Hà Nội

Giả mạo Cục Cảnh sát giao thông nhắn tin yêu cầu 'phạt nguội'

28-04-2022 19:57 | Xã hội
google news

SKĐS - Ngày 28/4, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua ghi nhận hàng loạt phản ánh từ người dùng điện thoại về tin nhắn đề nghị chuyển tiền "phạt nguội" vì vi phạm giao thông giả mạo.

Cụ thể, nhiều người dân đã nhận nội dung tin nhắn "Bạn nhận được lời nhắn từ xxxxxxxxx vào lúc 09:28 06/04/2022 với nội dung: Đây là Cục CSGT bạn có một biên lai cần nộp phạt. Đây là thông báo cuối, gọi 102604 để nghe lại (Miễn phí). Chi tiết l/h 9090 (200đ/p)".

Nhiều người khi nhận được tin nhắn giả mạo nêu trên đã hoang mang, lo sợ nên làm theo hướng dẫn của đối tượng xấu và bị sập bẫy lừa đảo.

Theo đó, các đối tượng gửi tin nhắn yêu cầu người nghe máy chuyển tiền vào tài khoản định sẵn hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý "phạt nguội".

Đồng thời, kẻ lừa đảo còn yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền. Khi đã chuyển xong tiền, người dân gọi lại số điện thoại của các đối tượng thì đều không liên lạc được.

Cảnh báo gia tăng tin nhắn “phạt nguội” giả mạo Cục Cảnh sát giao thông - Ảnh 2.

Thời gian gần đây nhiều người hay nhận được tin nhắn giả mạo như thế này.

Trước thực trạng trên, Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo theo các quy định liên quan của pháp luật trong lĩnh vực giao thông, tất cả các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông được phát hiện qua hệ thống giám sát hoặc các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đều được lực lượng Cảnh sát giao thông gửi thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện, hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đề nghị tới đơn vị phát hiện vi phạm để xử lý trong đó có thông báo "phạt nguội".

Khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện mang đầy đủ giấy tờ cần thiết lên trụ sở công an làm việc.

Do đó, Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, chứng minh nhân dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ mail… cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào.

Khi nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, đề nghị người dân phản ánh ngay tới cơ quan công an để được trợ giúp.

Video có thể bạn quan tâm:

WHO cảnh báo các nước không nên xem nhẹ COVID-19.



PV
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn