Người nghèo vốn đã khổ rồi, nhưng nghèo mà bị bệnh lại càng khổ hơn. Tiền ăn còn chả đủ huống hồ tiền đi lại khám bệnh… Làm sao giúp bệnh nhân nghèo đến được với các cơ sở y tế mà không tốn kém? Có thể tặng bệnh nhân nghèo những chuyến xe đi-về từ các bệnh viện? Nhiều bạn trẻ có cùng ý nghĩ ấy đã kết nối với nhau. PUN là một nhóm như thế!
Nhịp cầu nối những tấm lòng thiện nguyện
"PUN là viết tắt của chữ Phản ứng nhanh. Chúng tôi thành lập nhóm này trong giai đoạn giãn cách tại Hà Nội đợt dịch COVID-19 năm 2021, với mục đích hỗ trợ các bệnh nhân hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt cần giúp đỡ về địa phương với chi phí 0 đồng", Ngọc Diệu, đại diện nhóm PUN chia sẻ.
Thời điểm dịch COVID-19 tại Hà Nội đang căng thẳng, các phương tiện vận tải ngừng hoạt động, nhiều bệnh nhân ngoại tỉnh về Hà Nội tái khám hoặc chữa bệnh vô cùng khó khăn, chỉ có 1 loại xe duy nhất được đi ra ngoài đường là xe cứu thương. Bệnh nhân có thể thuê xe dịch vụ chạy chui nhưng chi phí lại vô cùng đắt đỏ. Giá xe đi từ Nghệ An, Thanh Hóa ra Hà Nội là 2,5-4 triệu/1 chuyến. Còn những tỉnh xa hơn như Sơn La, Tuyên Quang, Lào Cai thì giá khoảng 6-7 triệu/1 chuyến. Người nghèo tiền chữa bệnh còn đang phải vay mượn, lấy đâu ra tiền để đi xe về Hà Nội? Nhiều bệnh nhân vì thế mà từ bỏ việc chữa bệnh…
"Khi biết được những thông tin này, một phần vì có thời gian, một phần nghĩ mình có xe, chỉ cần đổ xăng vào là đi được. Còn đi xa hay gần thì cũng chỉ là khoảng cách. Cứ đi là đến thôi. Mình và nhiều anh chị em khác vì thế mà đã đăng ký tham gia chạy những chuyến xe 0 đồng từ đấy", Diệu Linh, một thành viên nữ của PUN chia sẻ.
Khi còn dịch COVID-19, nhóm hoạt động gần như không ngơi nghỉ, ngoài những tay lái nghiệp dư tại Hà Nội, còn có nhiều anh chị em ở các tỉnh khác có chung tấm lòng thiện nguyện như Bee Team ở Lào Cai; anh Thành, anh Nam, anh Song ở Nghệ An; anh Đặng Khánh ở Bắc Kạn; anh Cường, anh Mạnh ở Thái Nguyên… Thời điểm dịch, những tài xế không chuyên này như những nhịp cầu nối liền một dải yêu thương đưa bệnh nhân nghèo về tận nhà, ở nhiều vùng sâu, vùng xa...
Sau đợt dịch, từ 19/10/2021, nhóm Phản ứng nhanh lấy tên chính thức là PUN và tiếp tục hoạt động này cho đến tận bây giờ. Đến nay, nhóm đã hỗ trợ gần 500 chuyến xe với khoảng 600 người bệnh khó khăn đến khám và điều trị từ Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bệnh viện K2, K3, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh viện Nhi Trung ương...
Hiện tại, nhóm PUN có gần 100 thành viên với nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng ai cũng vậy, đều tràn đầy nhiệt huyết với phát tâm thiện nguyện và sẵn sàng lên xe bất kể ngày đêm mỗi khi có bệnh nhân cần đến.
Chuyến xe của yêu thương
9h tối, Ngọc Diệu điện thoại cho tôi: "Mai chị đi Vị Xuyên, Hà Giang với PUN nhé!". Vậy là 6h sáng hôm sau, tôi cùng với Phạm Tuấn Dương, tay lái trẻ gần nhất nhóm, đến nhà trọ gần Bệnh viện Nhi Trung ương đón vợ chồng anh Đặng Văn Nguyên (40 tuổi), dân tộc Dao và con gái 5 tháng tuổi về Vị Xuyên, Hà Giang.
Đến nơi, như một bác tài chuyên nghiệp, Dương nhanh nhẹn xách túi đồ của vợ chồng anh Nguyên cất vào cốp xe, sau đó mở cửa xe mời người mẹ đang bế con nhỏ lên. Người cha xách túi sữa, bỉm của bé, ngồi xuống bên cạnh: "Anh chị là người của nhà xe miễn phí ạ…?". "Vâng. Nhà mình về Bản Lù, Vị Xuyên, Hà Giang, phải không ạ?", Dương khẽ hỏi.
"Vị Xuyên rẽ vào một đoạn thôi…". Người cha trả lời rồi quay sang nhìn đứa con gái bé bỏng đang ngủ trên tay vợ. Cháu bé bị não úng thủy. Vợ chồng anh Nguyên đưa con vào bệnh viện Nhi Trung ương đã 2 tuần nay. Tiền trọ với tiền khám được miễn phí rồi, nhưng còn tiền đi lại, ăn uống phải vay mượn… Giờ cũng cạn rồi…
Đây chỉ là một trong rất nhiều chuyến kể từ đợt dịch COVID-19 năm ngoái mà Dương, chàng trai sinh năm 94 quê Thái Bình, đã từng chở. "Khi Hà Nội bắt đầu đợt giãn cách toàn xã hội, biết đến nhóm chuyên chở bệnh nhân nghèo miễn phí nên em đã xin tham gia", Dương nhớ lại. "3 tháng dịch năm ngoái em cũng như các anh chị trong nhóm chở rất nhiều chuyến. Tuy nhiên đa số là những chuyến ngắn, chỉ chở từ chốt kiểm dịch này đến chốt kiểm dịch kia. Mùa dịch khi chở bệnh nhân ngại nhất là phải test COVID-19, vì cứ 3 ngày phải test PCR lại. Thời điểm ấy, nhu cầu bệnh nhân đi lại nhiều, gần như ngày nào cũng chở, có ngày em chở 3-4 chuyến. Tất cả mọi chi phí bọn em đều bỏ tiền, kể cả tiền test. Sau khi hết dịch, công việc em cũng bận hơn nên chỉ nhận những chuyến đi xa, 1 tháng chỉ đi 2-3 chuyến thôi".
Sau hơn 7 tiếng chạy gần 300 km, cuối cùng cũng đến được cuối bản Lù, nơi gia đình anh Nguyên sinh sống. Trời mưa, con đường dẫn đến nhà anh Nguyên trở nên lầy lội khi đất, đá trên núi sạt xuống… Chiếc xe 4 chỗ ì ạch leo mấy con dốc mới đến được căn nhà sàn cũ kỹ của vợ chồng anh Nguyên ở sát chân núi. Căn nhà trống trải, không có đồ dùng gì ngoài một chiếc quạt cây và cái tủ lạnh cũ. Đặt con nằm xuống giường, anh Nguyên chậm rãi: "Nhà mình không có nhiều đất làm ruộng, nên làm nhiều khi cũng không đủ ăn, giờ lại thêm con bệnh tật…".
Trò chuyện chừng 30 phút, chúng tôi tiếp tục hành trình trở về Hà Nội. "Có cần nghỉ chút không?"."Không cần đâu, em thường đi liền mạch luôn. Ở nhà ngủ mãi rồi…", đẩy nhẹ cặp kính cận lên trên mũi, Dương cười hiền. "Chuyến này vẫn gần và đường đi còn dễ chị ạ. Có chuyến em chở bệnh nhân 500 km về Kỳ Sơn (Nghệ An) đi-về hết hai mấy tiếng, về Huế hơn 600 km hết hơn 1 ngày…".
Trân trọng lắm những thanh niên thế hệ 9X như Dương khi có thể bỏ lại sau lưng những thú vui của tuổi trẻ để trao tặng món quà đầy ý nghĩa này cho những bệnh nhân nghèo.
Những ký ức không quên...
Đến nay, PUN đã thực hiện hàng trăm chuyến xe miễn phí chở bệnh nhân nghèo. Có những chuyến đi hân hoan vô cùng, nhưng có những chuyến đi trĩu nặng tâm tư.
"Nhớ nhất là 1 chuyến vào tháng 10 năm ngoái, sau khi chở bé 1 tuổi bị ung thư về Ngọc Lặc (Thanh Hoá) an yên lắm", Ngọc Diệu kể: "Vậy mà chỉ sau đó 3 tháng, bé gặp biến chứng, muốn xin xe ra Hà Nội để chữa chạy. Thế là gần 100 thành viên của PUN cả đêm thức trắng chờ quyết định của gia đình. Vân, tay lái nữ trẻ của nhóm, còn đòi chạy vào đón bé khi đồng hồ đã chỉ 1h sáng. Tuy nhiên, ngày hôm sau, để tạo điều kiện chủ động cho gia đình và đảm bảo sức khỏe cho anh em, nhóm đã hỗ trợ 1 chuyến xe taxi từ Thanh Hóa ra Viện Huyết học và Truyền máu trung ương. Thật buồn là, chỉ một thời gian ngắn sau, bé không trụ được… Chuyến đi cuối của bé được vợ chồng Minh Nhật đưa về trong nỗi xót xa của cả nhóm...".
"Chuyến đi nào cũng là những gia đình nghèo. Thương họ lắm chị ạ!", Dương nhớ lại: "Em nhớ lần chở bệnh nhân ung thư phổi bị bệnh viện trả về. Bạn ấy sinh năm 1994, đúng bằng tuổi em. 11h trưa em chở hai mẹ con bạn ấy về Kỳ Sơn (Nghệ An). Bạn ấy yếu lắm, cần phải có bình ô xy để thở trên đường về. Nhưng nghèo quá chỉ đủ tiền để thuê 1 bình oxy, mà quãng đường từ Hà Nội về Kỳ Sơn thì xa, một bình làm sao đủ? Lỡ may… Thế là em đã bỏ tiền ra thuê thêm cho bạn ấy 2 bình oxy nữa. Chuyến đi kéo dài từ 11h trưa đến 8 h tối mới về đến nhà. Trong nhà không có cái gì cả, trống huơ trống hoác… Lúc ấy nhiều cảm xúc lắm. Cứ nghĩ bạn ấy cũng như mình nhưng sao số phận lại khổ đến thế. Cùng sinh năm 1994 đấy, nhưng bạn ấy lại đang sống những giây phút cuối của đời mình trong sự đau đớn…".
Diệu Linh vẫn nhớ lần chở hai mẹ con bệnh nhân từ Viện Huyết học về Quảng Ninh. Em bé bằng tuổi con gái Linh. "Thường thì anh em trong nhóm tụi mình ít nói chuyện, vì bệnh nhân đã rất mệt mỏi rồi, nên muốn để họ nghỉ ngơi trên xe". Nhưng lần này thì khác, khi ánh mắt xa xăm của người mẹ nhìn ra cửa xe, Linh chợt hỏi: "Bao giờ con lại lên bệnh viện hả chị?". Hồi lâu sau, người mẹ trả lời, giọng trầm xuống: "Nhà em về lần này chắc không lên nữa. Bác sĩ cho nhà em tự lựa chọn điều trị hay thôi…".
Bữa tối đấy, Linh ở lại ăn tối với gia đình. Bữa cơm chỉ có rau và trứng luộc. Đón con ra viện lẽ ra phải vui mừng nhưng không khí bữa cơm tối ấy như đặc quánh lại. "Mọi người cũng không nói chuyện gì nhiều. Lặng lẽ ăn cơm… Một tuần sau bé mất… Mình cũng là người mẹ. Mình hiểu khi biết trước những điều sẽ xảy ra với con mình mà người làm cha làm mẹ bất lực, không thể làm được gì. Đau đớn lắm!", nhắc đến chuyến đi này, mắt Linh đỏ hoe, giọng nghèn nghẹn.
Chuyến chở bệnh nhân vào đúng 23 tháng chạp vừa rồi cũng là những ký ức không quên với những tay lái hôm đó. Lúc này ai cũng hối hả chuẩn bị cúng ông Công ông Táo. Thế nhưng, khi nhận được điện thoại của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, là có hơn 30 người cả bệnh nhân và người nhà cần đi về trong ngày 23 tết. Nhóm PUN đã nhận lời ngay và sau một vài phút các chuyến đi đã được sắp xếp xong với 6 xe, 7 lái đi các tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hòa Bình.
"Riêng Sơn La có 3 chuyến: 1 chuyến do anh Trung, 1 chuyến do anh Đức Hùng. Mình may mắn nhận được 1 trong 3 chuyến về Sơn La", Diệu Linh nhớ lại.
"Nhóm đi Sơn La chia tay ở một điểm hẹn để chia nhau đi các điểm. Mình là con gái nên được ưu tiên đi Thuận Châu, tuy xa hơn nhưng là đường bằng phẳng dễ đi, còn các chuyến kia đi vào bản vùng sâu nên mấy anh đàn ông nhận. Hôm ấy, trời mưa phùn, nhiệt độ hạ xuống dưới 10 độ, lạnh run người. Sau khi chở bệnh nhân về đến nhà, trên đường quay lại điểm hẹn, không hiểu sao, mình buồn ngủ và lạnh quá!". Không gắng được, Linh nhắn lại trong nhóm rồi quyết định dừng xe ven đường và dự định ngủ 10-15 phút. Nhưng ngủ cũng không được, co ro trong cái lạnh buốt của đêm cuối năm, Linh quyết định di chuyển về địa điểm tập kết mới ngủ, để mọi người yên tâm. "Anh Hùng, anh Trung lúc này đã về đến điểm tập kết từ trước đó và liên tục nhắn tin, điện thoại cho mình. Và rồi, mình cũng về đến điểm tập kết an toàn lúc 3h sáng. Cả nhóm thống nhất ngủ trên xe đến 6h sáng rồi mới quay về Hà Nội…".
Đến giờ, Linh vẫn nhớ về 3 tiếng ngủ trong xe dưới tiết trời giá lạnh ấy. "Không hiểu sao mình lại không hề cảm thấy khổ, vất vả. Mình chỉ thấy rất lạnh và buồn ngủ. Nhưng mình chợt nghĩ, ngoài kia còn nhiều người phải trải qua cái đói, cái rét, những vất vả, khốn khổ nhiều hơn 3 tiếng này của mình, thậm chí với họ là cả một cuộc đời cùng cực. Vậy thì những gì mình trải qua có là gì?".
Đợt dịch COVID-19 năm ngoái, có những bệnh nhân nguy cơ cao mắc COVID-19, người bệnh COVID-19 cần về nhà mà không có xe. Khi đưa thông tin về 9 bệnh nhân có nguy cơ cao mắc COVID-19 về Cẩm Thủy, Triệu Sơn, Ngọc Lặc (Thanh Hóa), tất cả anh chị em trong nhóm vẫn 'tranh nhau' chở dù biết có khả năng bị lây.
"Lúc đó chẳng ai nghĩ gì đâu, cứ nhận chuyến thôi. Còn nguy cơ mắc COVID-19 là như nhau khi có nhiều nguồn lây khác như đi chợ, đi làm… Vậy là không ai bảo ai tất cả nhóm đều quyết tâm chở bệnh nhân về tận nhà. Tất nhiên để đảm bảo an toàn, mọi người trước khi lên xe, phun khử khuẩn. Trên xe bệnh nhân đeo khẩu trang, bọn mình mặc đồ bảo hộ, trong quá trình đi ít nói chuyện với nhau, và khi về đến nơi thì phun khử khuẩn và cách ly đúng quy định".
Thời gian trước, nhiều anh chị em trong nhóm còn chưa từng tự lái xe đi miền núi, nhất là vùng Tây Bắc. Thế nhưng, đến giờ những cung đèo khấp khuỷu, những khúc cua tay áo cũng không thể làm khó họ.
Một người vì mọi người-mọi người vì một người
"Để những chuyến xe 0 đồng an toàn và hiệu quả, ngoài những tay lái thiện nguyện còn có sự hỗ trợ của nhiều thành viên khác như anh Hưng, anh Xuân, anh Khoa, anh Lưu, anh Huy... trong việc liên hệ với các bệnh viện, bệnh nhân, sắp xếp hành trình đi lại… Thời điểm dịch COVID-19, có những ngày các anh chị ấy phải làm việc 18-20 tiếng chỉ để sắp xếp, chia các chuyến", Trịnh Ngọc Ánh (một thành viên nữ của PUN) chia sẻ.
Thông tin cần xe của bệnh nhân chỉ cần đẩy lên nhóm vài phút, thậm chí vài giây là đã được các tài xế nhận chuyến...
Thông thường, mọi chuyến đi đều được sự quan tâm của cả nhóm, đặc biệt là những chuyến đi xa, cung đường mới. "Dọc đường đi bọn em có quy định là luôn chia sẻ hành trình để báo cáo về nhóm. Thế nhưng chuyến đi ấy, có đoạn đi vào vùng mất sóng, điện thoại mất 3G, thế là liên tục các cuộc điện thoại của các anh chị ở nhà: Tại sao không liên lạc được? Đến đâu rồi? Bọn em thế nào? An toàn nhé…". Nhận được sự quan tâm, yêu thương của đồng đội như thế, dù là đường gập ghềnh, xa xôi đến mấy cũng trở nên gần gụi, dễ đi hơn!
Đến giờ, Bình vẫn không thể quên chuyến chở bệnh nhân người dân tộc từ Viện Huyết học về Trạm Tấu, Yên Bái vào mùng 7 tết âm lịch vừa rồi. Sau Tết trời mưa lâm thâm, đường khó đi mà Bình lại chưa đi cung đường này bao giờ. Với những cung đường mới, thường các tay lái "tay mơ" này cứ chạy theo Google map là đến. Nhưng lần này lại khác, Bình đi theo Google map ra đoạn đường gần Nghĩa Lộ thì xe bị sa lầy, không đi được. Lúc này cũng đã 9h đêm. Bệnh nhân là người dân tộc nên họ không hiểu tiếng Kinh nên khó để trao đổi và hỏi đường. Nhưng nhờ có sự trợ giúp của mọi người từ xa, Bình cũng đã nhờ được taxi ở ngoài chạy vào chở bệnh nhân về nhà an toàn, còn mình ngồi chờ xe cứu hộ đến kéo. Từ 2h sáng cho đến tận 9 h sáng xe mới được kéo lên khỏi đám lầy ấy.
Vượt hàng trăm cây số qua những ngày mưa, lạnh, rét căm căm, hay nắng chói chang như đổ lửa, thế nhưng những tay lái cừ khôi ấy vẫn không chùn bước. Biết bao chuyến xe 0 đồng vẫn nối đuôi nhau chở bệnh nhân nghèo trên khắp các nẻo đường xa xôi nơi núi rừng Tây Bắc. Là vì, họ cùng chung nhịp đập của trái tim thiện nguyện, những đồng đội tốt, những người sẵn sàng lên đường chia sẻ, hỗ trợ những khó khăn cho nhau và cùng tin tưởng rằng mình đang làm những điều có giá trị cho cuộc sống và cho chính bản thân mình.
Không chỉ là những chuyến xe...
Bây giờ, việc đi lại không còn khó khăn, ngặt nghèo như trước. Có những trường hợp, PUN liên hệ với các nhà xe ghép, xe giường nằm, xe limousine… giúp giảm giá hoặc miễn phí cho bệnh nhân khi di chuyển từ các tỉnh về Hà Nội và ngược lại. Tuy nhiên, nhóm vẫn ưu tiên chở bệnh nhận yếu, mệt mỏi, bệnh nhi mới phẫu thuật, đặc biệt với những bệnh nhân về 'lần cuối'. Dường như không ai bảo ai, nhưng tất cả anh chị em trong nhóm, ai cũng hiểu rằng, những bệnh nhân này cần lắm sự động viên về tinh thần, chúng tôi muốn chia sẻ năng lượng cho họ. Hy vọng họ có những ngày cuối cùng ấm ấp và yên bình.
Không chỉ dừng lại ở những chuyến xe 0 đồng, PUN còn rất nhiều hoạt động thiện nguyện dành cho bệnh nhân nghèo: Tặng máy lọc nước cho một số bệnh viện, tặng dụng cụ tập thể dục ngoài trời cho bệnh nhân bệnh viện K, hiến tiểu cầu… Ngoài ra, nhiều thành viên trong nhóm cũng có những kết nối tạo việc làm cho người nhà bệnh nhân, bảo trợ cho học sinh khó khăn, học sinh vùng cao…
Chia tay chàng tài xế trẻ tuổi hết lòng vì bệnh nhân nghèo sau hành trình kéo dài 16 tiếng, tôi chợt nhận ra, những chuyến xe 0 đồng không chỉ nằm ở chuyến xe đáng giá bao nhiêu. Mà còn là vô vàn tình yêu thương, sự động viên tinh thần của nhóm "tài xế không chuyên" này muốn gửi đến những bệnh nhân nghèo, để họ cảm nhận được sự ấm áp, sự sẻ chia của cộng đồng và có thêm niềm tin vào cuộc sống. Và như một hạt mầm nhân ái, những chuyến xe chở đầy yêu thương này sẽ nảy chồi, đơm hoa, kết thành trái ngọt lan tỏa tới nhiều trái tim cùng nhịp trên mọi nẻo đường đi qua...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bộ Y tế cảnh báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào tháng 11,12.