Dù đã có nhiều cảnh báo về tình trạng này nhưng nhiều người vẫn bị "sa" bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Muôn kiểu lừa đảo qua không gian ảo
Đến giờ chị Trần Thị Tr. (Định Tân, Yên Định, Thanh Hóa) vẫn chưa hết xót của và tự trách bản thân vì sự dại dột của mình. Ngày 15/4 vừa qua, chị Tr. nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ thông báo số tài khoản ngân hàng của mình bị khóa, phải nhấn vào đường link web//htt:argribank.xyz để đăng ký lại.
Vẫn biết là có tình trạng giả danh ngân hàng để lừa đảo, nhưng không hiểu "ma xui, quỷ khiến" thế nào chị vẫn kích vào đường link đó. Sau khi nhập mật khẩu ngay lập tức chị Tr. nhận được tin nhắn ngân hàng trừ tiền trong tài khoản.
"7 triệu tiền lương vừa nhận được đã không cánh mà bay. Cày cuốc cả tháng, đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về, mệt cũng không dám nghỉ ngày nào vậy mà…, không ngờ chỉ một phút nông nổi của mình mà công sức cả tháng, cứ nghĩ đến là thấy day dứt. Tiếc của thì ít mà tự trách bán thân dại dột thì nhiều", chị Tr. cho biết.
Trước đó, vào đầu 3, chị Ngô Thúy H. (phường Nguyễn Trãi, TP Thanh Hóa) cũng đã bị lừa mất 30 triệu đồng. Mới tập tành buôn bán, sau khi lên mạng tìm hiểu chị Hằng quen biết với tài khoản facebook có tên Thảo Nguyễn chuyên order hàng Quảng Châu. Qua thời gian nói chuyện, tin tưởng nhau chị Hằng đã chuyển 30 triệu cho tài khoảng facebook này để nhập hàng. Tuy nhiên sau hơn 2 tuần không nhận được hàng, chị Hằng nhắn tin liên hệ thì người này trả lời Trung Quốc đang dịch bệnh đóng cửa biên không nhận được hàng, những lần liên hệ sau người này khóa máy, khóa facebook… Gần một tháng nay không liên lạc lại được với người này. Chị H. xác định đã bị lừa.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ án lừa đảo qua mạng xã hội, thậm chí có trường hợp mất cả tỷ đồng. Như trường hợp của Ng.H.H. (sinh năm 1967), trú tại phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) và Ng.T.L. (SN 1972), trú tại quận Long Biên (Hà Nội) mất hơn 2 tỷ đồng bằng hình thức chuyển tiền để xin việc, lấy hàng, làm ăn cho tài khoản Facebook, Zalo "Huệ Phạm".
Hay tại TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) trong quý I năm 2022, Công an TP Cao Bằng đã tiếp nhận trình báo của hai nạn nhân bị tội phạm lừa đảo số tiền hàng trăm triệu đồng. Với thủ đoạn tuyển cộng tác viên bán hàng, tội phạm đã lừa chị P.H.V. ở phường Ðề Thám nhiều lần chuyển tiền cho chúng, với tổng số tiền gần 466 triệu đồng. Còn anh L.D.M., đã bị tội phạm gửi cho đường link để nhận quà, sau khi kích vào đường link và thực hiện theo hướng dẫn, điền thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, anh đã bị tội phạm chiếm đoạt số tiền gần 359 triệu đồng có trong tài khoản.
Những trường hợp này chỉ là số ít trong số hàng trăm, hàng nghìn vụ lừa đảo trên không gian mạng xảy ra trong thời gian qua. Các đối tượng bằng nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi dẫn dụ, đưa người sử dụng lạc lối vào mê hồn trận để chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng mạo danh tin nhắn thương hiệu này để lừa đảo. Theo đó thời gian gần đây, liên tục xuất hiện hình thức lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu ngân hàng Agribank thông báo "tài khoản khách hàng đã bị khóa" hoặc đã "đăng nhập ở một thiết bị khác" và lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Ngân hàng này khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat…. Khi thấy các đường link lạ, tuyệt đối không bấm vào. Trường hợp đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin, khách hàng nên chủ động thực hiện các biện pháp khóa dịch vụ khẩn cấp.
Người dân cần cảnh giác
Trước thực trạng trên, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công An) đã đưa ra nhiều khuyến cáo để người dân tránh sa bẫy của các đối tượng lừa đảo. Người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi đến từ số máy lạ, các số máy có đầu số nước ngoài, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ việc qua điện thoại.
Lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an, viện kiểm sát, tòa án nếu cần làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại trụ sở cơ quan, tuyệt đối không làm việc qua mạng.
Người dân tuyệt đối không cung cấp hoặc đưa lên mạng xã hội thông tin, hình ảnh cá nhân. Không cung cấp mật khẩu, mã OTP của ngân hàng, ví điện tử cho người khác. Không click vào những đường link lạ, có chứa mã độc.
Luôn nâng cao cảnh giác và không làm theo hướng dẫn của các đối tượng để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cảnh giác khi cài các App "vay tiền" để tránh chịu lãi suất cao, bị đòi nợ theo kiểu tín dụng đen. Trình báo cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.
Chia sẻ với người thân, hàng xóm các phương thủ đoạn của tội phạm. Trình báo cơ quan công an, khi phát hiện hoặc nghi vấn có hành vi lừa đảo.
Một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến:
Giả danh nhân viên ngân hàng để mời chào, cung cấp các khoản vay ngân hàng online;
Giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… để gọi điện yêu cầu chuyển tiền; Giả danh cơ quan, tổ chức để thông báo trúng thưởng;
Giả danh Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn giao thông và bỏ trốn để khai thác thông tin cá nhân…
Giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử…để hỗ trợ giải quyết sự cố.
Giả danh người quen của lãnh đạo cấp cao có thể chạy án, xin việc để nhận tiền rồi viện lý do không thực hiện, không trả lại tiền, thậm chí bỏ trốn.
Làm quen trên mạng xã hội để gửi tặng quà và yêu cầu nộp phí.
Nâng cấp sim điện thoại để để lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát SIM điện thoại, từ đó đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử... của bị hại.
Hack tài khoản Facebook, Zalo để nhờ chuyển tiền.
Lừa đảo thông qua hình thức đầu tư sàn ngoại hối, tiền ảo.
Lừa đảo qua mạng bị xử phạt như thế nào?
Người thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."