Nữ hộ sinh Bản Mù ‘mê’ làm thiện nguyện

13-10-2022 14:03 | Y tế

SKĐS - 24 năm gắn bó với người dân, nữ hộ sinh Hoàng Thị Nam không chỉ lo chăm sóc sức khỏe cho bà con mà còn là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với đồng bào nghèo...

Xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái có 8 thôn, với gần 7.000 dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Bản Mù là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu. Huyện Trạm Tấu cùng với Mù Cang Chải là 2 huyện khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái.

Bản Mù mờ sương...

Nằm trên độ cao khoảng hơn 1.000m so với mặt nước biển, Bản Mù sương giăng kín lối với những ngôi nhà nhỏ nằm cheo leo, cô đơn, rải rác trên những sườn núi. Ngàn đời nay, dân bản sống và chết trong cái màn sương mờ huyền thoại ấy.

Nữ hộ sinh Hoàng Thị Nam khám bệnh cho bé Cứ Văn Chung tại Trạm Y tế xã Bản Mù

Y sỹ Đào Văn Sứ, Trưởng trạm Y tế xã Bản Mù, kể: Vào những ngày mùa đông, chăn màn ẩm ướt cả ngày, ngay tấm chăn bông hàng ngày dùng, sáng dậy có màn sương mỏng bám lạnh toát!

Là xã có 100% dân số là đồng bào Mông sinh sống, người Mông ở đây có những thôn theo đạo Thiên Chúa và Tin Lành nên vận động người dân "sống tốt đời đẹp đạo" cùng đồng hành xây dựng đời sống ấm no được 6 nhân viên của trạm y tế luôn lồng ghép với tuyên truyền chống dịch, chống "ma đói", "ma bệnh".

Đời sống của đồng bào Mông tuy đã khá hơn so với nhiều năm trước nhờ đường bê tông đã kéo đến trung tâm xã. Điện lưới cũng đã có nhưng đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. 

24 năm gắn bó với người dân nơi đây nhưng chị không thể nào quên những ngày đầu làm nghề. Đó là những đêm mưa bão, người nhà sản phụ đến Trạm nhờ bác sỹ lên nhà đỡ đẻ vì khó sinh.

Vừa thương vừa giận, nhưng cực chẳng đã trong tình trạng nguy cấp gọi anh em trong Trạm hỗ trợ trang thiết bị y tế, chạy bộ, đội mưa bão về nhà sản phụ.

Chị Nam kể: Thai phụ vượt cạn thành công, mình khóc luôn ở đó. Vui vì cứu sinh mạng của họ, nhưng niềm vui lớn hơn là tạo được niềm tin với đồng bào, có như vậy lần sau các sản phụ mới xuống trạm để sinh con. 

Dù đi lại khó khăn nhưng dấu chân của nữ hộ sinh Hoàng Thi Nam đã đi hết 12 xã của huyện Trạm Tấu, Yên Bái

Nữ hộ sinh Hoàng Thị Nam khi 5 tuổi, trải qua cơn sốt cao, khi qua khỏi, chân trái của chị teo, bước thấp, bước cao. Lớn lên một chút, cô gái Thái quyết tâm thi đỗ vào Trường Trung cấp Y tế Yên Bái. Ra trường chị tình nguyện về công tác tại Trạm Tấu.

Từng công tác tại xã Bản Công rồi nay về Bản Mù, nữ hộ sinh tên Nam thấm đẫm sự vất vả, nhọc nhằn của bà con người dân tộc Mông.

'Dân còn nghèo chỉ mong giúp được họ nhiều hơn'

Đó là nỗi niềm đau đáu luôn đeo bám lấy con người chị. 

Chị kiên trì, nhẫn nại học tiếng Mông, tổ chức từng buổi truyền thông tại gia đình, tại nhóm gia đình và cộng đồng làng bản để dần nâng cao nhận thức cho người dân.

Bằng những ca bệnh cụ thể như thế, chị Nam kiên nhẫn, từng bước gây dựng được niềm tin của đồng bào dân tộc vào thầy thuốc. Cho đến hiện giờ, người dân không còn tin "thầy cúng thầy mo" cúng đuổi ma rừng.

Khi người dân đã đặt niềm tin vào thầy thuốc, chỉ trong ít năm, nữ hộ sinh Nam cùng đồng nghiệp đã xây dựng được mạng lưới y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho người dân không thua kém các địa phương vùng đồng bằng. Nhiều năm qua, xã vùng cao này không có dịch bệnh.

Nữ hộ sinh Bản Mù ‘mê’ làm thiện nguyện - Ảnh 3.

Thầy thuốc về với thôn truyền thông đến người dân phòng bệnh, có bệnh đến trạm y tế

Chị Giàng Thị E đưa con 4 tuổi đến khám tại Trạm Y tế xã Bản Mù nói: Thầy thuốc ở Trạm Y tế xã thường xuyên về với thôn mình, nói cho bà con biết cách chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, bây giờ gia đình có người ốm đau không cúng ma nữa, có bệnh cúng làm sao mà khỏi được, chỉ xuống Trạm uống thuốc mới khỏi được thôi.

BS CKI Đinh Thị Minh Luyện, Giám đốc TTYT huyện Trạm Tấu, Yên Bái nói: Xã Bản Mù là xã rất khó khăn của huyện. Ngoài khám chữa bệnh, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức không chủ quan với bệnh tật. Hiện nay, khám chữa bệnh ban đầu ở trạm đã thuận lợi hơn rất nhiều. Khi ốm đau, đồng bào đã đến trạm khám và điều trị.

