Món ăn từ thảo dược giúp phòng ngừa bệnh cúm

11-02-2025 15:00 | Thầy giỏi – thuốc hay
google news

SKĐS - Bệnh cúm theo y học cổ truyền được xem là do ngoại tà xâm nhập vào cơ thể khi chính khí cơ thể suy yếu. Vì vậy phòng ngừa tập trung vào các phương pháp nâng cao chính khí, cân bằng âm dương cơ thể.

Một số món ăn dễ làm tại nhà có chứa thảo dược là một trong những biện pháp hiệu quả, an toàn để phòng ngừa loại bệnh này.

1. Một số món ăn phòng ngừa bệnh cúm

Trong y học cổ truyền, một số món ăn có tác dụng phát tán phong tà, hỗ trợ cơ thể phục hồi nhanh hơn, bao gồm:

Cháo hành, tía tô phòng ngừa bệnh cúm

Nguyên liệu: Gạo tẻ 50g, lá tía tô 10g, hành lá 10g, gừng tươi 5g.

Công dụng: Giúp ra mồ hôi, giải cảm, giảm nghẹt mũi.

Cách làm:

  • Vo sạch gạo tẻ, cho vào nồi cùng 500ml nước, nấu cho đến khi cháo nhừ.
  • Gừng tươi cạo vỏ, thái sợi hoặc giã nhỏ; hành lá và tía tô rửa sạch, thái nhỏ. Khi cháo chín, cho gừng vào trước, khuấy đều.
  • Tiếp theo, tắt bếp, cho hành lá và tía tô vào, đậy vung lại khoảng 3 phút để giữ hương vị.
  • Múc cháo ra bát, ăn khi còn ấm để giúp ra mồ hôi, giải cảm hiệu quả.

Canh gừng, hành, tỏi

Nguyên liệu: Gừng tươi 10g, hành củ 5g, tỏi 5g.

Công dụng: Ấm phế, tăng sức đề kháng, kháng virus.

Cách làm:

  • Gừng cạo vỏ, thái lát mỏng; hành củ và tỏi bóc vỏ, đập dập.
  • Đun sôi 300ml nước, sau đó cho gừng, hành, tỏi vào nấu khoảng 5 - 7 phút.
  • Khi nước sôi, tắt bếp, để nguội bớt rồi uống ấm.
gừng hành tỏi

Nguyên liệu làm canh gừng, hành, tỏi phòng ngừa bệnh cúm.

Súp gà bổ phế

Nguyên liệu: Gà ác 100g, hoài sơn 20g, kỳ tử 10g, táo đỏ 5 quả.

Công dụng: Bổ khí huyết, tăng cường sức đề kháng.

Cách làm:

  • Gà ác làm sạch, chặt miếng nhỏ; ngâm hoài sơn, kỷ tử, táo đỏ trong nước ấm khoảng 10 phút để mềm.
  • Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, đổ khoảng 500ml nước, đun lửa nhỏ trong 1 - 1,5 giờ.
  • Nêm nếm gia vị vừa ăn, có thể thêm một chút gừng để tăng hương vị.

Món ăn từ thảo dược giúp phòng ngừa bệnh cúm- Ảnh 2.

Gà ác nấu với táo đỏ, kỷ tử bổ phế, phòng ngừa bệnh cúm.

Nước trà gừng – mật ong

Nguyên liệu: Gừng tươi 5g, mật ong 10ml.

Công dụng: Giảm ho, giữ ấm cơ thể, kháng khuẩn.

Cách làm:

  • Gừng rửa sạch, thái lát hoặc giã nhỏ.
  • Đun gừng với 200ml nước trong khoảng 5 phút, sau đó để nguội bớt, khi nước còn ấm (khoảng 50°C), thêm mật ong vào khuấy đều.
  • Uống khi còn ấm để giữ ấm cơ thể, giảm ho và kháng khuẩn.
20230420_uong-gung-mat-ong-vao-luc-nao-1-1

Nước trà gừng, mật ong giữ ấm phòng ngừa bệnh cúm.

2. Bổ sung thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch khi bị cúm

  • Nhóm thực phẩm giàu vitamin C: Cam, chanh, bưởi, ổi, kiwi... giúp tăng sức đề kháng.
  • Nhóm thực phẩm giàu kẽm: Hải sản, hạt điều, đậu xanh... giúp tăng cường hệ miễn dịch.
  • Các loại nấm dược liệu: Nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo... có tác dụng bồi bổ chính khí.
  • Rau xanh và thực phẩm giàu chất xơ: Giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc.

Ngoài ra, khi bị cúm không nên ăn đồ lạnh, đồ ăn có tính hàn như kem, nước đá vì làm tăng tình trạng ứ trệ, khó thải độc. Thực phẩm nhiều dầu mỡ, chiên rán cũng không nên ăn do làm tăng nhiệt độc trong cơ thể, gây viêm nặng hơn.

Khi bị cúm không nên uống đồ uống có cồn và caffeine vì sẽ làm cơ thể mất nước, làm suy yếu hệ miễn dịch.

3. Một số phương pháp khác

Xông giải cảm: Dùng lá xông có tinh dầu giúp thông mũi, giải độc.

Nguyên liệu: Lá sả, lá bưởi, lá chanh, lá tía tô, lá bạc hà.

Cách làm: Đun sôi các nguyên liệu, trùm khăn xông trong 10 phút, giúp ra mồ hôi và giảm nghẹt mũi.

Xoa bóp bấm huyệt hỗ trợ điều trị bệnh cúm

  • Huyệt hợp cốc: Giảm đau đầu, nghẹt mũi.
  • Huyệt phong trì: Giúp giải biểu, giảm sốt.
  • Huyệt dũng tuyền: Tăng cường miễn dịch.

Cách thực hiện: Dùng ngón tay ấn nhẹ vào huyệt trong 1-2 phút, lặp lại 2-3 lần/ngày.

Tập luyện dưỡng sinh, thái cực quyền

Tập khí công, thái cực quyền: Giúp lưu thông khí huyết, nâng cao thể trạng.

Thể dục nhẹ nhàng: Đi bộ, tập yoga giúp điều hòa khí huyết, tăng sức đề kháng.

Phòng ngừa cảm cúm không chỉ dựa vào thuốc men, mà là sự kết hợp giữa các biện pháp khoa học và dân gian để nâng cao sức khỏe toàn diện cho bản thân và gia đình.

Mời bạn xem thêm:

Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm cần biếtCác giai đoạn phát triển của bệnh cúm cần biết

SKĐS - Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do virus cúm gây ra và lưu hành ở khắp nơi. Theo thống kê của WHO, thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm mỗi năm. Trong đó, khoảng nửa triệu ca tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm mùa.


ThS. BS. Lê Ngô Minh Như
Phòng khám Ngũ Quan (Tai Mũi Họng – Mắt), Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh – Cơ sở 3
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn