1. Nhiều bệnh nhân ung thư vú kiêng hoàn toàn đạm động vật
Chị Nguyễn Thị Kim O. ( Đông Hải, Lê Chân, Hải Phòng) một bệnh nhân ung thư vú cho biết, từ khi phát hiện bệnh, chị chuyển sang chế độ ăn RAW. Thực đơn hằng ngày của chị là thực vật, gồm ăn sống rau củ, trái cây và các loại hạt, ngoài ra không hề có tinh bột hay đạm động vật. Theo chị đây là chế độ ăn chữa ung thư rất hiệu quả.
Chị O. kiêng hoàn toàn đạm động vật như: thịt, cá, tôm, cua, ếch, trứng, tổ yến, sữa động vật và những sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua... Chị giải thích lý do kiêng 100% đạm động vật vì chị đọc được thông tin người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối nếu ăn đạm động vật sẽ làm tổn thương gen có chức năng bảo vệ và sữa chữa của cơ thể. Đạm động vật kích hoạt tế bào bình thường thành bất thường và biến thành tế bào ung thư. Ăn đạm động vật là nuôi tế bào ung thư nhanh sinh đẻ, phân chia thêm.
Ngoài ra, chị O. còn chia sẻ là chị học hỏi các thông tin trên mạng xã hội về nhiều nguy cơ khác khi ăn đạm động vật như tốn nhiều enzymes để tiêu hoá, mà enzymes của cơ thể thì có hạn. Cơ thể hết enzymes thì bệnh và chết, dù là tuổi trẻ hay tuổi già, cứ hết enzymes là chết. Đạm động vật thối rữa và nuôi nấm, giun sán, vi khuẩn có hại trong đường ruột!?
Đó là những lý do chị O. không ăn đạm động vật kể từ ngày phát hiện bệnh. Vậy cách hiểu của chị O. có đúng và đầy đủ về đạm (protein) động vật không?
2. Protein động vật tốt hay xấu với cơ thể?
Protein tồn tại khắp cơ thể, từ cơ bắp và các cơ quan đến xương, da và tóc, có nhiệm vụ giúp xây dựng, sửa chữa và duy trì các cấu trúc của cơ thể. Cơ thể không lưu trữ protein giống như một số chất dinh dưỡng đa lượng khác, vì vậy protein này phải được cung cấp từ chế độ ăn uống.
Protein là một phần thiết yếu của chế độ ăn uống. Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật và động vật đều có thể cung cấp protein, nhưng có một số điểm khác biệt.
Protein được tạo thành từ các axit amin. Cơ thể của một người cần sự cân bằng của tất cả 22 loại axit amin để hoạt động chính xác. Cơ thể không thể sản xuất 9 trong số các axit này, được gọi là axit amin thiết yếu: Lysine, Leucine, Isoleucine, Histidine, Methionine, Phenylalanine, Threonine, Tryptophan, Valine - có vai trò là các khối xây dựng của protein. Khi cơ thể tiêu hóa protein trong thức ăn, nó sẽ phân hủy chúng thành các axit amin.
Một trong những điểm khác biệt chính giữa protein thực vật và động vật liên quan đến hàm lượng axit amin của chúng.
Một số sản phẩm động vật là nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh, chẳng hạn như: cá, nhiều loại trứng khác nhau, các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như pho mát, sữa và váng sữa, thịt đỏ, thịt gia cầm từ các nguồn như gà, gà tây và chim cút.
Hầu hết các protein thực vật không hoàn chỉnh, có nghĩa là chúng thiếu ít nhất một trong các axit amin thiết yếu. Ngoài ra, một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như quinoa (hạt diêm mạch) và kiều mạch cũng là nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh.
Một số thực phẩm giàu protein từ thực vật: hạt, quả hạch, đậu, đậu nành, một số loại trái cây như bơ, ngũ cốc. Ngoài ra có nhiều loại hạt, ngũ cốc và rau quả khác cũng chứa lượng protein cao.
Loại protein nào tốt hơn cho sức khỏe?
Khi lựa chọn giữa nguồn protein thực vật và động vật, điều quan trọng là phải tính đến các chất dinh dưỡng khác mà thực phẩm cung cấp.
Thực phẩm giàu protein có thể có cấu trúc dinh dưỡng khác nhau. Một số nguồn protein động vật nhất định có thể chứa hàm lượng sắt heme và vitamin B-12 cao, trong khi một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật lại thiếu những chất dinh dưỡng này.
