Mẹ bầu tắm nắng có lợi cho trẻ mắc bệnh đa xơ cứng

21-02-2025 08:30 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Một nghiên cứu mới cho thấy, trẻ em mắc bệnh đa xơ cứng sẽ khỏe mạnh hơn nếu được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời an toàn ngay từ sơ sinh. Nếu mẹ của chúng được tắm nắng khi mang thai thì càng có lợi.

1. Tắm nắng từ trong bụng mẹ tốt cho trẻ mắc bệnh đa xơ cứng

Bệnh đa xơ cứng (MS) hay còn gọi là bệnh đa xơ cứng rải rác, là một bệnh tự miễn gây ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh ở não bộ và tủy sống.

Người bị bệnh đa xơ cứng có thể có các triệu chứng: Mệt mỏi, tê, ngứa ran, đi lại khó khăn, mất cảm giác, mờ mắt, chuột rút, yếu cơ ở một cánh tay hoặc chân, vụng về, mất thăng bằng, co cứng, mất kiểm soát bàng quang và ruột, nói lắp, trầm cảm, rối loạn chức năng tình dục…

MS thường gây viêm, nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ phá hủy màng bọc myelin của dây thần kinh làm chậm hoặc tắc đường truyền xung điện thần kinh và có thể gây tàn phế vĩnh viễn. Tuy nhiên cũng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Mẹ bầu tắm nắng có lợi cho trẻ mắc bệnh đa xơ cứng- Ảnh 1.

Chuột rút, yếu cơ... là những biểu hiện của bệnh đa xơ cứng.

Theo Tiến sĩ Gina Chang, bác sĩ nội trú Khoa Thần kinh tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: Trong các nghiên cứu trước đây, việc tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng mặt trời đã được chứng minh là có liên quan đến nguy cơ mắc MS thấp hơn ở trẻ em. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, việc tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng mặt trời an toàn trong giai đoạn đầu phát triển cũng có thể có lợi trong việc giúp làm giảm hoạt động của bệnh ở trẻ em sau này được chẩn đoán mắc MS.

Nghiên cứu bao gồm 334 trẻ em và thanh thiếu niên, độ tuổi từ 4 đến 21, tất cả đều mắc bệnh MS thời thơ ấu trong vòng bốn năm sau khi tham gia nghiên cứu.

Các triệu chứng của họ được theo dõi trong thời gian trung bình là 3,3 năm, nghĩa là một nửa được theo dõi lâu hơn. Nhìn chung, 62% trẻ em đã trải qua một số dạng tái phát MS, được định nghĩa là "các triệu chứng mới hoặc tái phát kéo dài ít nhất 24 giờ và cách nhau ít nhất 30 ngày kể từ lần MS cuối cùng bị tấn công, không bị sốt hoặc nhiễm trùng".

Cha mẹ hoặc người giám hộ của những người tham gia cũng điền vào bảng câu hỏi về lượng ánh sáng mặt trời mà trẻ và mẹ tiếp xúc trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, loại quần áo họ thường mặc và cách họ sử dụng kem chống nắng.

Sau khi điều chỉnh nhiều yếu tố, bao gồm việc sử dụng kem chống nắng, mũ và quần áo, dữ liệu cho thấy trẻ em được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mùa hè 30 phút trở lên mỗi ngày khi còn nhỏ có nguy cơ tái phát MS thấp hơn 33%.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, cùng một lượng ánh sáng mặt trời mà các bà mẹ tiếp xúc trong ba tháng giữa của thai kỳ có liên quan đến việc giảm 32% nguy cơ tái phát MS ở con của họ.

Tiến sĩ Gina Chang cho biết: "Những phát hiện của chúng tôi cho thấy, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi còn nhỏ có thể mang lại lợi ích lâu dài cho quá trình tiến triển của bệnh MS ở trẻ em. Các nghiên cứu trong tương lai nên xem xét cách thức thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào các thời điểm khác trước và sau khi chẩn đoán MS ảnh hưởng đến quá trình bệnh như thế nào để hướng dẫn tốt hơn các khuyến nghị về việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cho trẻ em mắc MS và giúp thiết kế các thử nghiệm lâm sàng tiềm năng".

Mẹ bầu tắm nắng có lợi cho trẻ mắc bệnh đa xơ cứng- Ảnh 3.

Tắm nắng đúng cách khi sơ sinh giúp trẻ mắc bệnh đa xơ cứng khỏe mạnh hơn.

2. Lợi ích của việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi mang thai

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khi mang thai mang lại một số lợi ích quan trọng cho cả mẹ và thai nhi. Đối với người mẹ, ánh nắng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên cho cơ thể. Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ canxi và phốt pho, giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương ở người mẹ.

Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có thể giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và lo âu, đặc biệt là trong những tháng cuối thai kỳ. Nghiên cứu cũng cho thấy, những phụ nữ mang thai tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn trong 3 tháng đầu giúp giảm nguy cơ sinh non.

Đối với thai nhi, nguồn vitamin D từ ánh nắng mặt trời giúp thai nhi phát triển xương và răng, giảm nguy cơ còi xương ở trẻ sơ sinh. Ánh nắng mặt trời cũng có vai trò trong sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi.

Cách tắm nắng tốt nhất cho trẻ là để các bộ phận cơ thể trẻ tiếp xúc lần lượt, trực tiếp với ánh nắng, tuy nhiên cần tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào đầu và mắt. Thời điểm trẻ có thể tắm nắng là 1 tuần sau sinh và thời gian mỗi lần tắm nắng khoảng 15 phút, thực hiện 1 - 2 lần/ngày vào buổi sáng trước 8 giờ hoặc buổi chiều sau 16 giờ.

Ánh nắng mặt trời và mối liên hệ với sức khỏe con ngườiÁnh nắng mặt trời và mối liên hệ với sức khỏe con người

SKĐS - Sự sống trên trái đất không thể tồn tại nếu không có ánh sáng mặt trời. Nhiều người vẫn nghĩ rằng ánh nắng mùa hè có hại cho sức khỏe nhưng không hẳn như vậy bởi nếu biết tận dụng đúng thời điểm, đúng cách thì ánh nắng mặt trời rất có lợi cho sức khỏe.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Loãng xương ở người trẻ nên bổ sung canxi như nào?


Phương Vân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn