Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm cần biết

06-02-2025 14:20 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do virus cúm gây ra và lưu hành ở khắp nơi. Theo thống kê của WHO, thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm mỗi năm. Trong đó, khoảng nửa triệu ca tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm mùa.

Cúm mùa gia tăng ở nhiều nơi

Theo công bố của Viện Truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, từ ngày 2/9/2024 – 26/1/2025 tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Các thành phố Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là các khu vực có đông dân cư và nhiều điểm du lịch, tập trung đông người là các địa bàn bị ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát dịch cúm mùa hiện tại. Đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản hiện nay chủ yếu do cúm A gây ra, nhưng vẫn còn nguy cơ bùng phát dịch do cúm B.

Theo WHO, kết quả giám sát cúm trên thế giới, bệnh cúm mùa gia tăng ở nhiều quốc gia châu Âu (xuất hiện tất cả các phân nhóm của virus cúm), Bắc Mỹ (chủ yếu là cúm A),…

Tại Việt Nam, theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca cúm đã tăng đột biến từ 200 ca/tuần vào giữa tháng 12/2024 lên tới hơn 1.200 ca trong dịp Tết - gấp 6 lần. Đáng chú ý, bệnh nhân nội trú cũng tăng gấp đôi.

Tại các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương và Lão khoa Trung ương cũng ghi nhận lượng bệnh nhân lớn với các triệu chứng như sốt cao kéo dài, ho, khó thở và suy nhược. Trong đó, người cao tuổi với các bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, phổi mạn tính thường có diễn biến nặng hơn.

Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm cần biết- Ảnh 1.

Bệnh cúm có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Các chủng virus cúm

Bệnh cúm có thể tự khỏi nhưng cũng có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa hoặc người có suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai… Bệnh cúm có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Hiện có 04 chủng virus cúm được ký hiệu là A, B, C, D. Trong đó chủng cúm A và B thường gặp ở người, cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng, trong khi đó cúm D ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh ở người. Cúm A là dạng cúm mùa phổ biến nhất, chiếm khoảng 75% số ca nhiễm cúm ở người. Virus cúm A được phân loại thành nhiều phân tuýp dựa theo sự kết hợp giữa kháng nguyên ngưng kết hồng cầu Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N) là các protein chính trên bề mặt của virus. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, cúm A có thể bùng phát thành những đợt dịch lớn nhỏ khác nhau. Các đại dịch cúm toàn cầu được ghi nhận trong lịch sử thế giới cũng do các chủng của vi rút cúm A gây nên như dịch cúm A (H5N1), dịch cúm A (H3N2), đại dịch cúm A (H1N1).

Nhận biết cúm qua các giai đoạn phát triển của bệnh

Thông thường, các triệu chứng bị cúm có thể xuất hiện và khỏi sau khoảng 01 tuần. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp bệnh cúm kéo dài gây ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như sức khỏe của người bệnh. Một đợt cúm thường xảy ra theo 03 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn khởi phát (ngày thứ 1 – 3): Các triệu chứng cúm đột ngột xuất hiện bao gồm: sốt, nhức đầu, đau và mỏi cơ, ho khan, đau họng, nghẹt mũi.
  • Giai đoạn toàn phát (ngày thứ 4 trở đi): Triệu chứng sốt và đau nhức cơ giảm. Người bệnh bị khàn tiếng, có cảm giác khô hoặc đau họng, ho và cảm thấy tức ngực. Ngoài ra, một số người cũng có thể thấy cơ thể mệt mỏi hoặc đầy hơi.
  • Giai đoạn hồi phục (ngày thứ 8 trở đi): Các triệu chứng giảm dần, cơn ho và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài 1 – 2 tuần tiếp theo.

Các dấu hiệu cúm thường gặp bao gồm:

  • Người mắc bệnh cúm sẽ có biểu hiện sốt vừa đến cao (trên 38 độC).
  • Có cảm giác ớn lạnh.
  • Có biểu hiện đau đầu, chóng mặt.
  • Có biểu hiện đau nhức cơ bắp.
  • Mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực.
  • Buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn).

Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm virus rất cao trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lớn bùng phát thành đại dịch. Thông thường, virus cúm lây truyền nhanh chóng từ người sang người. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, bệnh dễ gặp nhất ở những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng yếu như: Trẻ em, phụ nữ mang thai, người già,…

Lời khuyên thầy thuốc

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tiêm vaccin cúm mùa phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Ghi nhận gần 290.000 ca mắc cúm mùa trong năm qua, Bộ Y tế nêu các khuyến cáo phòng chống cúmGhi nhận gần 290.000 ca mắc cúm mùa trong năm qua, Bộ Y tế nêu các khuyến cáo phòng chống cúm

SKĐS - Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế trong năm 2024 ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong; số mắc giảm 17,9% so với năm 2023 (353.108 ca), số tử vong tăng 5 trường hợp. Chuyên gia khuyến cáo, những người có bệnh nền, cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm.

BS. Trần Quang Đại
Ý kiến của bạn
Tags: