Ai có nguy cơ mắc ung thư vú?
Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm:
- Phụ nữ trên 50 tuổi;
- Trong gia đình có mắc bệnh ung thư vú;
- Bản thân có ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung;
- Đái tháo đường sau mãn kinh;
- Ăn nhiều chất béo, uống rượu và hút thuốc thường xuyên;
- Béo phì (đặc biệt sau thời kỳ mãn kinh)...
Ở giai đoạn đầu, ung thư vú hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Do đó chị em phụ nữ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao nên tự theo dõi kiểm tra vú và khám sức khỏe định kỳ.
Khi thấy khối u hay bất cứ sự thay đổi nào của vú, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để được thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Các phương pháp điều trị ung thư vú
Ung thư vú nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, việc điều trị sẽ rất hiệu quả. Có nhiều phương pháp điều trị với mục tiêu bảo toàn nhiều nhất có thể các mô lành và loại bỏ tổ chức ung thư. Việc quyết định điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tuổi tác, thể trạng của bệnh nhân.
- Phẫu thuật là phương pháp chính điều trị ung thư vú, nhất là ở những trường hợp chưa có di căn.
- Phẫu thuật kết hợp với điều trị tia xạ là phương pháp điều trị đối với ung thư vú giai đoạn sớm.
- Điều trị hóa chất và nội tiết.
- Phẫu thuật tạo hình để đảm bảo thẩm mỹ cho người bệnh…
Việc chăm sóc làm giảm các tác dụng phụ của điều trị cũng như nâng đỡ về tinh thần cho người bệnh rất quan trọng, giúp người bệnh nhanh chóng trở về với cuộc sống bình thường. Trong đó, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng.
Chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư vú
Đối với bệnh nhân ung thư vú, yếu tố tâm lý cùng với việc điều trị phẫu thuật khiến bệnh nhân có thể mệt mỏi, ăn uống kém, suy nhược. Do đó, chăm sóc dinh dưỡng rất quan trọng nhằm tăng cường thể lực, sức đề kháng cho bệnh nhân. Người bệnh cần:
1. Ăn đủ chất dinh dưỡng
Người thân trong gia đình cần quan tâm và chăm sóc dinh dưỡng tốt cho người bệnh ung thư vú bằng cách động viên người bệnh ăn uống đủ chất để nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Bữa ăn của người bệnh cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm:
- Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc);
- Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...);
- Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật);
- Vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi...).
Nên ưu tiên các món ăn hợp khẩu vị với người bệnh. Chia nhỏ bữa ăn để người bệnh dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
2. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa
Thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa giúp người bệnh ung thư vú tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng, giảm tác dụng phụ của điều trị hóa chất, xạ trị…
- Nguồn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin là các loại rau củ quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt. Các chất chống oxy hóa có trong các thực phẩm giàu vitamin A, C, E, kẽm, lycopene...
- Vitamin A có nhiều trong thịt gia cầm, gan động vật, lòng đỏ trứng; Các loại rau, trái cây có màu đỏ hoặc vàng như cà chua, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, xoài, cam; Các loại rau có màu xanh đậm như cải bó xôi, rau ngót, rau muống, bông cải xanh...
- Vitamin C chủ yếu có trong các loại rau màu xanh đậm, các loại trái cây như cam, quýt, lê, táo; các loại đậu…
- Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, khoai lang, quả kiwi, rau màu xanh sẫm...
- Kẽm: Nguồn thực phẩm giàu kẽm là tôm, sò, hàu, lươn, gan động vật, sữa, lòng đỏ trứng...
- Lycopene: Tác dụng chống oxy hóa mạnh của lycopene có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của ung thư vú. Lycopene có nhiều trong một số trái cây có màu đỏ như cà chua, gấc, dưa hấu…
3. Thực phẩm cần hạn chế
- Bệnh nhân cần lưu ý hạn chế các thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, nhiều đường, đồ ăn cay nóng.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm ướp muối mặn, thực phẩm qua chiên rán ở nhiệt độ cao.
- Lựa chọn thực phẩm tươi, an toàn.
- Chế biến đảm bảo vệ sinh và nấu chín.
- Không ăn đồ tái, sống, thức ăn lạnh…
- Không uống rượu bia và tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
Xem thêm video đang được quan tâm
Lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân COVID-19 sau điều trị.