1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh cúm
Người mắc bệnh cúm thường có các triệu chứng đột ngột sốt hoặc sốt cao, ngạt mũi, chảy nước mũi, nước mắt, hắt hơi, ho nhiều, đau họng,... Phần lớn người bệnh có kèm theo nhức đầu, đau mình, mệt mỏi, chán ăn và có cảm giác như kiệt sức.
Triệu chứng sốt thường kéo dài 2 - 5 ngày rồi giảm dần. Các triệu chứng khác cũng giảm dần trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên các triệu chứng mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, ăn không ngon miệng có thể kéo dài hơn.
Sau mắc cúm, một số người bị giảm đề kháng giảm nên dễ mắc các biến chứng do bội nhiễm thêm vi khuẩn như viêm phế quản phổi, viêm mũi xoang. Đặc biệt đối trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ mang thai, những người mắc bệnh mạn tính như tim mạch, hen phế quản, giãn phế quản... dễ bị biến chứng nặng hơn.
Các biện pháp điều trị cúm hiện nay chỉ mang tính hỗ trợ là chủ yếu. Mục tiêu chính là làm giảm các triệu chứng. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp chăm sóc người bệnh cúm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, giúp ngăn ngừa biến chứng và nhanh hồi phục sức khỏe.
Trong giai đoạn này, người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, cần cung cấp đủ lượng nước và dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể có điều kiện tốt nhất để phục hồi.
Để giảm bớt các triệu chứng như ho, sốt, nghẹt mũi... khi bị cúm, người bệnh cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc,... Cần lưu ý cung cấp đủ nước cho cơ thể bằng các loại nước lọc, nước trái cây, nước canh ấm.
2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh cúm
Sức đề kháng chính là hàng rào bảo vệ hệ miễn dịch tự nhiên của con người. Khi bị cúm, sức đề kháng suy giảm nên rất dễ gặp các biến chứng. Do đó, chế độ dinh dưỡng của người bệnh cúm cần lưu ý bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng có tác dụng kháng viêm, tăng cường miễn dịch, tăng đề kháng.
2.1 Các loại rau củ quả giàu vitamin C tốt cho người bệnh cúm
Vitamin C là một loại vitamin chống oxy hóa, hỗ trợ sức khỏe miễn dịch ở mọi người ở mọi lứa tuổi. Vitamin C từ lâu đã được coi là biện pháp lý tưởng để tăng cường sức đề kháng, chống lại cảm lạnh, cảm cúm thông thường bởi dưỡng chất này giúp làm tăng khả năng sản sinh của bạch cầu trong máu.
Rau củ quả là thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất vitamin A, C, magie và kẽm giúp bổ sung dinh dưỡng, kháng viêm và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, chất chống oxy hóa và polyphenol được tìm thấy trong một số loại trái cây và rau cũng là những chất kháng viêm mạnh mẽ, tăng cường khả năng miễn dịch, giảm viêm và tăng cường sức khỏe trao đổi chất. Ăn nhiều trái cây và rau mỗi ngày sẽ cung cấp cho chúng ta đủ vitamin C để hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
Trong chế độ ăn của người bệnh cảm cúm nên tăng cường các loại rau củ như ớt chuông, bông cải xanh, đậu Hà Lan, nhất là các loại rau củ quả có màu đậm như các loại rau lá xanh: rau ngót, cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh...; các loại trái cây giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C như: kiwi, ổi, cam, nho, dâu tây, đu đủ, táo, lê, chuối, bưởi… Nhu cầu thông thường của cơ thể là 100mg mỗi ngày, tương đương với việc nạp vào 300g rau và 200g trái cây tươi.
2.2 Người bệnh cúm nên nhận đủ vitamin D qua thực phẩm và ánh nắng
Vitamin D là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người thiếu vitamin này có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, bao gồm cảm cúm, cảm lạnh và bệnh về đường hô hấp trên. Cách nhận đủ vitamin D đơn giản nhất là tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mỗi ngày. Tuy nhiên, khi bị ốm, chúng ta thường có xu hướng nghỉ ngơi trong nhà nhiều hơn, do đó, lựa chọn những thực phẩm giàu vitamin D trong chế độ ăn cũng là một lựa chọn hợp lý.
Loại vitamin hòa tan trong chất béo này có tác dụng chống viêm bằng cách ngăn chặn hoạt động quá mức của hệ thống miễn dịch. Chỉ có một số nguồn thực phẩm cung cấp vitamin D, trong đó tốt nhất là cá nhiều dầu như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, cá trích, dầu gan cá, nước cam, trứng và nấm. Thường xuyên chọn các loại thực phẩm này là một cách tốt để bổ sung lượng vitamin D.
2.3 Kẽm tăng đề kháng cần thiết cho người bệnh cúm
Kẽm là một vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với cơ thể, nó được sử dụng vào quá trình sản xuất tế bào và các chức năng miễn dịch. Kẽm được coi là một trong những khoáng chất quan trọng giúp tăng đề kháng. Các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm có tác dụng chống khuẩn, kháng viêm, giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch.
Do đó, kẽm là một khoáng chất thiết yếu có đặc tính chống viêm có lợi cho những người bị mắc cúm. Nên bổ sung một số loại thực phẩm giàu kẽm như thịt bò, thịt cừu, ức gà, hải sản như: cua, tôm, hàu, phô mai, lòng đỏ trứng, đậu nành, đậu xanh, yến mạch, hạt điều, bí ngô, đậu lăng, socola đen,...
2.4 Các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa khác
Ngoài ra, một chế độ ăn uống tăng cường miễn dịch cần bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa khác nhau như:
- Selen có nhiều trong hải sản, trứng và sữa.
- Chất sắt có trong thịt nạc, cá, gan, huyết, rau xanh đậm, các loại đậu và các loại hạt.
- Protein trong đậu, các loại hạt và thịt gia cầm.
- Men vi sinh có trong thực phẩm lên men như kefir, sữa chua và kim chi là những lợi khuẩn góp phần quan trọng trong tăng cường miễn dịch.
2.5 Thực phẩm nên tránh khi bị bệnh cúm
- Thực phẩm cay nằm trong số những thực phẩm hàng đầu không nên ăn trong khi đang bị bệnh cúm vì nó gây kích thích dạ dày, khiến người bệnh mệt mỏi hơn.
- Người bệnh cảm cúm không nên ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ gây đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn.
- Sữa sẽ làm gia tăng sự sản sinh dịch nhầy trong phổi. Nên tránh uống sữa và ăn nhiều các thực phẩm từ sữa như phô mai khi đang bị nhiễm cúm để tránh tắc nghẽn ngực và nghẹt mũi, gây khó thở.
- Hạn chế ăn thịt đỏ vì khi bị cúm, hệ tiêu hóa của bạn có thể khó hoạt động bình thường. Thịt đỏ khiến cơ thể phải nỗ lực để tiêu hóa chúng.
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường.
- Không uống rượu, bia và các chất kích thích như caffeine, đồ uống có gas… là loại đồ uống lợi tiểu mạnh. Việc sử dụng những loại đồ uống này khi đang bị bệnh sẽ có thể khiến cơ thể dễ bị mất nước hơn.
3. Gợi ý những món ăn cho người bệnh cúm
Chế độ ăn hợp lý, đủ chất sẽ giúp tăng cường đề kháng và giảm nguy cơ mắc cảm cúm. Chỉ khi được bổ sung dinh dưỡng đủ lượng và chất thì đường ruột mới khỏe mạnh, cơ thể mới đủ sức chống chọi với virus cúm, giúp tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc biến chứng.
Do mệt mỏi nhiều khi bị cảm cúm nên người bệnh thường không muốn ăn. Kèm theo đau họng nên cũng khó nhai nuốt. Vì vậy, người chăm sóc cần chú ý chế biến các món ăn lỏng, dễ tiêu, hợp khẩu vị của người bệnh.
Một số món ăn người bệnh cảm cúm nên dùng là: cháo gà, súp gà, cháo thịt băm, cháo trứng, cháo hành, tía tô… Những món ăn này dễ nuốt, dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, lại có tác dụng giải cảm, rất tốt khi bị cảm cúm.
Người bệnh cảm cúm nên uống nhiều nước để làm dịu họng, giảm ho và để phòng ngừa mất nước nếu có sốt cao. Khi bị cúm, việc uống đủ nước là rất quan trọng giúp cơ thể nhanh hồi phục. Đối với người lớn, nên uống tối thiểu 1,8 lít chất lỏng mỗi ngày. Nên uống nước lọc, nước canh, nước quả tươi, nước chanh ấm pha mật ong, trà thảo mộc,...
Một số gia vị như hành, tỏi, gừng, nghệ… có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, rất tốt cho người mắc bệnh cảm cúm. Có thể thêm vào các món ăn hoặc chế thành đồ uống như trà gừng, trà nghệ, nước ép tỏi mật ong,...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Chớ coi thường bệnh cúm mùa, tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe sau Tết.