Biểu hiện bệnh đa xơ cứng bao gồm nhiều giai đoạn tê liệt thần kinh. Bệnh thường gây viêm lặp đi lặp lại phá hủy màng bọc myelin của dây thần kinh, để lại nhiều vùng mô sẹo dọc theo lớp phủ ngoài của các tế bào thần kinh, gây hậu quả làm chậm hoặc tắc đường truyền xung điện thần kinh. Bệnh thường diễn tiến trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng xen kẽ thời gian không có triệu chứng nhưng hay tái phát.
Bệnh đa xơ cứng là gì?
Neuron hay tế bào thần kinh là các đơn vị nhỏ nhất trong hệ thống thần kinh trung ương cho phép chúng ta suy nghĩ, nhìn, nghe, nói, cảm nhận và nhiều chức năng khác. Mỗi tế bào thần kinh được cấu tạo bởi thân tế bào, sợi nhánh và một sợi trục (phần mở rộng của các tế bào cơ thể). Hầu hết các sợi trục thần kinh ở khu trung ương có lớp vỏ myelin chứa chủ yếu là chất béo và protein, đóng vai trò như lớp vỏ ngăn cách. Myelin giúp gia tăng tốc độ các tín hiệu điện chuyển động dọc theo tế bào thần kinh.
Đa xơ cứng hay còn gọi xơ cứng rải rác là bệnh tự miễn có ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh ở não và tủy sống. Trong đa xơ cứng, myelin bị hư hỏng hoặc bị viêm, làm gián đoạn tín hiệu thần kinh, gây thiệt hại cho các sợi thần kinh cơ và các triệu chứng khác. Người bệnh có thể chỉ có triệu chứng nhẹ, rất ít triệu chứng hoặc nhiều triệu chứng với khuyết tật nặng.
Khi mô myelin bị tổn thương, các tế bào mất hẳn khả năng truyền tin, từ đó gây nên các chứng bệnh thần kinh điển hình như đa xơ cứng (Multiple Sclerosis - MS).
Triệu chứng thường gặp
Bệnh nhân bị đa xơ cứng thường có những biểu hiện sau: suy yếu ở một hoặc nhiều chi, liệt một hoặc nhiều chi, run rẩy ở một hoặc nhiều chi, co thắt cơ (hiện tượng co thắt này diễn ra gần như tự động, bệnh nhân không kiểm soát được ở các nhóm cơ), cử động khác thường, tê liệt, tê buốt, đau đớn, mất thị lực, mất khả năng phối hợp động tác và cân bằng tư thế, mất trí nhớ hoặc không có khả năng phán đoán, mệt mỏi. Độ nặng nhẹ của các triệu chứng tùy thuộc vào từng đợt tấn công. Bệnh nhân có thể bị sốt hoặc các cuộc tấn công trở nên nặng hơn khi tắm nước nóng, hay ra ngoài ánh nắng và bị căng thẳng thần kinh.
Trên thực tế, biểu hiện bệnh đa xơ cứng của mỗi bệnh nhân một khác cả về mức độ trầm trọng và diễn tiến của bệnh. Chẳng hạn, có những bệnh nhân chỉ có một vài lần xuất hiện bệnh và bị mất chức năng nhẹ. Trong khi nhiều bệnh nhân lại gặp phải tình trạng đa xơ cứng với hàng loạt lần bệnh trầm trọng tái phát, xen kẽ là những quãng thời gian hồi phục. Một số bệnh nhân khác gặp phải chứng bệnh được gọi là “diễn tiến” có thể là bệnh “chính yếu” hoặc có thể là “thứ yếu”. Ở thể đa xơ cứng chính yếu - diễn tiến thì tình trạng bệnh càng ngày càng tiến triển xấu đi, cơ hội hồi phục ít. Nhưng với thể đa xơ cứng thứ yếu - diễn tiến, bệnh biểu hiện với một loạt đợt tái phát và hồi phục nhưng vẫn tiến triển nặng dần theo thời gian.
Nguyên nhân gây bệnh
Đa xơ cứng là tình trạng viêm, mất myelin của thần kinh trung ương. Các nguyên nhân của bệnh không có giải thích rõ ràng. Một số nghiên cứu cho rằng do hệ thống miễn dịch nhận diện những tế bào thần kinh là đối tượng bên ngoài thay vì là một phần trong cơ thể, do đó, nó tấn công và phá hủy myelin. Vai trò của lớp myelin có thể được coi như một lớp bao bọc và giúp tăng tốc độ của các tín hiệu thần kinh điện. Khi myelin bị hỏng, những tín hiệu sẽ dẫn truyền chậm lại, thậm chí là bị chặn lại.
Phương pháp điều trị
Đến nay, vẫn chưa có phương thức điều trị bệnh đa xơ cứng. Sự điều trị được thực hiện với mục tiêu kiểm soát được các triệu chứng và duy trì được chức năng để mang đến chất lượng cuộc sống ở mức tối đa cho bệnh nhân. Đối với bệnh nhân mắc thể tái phát - thuyên giảm được sử dụng liệu pháp điều chỉnh miễn dịch bằng việc tiêm thuốc một lần hoặc vài lần mỗi tuần. Thuốc được sử dụng là dạng interferon hoặc thuốc glatiramer acetate.
Các loại thuốc steroid cũng được sử dụng để làm giảm mức độ trầm trọng của một đợt bệnh tấn công. Thuốc điều trị triệu chứng: baclofen, tizanidine, diazepam để làm giảm sự co thắt của cơ. Thuốc chống liệt rung có tác dụng cholinergic có thể giúp làm giảm những vấn đề về tiết niệu. Thuốc chống suy nhược có thể giúp người bệnh chống lại những triệu chứng về tâm lý hoặc hành vi. Thuốc amantadine có sử dụng để chống sự mệt mỏi. Những liệu pháp vật lý, tâm lý... phối hợp để cải thiện quan điểm của người bệnh, giảm tâm lý chán nản, nâng cao những kỹ năng đối phó.
Bệnh đa xơ cứng thường gây suy yếu ở một hoặc nhiều chi.
Phòng bệnh thế nào?
Tập thể dục. Nếu bạn bị bệnh mức độ từ nhẹ đến trung bình, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cải thiện sức khỏe, săn chắc cơ bắp, cân bằng và phối hợp. Bơi lội hoặc những môn thể thao dưới nước khác là lựa chọn tốt nếu bạn cảm thấy nóng. Các loại bài tập từ nhẹ đến vừa dành cho những người bị u đa xơ bao gồm đi bộ, kéo giãn cơ, thể dục nhịp điệu, xe đạp, yoga và thái cực quyền.
Chế độ ăn uống cân bằng. Kết quả của nghiên cứu nhỏ cho thấy chế độ ăn ít chất béo bão hòa nhưng giàu axit béo omega-3, trong dầu ôliu và dầu cá, có thể có lợi. Nhưng cần thiết phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu khác. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng vitamin D có lợi cho những người bị bệnh.
Giảm bớt căng thẳng. Stress có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các dấu hiệu và triệu chứng của bạn. Yoga, thái cực quyền, massage, thiền hoặc thở sâu sẽ có ích giảm stress.
Cần phải phòng tránh và điều trị tích cực các bệnh do virut gây ra như: sởi, zona, Herpes, quai bị, thủy đậu, các bệnh viêm gan virut A, B, C, viêm não do virut, cảm cúm... bằng cách: cách ly người bệnh, đeo khẩu trang khi chăm sóc bệnh nhân, thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đồ vật và trước khi ăn.