tuổi 15. Các quốc gia có thu nhập thấp hơn hoặc trung bình có tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên cao hơn so với các quốc gia có thu nhập cao hơn"- BSNT Lê Công Thiện thông tin.

Theo chuyên gia, trầm cảm ở lứa tuổi học đường có thể do nhiều nguyên nhân. Về mặt sinh học có thể là do di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc giải phẫu não bộ hay thay đổi nồng độ hormone. 

Nam sinh 18 tuổi trầm cảm, có ý định tự sát vì gia đình 'kỳ vọng vào học tập' quá nhiều - Ảnh 1.

Các y bác sĩ chia sẻ thông tin tại hội thảo "Trầm cảm học đường"

Nguyên nhân về tâm lý xã hội, theo bác sĩ, có thể trẻ bị áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội. Bên cạnh đó là sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ theo tuổi, ám ảnh bởi những đau thương thời thơ ấu hoặc do lối sống không lành mạnh. 

Trầm cảm ở tuổi học đường ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.

Nam sinh 18 tuổi trầm cảm, có ý định tự sát vì gia đình 'kỳ vọng vào học tập' quá nhiều

Tại hội thảo, ThS.BSNT Đỗ Thùy Dung – Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khoẻ Tâm thần cũng dẫn chứng về trường hợp bệnh nhân P.V.H (18 tuổi) nhập viện vào cuối tháng 6 vừa qua với lý do buồn chán, muốn tự tử.

"Chúng tôi khai thác thông tin, H. có tính cách hiền lành, trầm tính và sống cùng bố mẹ và anh trai. Bố mẹ em luôn kỳ vọng rất nhiều vào con, đề cao thành tích (phải học thật giỏi, thi điểm cao). Có thành tích học tập tốt, H. còn có niềm đam mê với môn Tiếng Anh.

 Sau khi thi đỗ cấp 3, bệnh nhân tiếp tục học trường chuyên của tỉnh, lớp 10 bệnh nhân được thầy cô chọn vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi tiếng Anh. Bố mẹ hối thúc việc học tiếng Anh. Việc hối thúc, áp đặt quá mức khiến bệnh nhân cảm thấy bị áp lực và dần dần chán nản ghét cả môn học yêu thích"- BS Dung kể.

Sau đó, H. xin ra khỏi đội tuyển vì cảm thấy áp lực và chán nản. Điều này khiến bố mẹ buồn và thường xuyên mắng mỏ. Không chỉ vậy, gia đình hay nhắc lại việc bỏ thi này, càng khiến em chán nản bi quan, không có định hướng cho tương lai.

 "Khoảng 2 tháng trước khi đến khám, bệnh nhân cảm thấy chán nản tất cả mọi thứ, không muốn học, không tham gia các hoạt động với lớp. Về nhà, em thường xuyên ở trên phòng không ra ngoài, khó ngủ và dành hầu hết thời gian để chơi điện tử. Khi bị bố mẹ nhắc nhở, H. cáu gắt, vùng vằng hoặc từ chối giao tiếp. Bố mẹ phải nhờ cô ruột tới nhà nói và đưa bệnh nhân đi khám"- BS Dung kể tiếp. 

Chia sẻ với cô ruột, H. nói "cháu chỉ muốn chết để kết thúc cuộc đời, cuộc sống không còn thú vị". Bệnh nhân được cô đưa đến khám tại phòng khám chuyên khoa tâm thần, được chẩn đoán giai đoạn trầm cảm nặng có ý tưởng tự sát. Nam sinh có uống thuốc điều trị ngoại trú theo đơn, tuy nhiên tình trạng trên không thuyên giảm... 

Chỉ đến khi vào điều trị tại Viện Sức khoẻ tâm thần 2 tuần, H. mới tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vui vẻ và không còn suy nghĩ tiêu cực. Nam sinh này cũng cải thiện mối quan hệ với bố mẹ và được xuất viện, duy trì tái khám theo hẹn. 

Nam sinh 18 tuổi trầm cảm, có ý định tự sát vì gia đình 'kỳ vọng vào học tập' quá nhiều - Ảnh 2.

Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.

(Ảnh: minh hoạ)

Dấu hiệu của trầm cảm học đường

ThS.BSNT Lê Công Thiện thông tin thêm, trên thế giới tỷ lệ toan tự sát ở trẻ em và vị thành niên ước tính 3 – 4%. Các nghiên cứu trước đây cho thấy hành vi tự sát và ý tưởng tự sát phổ biến hơn đáng kể ở trẻ gái (10 đến 35%), nhưng tỷ lệ tự sát thành công ở trẻ trai cao gấp 3 lần trẻ gái. Tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng cân bằng ở 2 giới. 

Ở từng độ tuổi, trẻ sẽ có những biểu hiện trầm cảm khác nhau. Đối với trẻ từ 6 - 10 tuổi có những biểu hiện như: khóc lóc, bướng bỉnh, cãi lời, hành vi gây hấn; buồn bã, bơ phờ, thiếu động lực, mất quan tâm, thu mình; lo lắng, ban đầu suy nghĩ về sự mệt mỏi của cuộc sống…

Đối với trẻ nhóm từ 11 - 19 tuổi có triệu chứng thờ ơ, tuyệt vọng, tức giận, cảm xúc không thích hợp, từ chối, thu mình; bơ phờ và thiếu động lực, mất quan tâm, tư duy và vận động chậm chạp, các vấn đề về hiệu suất/thành tích, suy giảm nhận thức.

Trẻ có thể ít chú ý hơn đến ngoại hình và nhạy cảm hơn với sự từ chối của bạn bè và trong các mối quan hệ lãng mạn; lo âu, chán ghét, thiếu tự tin, tự trách bản thân, nghiền ngẫm, lo sợ tương lai; hành vi tiêu cực hoặc chống đối xã hội; sử dụng rượu hoặc các chất bất hợp pháp, nguy cơ sử dụng chất cao như thuốc lá điện tử, cần sa… và tự sát.

Để dự phòng tình trạng trầm cảm ở trẻ vị thành niên, chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh cần đảm bảo sức khoẻ tốt cho con em mình, trẻ cần tăng cường luyện tập thể dục thể thao, tăng sự chia sẻ của người thân, duy trì sở thích thói quen, tránh xa các chất kích thích.

Đặc biệt các bậc phụ huynh cần nâng cao hiểu biết về trầm cảm, quan tâm đến các con để phát hiện sớm các dấu hiện trầm cảm để đưa đi khám và điều trị kịp thời.

Về phía trường học, chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của thầy cô và học sinh, không kỳ thị hoặc xa lánh những trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đó có trầm cảm…

Gần 15 triệu người Việt mắc rối loạn tâm thần, hãy nhớ 10 hành động dự phòng, nâng cao sức khoẻGần 15 triệu người Việt mắc rối loạn tâm thần, hãy nhớ 10 hành động dự phòng, nâng cao sức khoẻ

SKĐS - Chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và cũng chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức. Đây là hậu quả trực tiếp của tình trạng đầu tư dưới mức cơ bản, bởi vì các quốc gia chi trung bình chỉ khoảng 2% ngân sách y tế cho sức khỏe tâm thần.

Thái Bình
Ý kiến của bạn