Các thuốc điều trị bệnh cúm

BS. Nguyễn Huy Hoàng

BS. Nguyễn Huy Hoàng

Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc Phòng

15-03-2024 13:18 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho... Vậy dùng thuốc trong điều trị bệnh cúm như thế nào?

Bài viết này được tham vấn bởi Hội đồng thẩm định   

Cúm: Biểu hiện, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnhCúm: Biểu hiện, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus). Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do virus cúm lây nhiễm ở mũi, họng và phổi.

1. Các thuốc điều trị bệnh cúm

Bệnh cúm thường gây ra các triệu chứng hô hấp và toàn thân như ngạt mũi, hắt hơi, ho khan, sốt, đau nhức cơ khớp… Do nguyên nhân virus nên các thuốc trị cúm thông thường chủ yếu giải quyết triệu chứng, đợi cơ thể tự hồi phục. Trong thực tế các thuốc trị cúm được bán dưới dạng OTC và thường chứa nhiều thành phần, trong đó:

Hai thành phần thường xuyên được sử dụng là:

  • Paracetamol: Tác dụng hạ sốt, giảm đau.
  • Phenylephrine: Tác dụng co mạch, giảm sung huyết mũi và đường thở.

Hai thành phần có thể được sử dụng hoặc không:

  • Thuốc kháng histamin: Giảm hắt hơi, giảm ho, giảm phù nề đường hô hấp trên. Thường dùng chlorpheniramine, tuy nhiên loại này gây buồn ngủ nên một số dạng bào chế thay bằng loratadin… ít gây ngủ hơn.
  • Thuốc giảm ho, long đờm: Thường dùng dextromethorphan (giảm ho) và/hoặc guaiphenesin (long đờm).

1.1. Thuốc hạ sốt, giảm đau

Mệt mỏi, đau đầu, sốt và đau mỏi người... là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh cúm. Khi các triệu chứng này trở nên khó chịu, sốt cao trên 38,5 độ C thì người bệnh nên dùng thuốc giảm đau, hạ sốt. Các thuốc thông dụng là paracetamol, ibuprofen... nói chung đều an toàn để giảm đau, hạ sốt và hiệu quả cho những cơn đau nhức từ nhẹ đến trung bình.

Tuy nhiên, trước khi dùng, cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và chú ý đến liều lượng trên nhãn thuốc. Do paracetamol xuất hiện khá nhiều trong các sản phẩm thuốc điều trị cúm, nên nguy cơ sử dụng cùng lúc vài loại thuốc có chứa paracetamol là rất cao. Việc dùng paracetamol nhiều hơn lượng được khuyến cáo có thể dẫn đến những vấn đề ảnh hưởng cho gan, làm tăng men gan.

Đối với ibuprofen, nếu lạm dụng có thể tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày. Thuốc nên được uống sau ăn để giảm tối đa ảnh hưởng của thuốc lên dạ dày. Cần đọc kỹ thành phần của thuốc để đảm bảo không dùng các thuốc có cùng thành phần hoạt tính. Đối với người đã có tiền sử xuất huyết đường tiêu hóa thì không nên dùng ibuprofen.

Các thuốc điều trị bệnh cúm- Ảnh 2.

Bệnh cúm là tình trạng thường gặp ở mọi lứa tuổi.

1.2. Các thuốc chống nghẹt mũi

Để giúp giảm nghẹt mũi do cúm, có thể sử dụng một số loại thuốc có tác dụng co mạch, giúp thông mũi và giảm lượng chất nhầy có trong mũi và nhờ đó bạn dễ thở hơn. Chẳng hạn như nước muối sinh lý, thuốc chống dị ứng hoặc thuốc điều trị nghẹt mũi.

- Nước muối sinh lý giúp vệ sinh mũi và làm giảm sự ngạt mũi. Biện pháp này đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ bởi vì nó giúp làm sạch chất nhầy trong mũi mà không có tác dụng phụ. Trước khi sử dụng các thuốc khác, nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh sạch mũi.

Nhỏ vài giọt vào hốc mũi (hoặc xịt dạng phun sương), sau đó cúi xuống và xì sạch dịch mũi. Thực hiện như vậy vài lần vào các buổi sáng, chiều, tối có tác dụng làm sạch mũi, làm loãng dịch tiết trong mũi và chống khô mũi. Các dịch tiết và bụi bẩn sẽ được tống ra khỏi mũi thông qua việc xì mũi, hắt hơi hoặc hút rửa mũi.

Tuy nhiên, nên lưu ý vấn đề giữ vệ sinh các chai, lọ xịt nhỏ mũi, nhất là phần tiếp xúc với mũi để tránh nhiễm khuẩn ngược dòng vào chai lọ, khi đó, lần dùng tiếp theo vô tình đưa vi khuẩn này vào mũi khiến bệnh dai dẳng, kéo dài. Tốt nhất không nên dùng chung lọ xịt, nhỏ mũi.

- Phenylephrine: Khi bị cúm hay dị ứng, mạch máu ở mũi bị giãn ra (sung huyết, phù nề) làm tắc nghẽn đường dẫn khí (nghẹt mũi, khó thở), phenylephrin làm giảm ngay các triệu chứng này giúp người bệnh dễ chịu. Những chỉ định này phổ biến, thường do người bệnh tự ý mua các thuốc cảm về dùng nên hay bị lạm dụng, quá liều.

Trong thuốc trị cúm OTC (dạng viên, sirô) phenylephrin thường phối hợp với thuốc ho (dextromethorphan); hạ sốt, giảm đau, kháng viêm không steroid (acetaminophen, aspirin, ibuprofen), long đờm (guaiphenesin), kháng histamin (phenothiazin), chống ngạt mũi (phenylpropanolamine). Tuy nhiên phenylephrin có thể bị tăng huyết áp, chóng mặt, buồn nôn, tê, ngứa ran, có cảm giác lạnh ở bàn tay, bàn chân, hành vi bất thường, căng thẳng, bồn chồn, khó ngủ, tim đập nhanh, không đều.

- Thuốc co mạch tại chỗ: Thuốc co mạnh tại chỗ điều trị nghẹt mũi thường được dùng là naphazolin, xylometazolin, oxymetazolin... Khi nhỏ vào niêm mạc mũi, thuốc có tác dụng làm co mạch tại chỗ, do đó giảm lưu lượng máu qua mũi, giúp giảm sưng và sung huyết làm cho mũi hết ngạt và dễ thở tạm thời. Thuốc co mạch nhóm này thường dùng đơn độc ở dạng nhỏ mũi hoặc phun sương, ít khi phối hợp với các thành phần khác (nếu có thường là corticoid). 

Thuốc dùng tại chỗ có tác dụng nhanh, duy trì trong nhiều giờ. Điểm hạn chế là không dùng kéo dài và không được dùng nhiều lần trong ngày (mỗi ngày chỉ nên nhỏ từ 2-3 lần và trong vòng 7 ngày) vì có thể gây phản tác dụng làm mũi bị nghẹt nhiều hơn. Thuốc cũng không nên dùng cho người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, mạch nhanh, người bị viêm mũi mạn tính.

1.3. Thuốc kháng histamin

Thuốc chống dị ứng như chlorpheniramin, promethazin, loratadine... là các kháng histamin H1 điển hình giúp giảm dịch tiết sẽ giảm chảy nước mũi và hắt hơi - triệu chứng thường xảy ra khi bị cúm.

Tuy nhiên, những loại thuốc này thường gây tác dụng phụ phổ biến là buồn ngủ (như chlorpheniramin, promethazin). Vì vậy, khi dùng thuốc, người bệnh cần tránh làm việc đòi hỏi sự tập trung, tỉnh táo như lái xe, làm việc trên cao... và không uống rượu khi đang dùng thuốc.

1.4. Thuốc điều trị ho

Ho là một trong những triệu chứng của cúm. Những thuốc trị ho không kê đơn có thể làm dịu đi những cơn ho, giúp người bệnh dễ chịu hơn.

Trước hết, người bệnh nên áp dụng những biện pháp không dùng thuốc để giảm ho tại nhà. Khi họng ngứa và rát, có thể nhỏ từng giọt dung dịch mật ong và chanh cũng rất có hiệu nghiệm, nhưng cũng không nên lạm dụng dùng quá nhiều. Phương pháp này không dùng cho trẻ dưới 3 tuổi vì có nguy cơ sặc gây nghẹt thở.

Nếu triệu chứng không cải thiện, ho nhiều gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hoặc gây mất ngủ thì người bệnh có thể dùng thuốc ho không kê đơn như dextromethorphan hoặc guaifenesin. Trường hợp nặng, ho có thể kéo dài trong nhiều tuần, gây khó thở hay bị sốt 5 ngày, bạn cần đến gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân gây ho và có hướng điều trị thích hợp.

Các thuốc điều trị bệnh cúm- Ảnh 3.

Thuốc trị ho không kê đơn có thể làm dịu đi những cơn ho, giúp người bệnh cúm dễ chịu hơn.

2. Những lưu ý khi dùng thuốc

Khi bị cúm người bệnh có thể tự dùng thuốc điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Khi sử dụng thuốc cần lưu ý:

- Không sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cảm cúm, bởi kháng sinh chỉ giúp tiêu diệt vi khuẩn chứ không có hiệu quả trong điều trị các bệnh do virus gây ra, trong đó có cúm. Vì thế, không sử dụng kháng sinh bừa bãi, cần dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

- Không sử dụng bất kỳ loại thuốc cảm đa triệu chứng nào để an thần hoặc làm gây buồn ngủ.

- Nếu dùng nhiều loại thuốc cùng lúc, cần lưu ý các thành phần có trong các loại thuốc này. Đặc biệt, paracetamol có trong nhiều loại thuốc ho và cảm lạnh, cũng như trong một số loại thuốc giảm đau theo toa. Mặc dù an toàn ở liều lượng thấp, nhưng có thể gây độc cho gan ở liều lượng cao (trên 4 gam mỗi ngày), vì vậy cần kiểm tra nhãn thông tin thuốc trước khi sử dụng.

- Đừng cho rằng thuốc không cần kê đơn là an toàn, hãy đọc kỹ nhãn thông tin thuốc trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào đồng thời tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ khi có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào xảy ra.

- Đối với thuốc dạng lỏng, sử dụng thiết bị đo lường đi kèm để đong liều lượng thuốc chính xác và không được uống quá liều lượng khuyến cáo.

- Nếu bị đau họng dữ dội, hoặc nếu kèm theo sốt cao, nhức đầu, phát ban, buồn nôn hoặc nôn mửa, hãy liên hệ ngay với các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


BS. Nguyễn Huy Hoàng
Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc Phòng
Ý kiến của bạn