Mặt khác, các chất dinh dưỡng dành riêng cho thực vật, được gọi là dinh dưỡng thực vật và một số chất chống oxy hóa không có trong các nguồn protein động vật. Còn các sản phẩm động vật có chứa chất béo bão hòa và hàm lượng cholesterol cao hơn so với nguồn protein thực vật. Một số người có thể muốn tránh các sản phẩm động vật vì những lý do này.
Theo BS. Nguyễn Bảo Trung, BV Đa khoa Bưu điện cho biết: Người ta xác lập những yếu tố nguy cơ được xem như là nguyên nhân gây ung thư như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, nhiễm trùng như nhiễm HP trong loét dạ dày, nhiễm HPV trong bệnh lý phụ khoa, nhiễm virus viêm gan B, C... Và trong chế độ ăn, những người thường xuyên ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, ăn ít rau củ, thức ăn bị nấm mốc… là những người có khả năng bị ung thư đại tràng cao. Bên cạnh các yếu tố nguy cơ phải nhắc đến cơ địa của mỗi người có thích hợp để phát triển bệnh hay không. Như vậy để khẳng định chắc chắn chế độ ăn gây ung thư hay chế độ ăn chữa ung thư... là không có sức thuyết phục.
Do đó, việc kiêng hoàn toàn đạm động vật khi mắc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng là một quan điểm chưa toàn diện, có thể gây những bất lợi cho thể trạng người bệnh, ảnh hưởng đến quá trình điều trị do không đầy đủ chất dinh dưỡng.
3. Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh với bệnh ung thư vú
Một chế độ ăn uống cân bằng đặc biệt quan trọng với người bệnh ung thư vú. Chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp cơ thể người bệnh mau hồi phục sau quá trình điều trị ung thư là quá trình có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như lở miệng, ăn không ngon, buồn nôn và nôn.
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp người bệnh:
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
- Giữ cho các mô cơ thể khỏe mạnh
- Giảm các triệu chứng ung thư và tác dụng phụ của điều trị
- Giữ cho hệ thống miễn dịch mạnh mẽ
- Duy trì sức mạnh và giảm mệt mỏi
- Cải thiện chất lượng cuộc sống
Theo Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, BV K Trung ương: Người bệnh hãy lựa chọn những thực phẩm tốt cho cơ thể của mình nhất là trong quá trình điều trị. Người bệnh ung thư vú cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng có trong các loại thực phẩm khác nhau để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình điều trị lâu dài như:
Thứ nhất là rau họ cải như súp lơ, bông cải xanh, cải bắp... trong các loại rau này có chưa nhiều vitamin A, vitamin K, vitamin C, acid folic, chất xơ và magie. Ngoài ra, trong đó còn chứa các chất có hoạt tính sinh học khi được chuyển hóa trong cơ thể như là các chất chống oxy hóa có thể giúp phòng ngừa ung thư vú. Nên xào hoặc chần các loại rau này để được nhận tối đa các chất dinh dưỡng.
Thứ hai là các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi... các loại cá này chứa nhiều chất đạm quý, dễ hấp thu rất tốt cho bệnh nhân. Ngoài ra, chúng còn giàu chất béo omega - 3 và vitamin D có tác dụng phòng chống ung thư và giảm độc tính trong quá trình điều trị hóa chất cho bệnh nhân ung thư vú.
Thứ 3 là các loại rau củ quả có màu như cà rốt, bí đỏ, khoai lang là những thực phẩm chứa nhiều caroten, chất này sẽ được chuyển hóa thành vitamin A vào trong cơ thể. Ăn nhiều chất này có thể giúp làm giảm nguy cơ ung thư vú.
Lưu ý, không có chế độ ăn uống cụ thể gồm thực đơn chi tiết cho những người bị ung thư vú. Nhu cầu chất dinh dưỡng của mỗi người bệnh có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm các chẩn đoán y tế khác, trọng lượng cơ thể, sự thiếu hụt chất dinh dưỡng, thuốc men và bất kỳ triệu chứng nào người bệnh đang gặp phải. Bác sĩ điều trị và chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp người bệnh đưa ra một kế hoạch ăn uống phù hợp cụ thể cho nhu cầu và sức khỏe tổng thể.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những dấu hiệu cảnh báo bạn có thể đang bị ung thư da