Không chỉ đam mê công việc chăm sóc sức khỏe trẻ em và phụ nữ, nữ hộ sinh Hoàng Thị Nam, sinh năm 1979 này còn được nhiều người yêu quý bởi tấm lòng thiện nguyện.

Nữ hộ sinh Bản Mù ‘mê’ làm thiện nguyện - Ảnh 4.

Trước nhà riêng nữ hộ sinh là gian hàng 0 đồng."Người có nhu cầu đến lấy quần áo, người không dùng đến mang đến tặng lại"

Làm việc ở một huyện nghèo như Trạm Tấu, người bệnh đến bệnh viện điều trị đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Cuộc sống mưu sinh hằng ngày vốn đã quá chật vật với những người dân nơi đây giờ lại thêm cảnh nằm viện, thuốc men điều trị khiến họ lại càng thêm khốn khó. 

Đến với gia đình người Mông nghèo, bước vào nhà thấy trống huơ, trống hoác. Trẻ con ngày mùa đông khi cây cối cũng đọng nước, đóng băng nhưng bọn trẻ chân trần, manh áo móng dính, đứa đứng co ro, đứa lăn lê bò toài trên nền đất, nhìn cảnh đó nước mắt chực rơi. Có đứa lớn hơn đến trường với quần áo xộc xệch, nhiều khi rách tả tơi, có em nhịn đói đến lớp.

Đó là chưa nói sách vở, thước bút luôn thiếu trước hụt sau... thấy tội các em quá nên nữ hộ sinh Nam quyết cần phải làm việc gì đó nhằm giúp, nâng bước các gia đình. Suy nghĩ mãi mà không biết làm cách nào, bởi không có kinh phí. Rồi chợt nảy ra ý tưởng tại sao mình không tận dụng việc sử dụng công nghệ thông tin để làm cầu nối, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để giúp đỡ các em.

Nữ hộ sinh Bản Mù ‘mê’ làm thiện nguyện - Ảnh 5.

Hành trình của nữ hộ sinh sau những giờ làm thầy thuốc

Lần chị Nam đến gia đình anh Giảng A Thào, ở thôn Mù Thấp. 2 vợ chồng Thào sinh nở được 2 lần, không may đứa đầu tiên mất sớm. Đến đứa thứ 2 lại mắc chứng bại não, cả ngày bò lổm ngổm trên nền đất lạnh toát.

"Ban đầu gặp em chỉ muốn khóc với số phận khổ sở đeo bám 2 bạn vợ chồng trẻ. Về đến xã em đề nghị Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ 30 triệu đồng để sắm đồ đạc quanh nhà và có thêm tiền để nuôi đứa bé thứ 2!". Ngoài việc hỗ trợ tiền, chị Nam còn kêu gọi các nhà hảo tâm đem sữa, thuốc bổ cho vợ chồng Thào.

Những việc làm nhỏ bé của chị Nam được lan tỏa, tạo niềm tin cho nhiều tấm lòng thiện nguyện không chỉ ở huyện mà còn từ nhiều địa phương khác tìm đến Bản Mù. Hàng tấn quần áo sạch sẽ, phẳng phiu được đem đến cho người nghèo. Đó là việc làm đầy ý nghĩa mà thầy nữ hộ sinh Nam ấm lòng và hạnh phúc. 

Nữ hộ sinh Bản Mù ‘mê’ làm thiện nguyện - Ảnh 6.

Nữ hộ sinh là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với đồng bào nghèo Yên Bái

"Đến với nhiều thôn xa xôi tôi biết nhiều gia đình hoàn cảnh rất khó khăn. Khi biết thông tin có đoàn từ thiện từ Hà Nội lên, tôi đã làm cầu nối giữa đoàn từ thiện với người dân nghèo khó. Chỉ vậy thôi nhưng tôi vui lắm", chị Nam chia sẻ.

Cùng với việc sử dụng kiến thức chuyên môn để giúp cho người dân, đặc biệt là người nghèo, có dịp rảnh, chị Nam lại cùng các nhóm thiện nguyện đi đến các thôn xa xôi vào tận nhà đưa quà. 

Ngôi nhà nơi chị ở cùng gia đình cũng trở thành điểm phát quà miễn phí, nơi người nghèo ở huyện có thể đến lấy quần áo ấm. Người không có nhu cầu sử dụng đem quần áo đến. 

"Tôi không thấy cần phải nghỉ ngơi mà tôi luôn tìm thấy niềm vui khi chữa bệnh, giúp đỡ người nghèo".

Nói về công việc đầy nhân ái, nghĩa tình mà mình đang làm, chị Nam chỉ bình dị: Hạnh phúc nhất của một người là mang hạnh phúc lại cho nhiều người. Tôi hạnh phúc khi có thể làm được điều gì đó cho bệnh nhân của mình.

Tiêm vaccine COVID ở vùng sâu, vùng xa: Người dân đến tiêm mừng rơi nước mắtTiêm vaccine COVID ở vùng sâu, vùng xa: Người dân đến tiêm mừng rơi nước mắt

SKĐS - Số ca mắc COVID-19 ở Yên Bái từ khi trở lại bình thường mới tăng cao. Tuy nhiên, số ca bệnh chuyển nặng rất ít. Số bệnh nhân hiện đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh này là 656 người, điều đó cho thấy hiệu quả của chiến dịch “thần tốc” phủ vaccine ở địa phương.

Mời độc giả xem thêm video:

Những thói quen tưởng chừng vô hại nhưng sẽ làm hỏng răng bạn

Anh Tuệ
Ý kiến của bạn