Gửi tin nhắn truy nã giả mạo rồi gợi ý "phương án" giải quyết
Thông tin từ Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, thời gian gần đây nhiều người dân đã nhận được các tin nhắn lừa đảo thông tin bản thân liên quan đến vi phạm giao thông, đang có lệnh truy nã, dính líu đến đường dây buôn bán ma túy,..
Mới nhất là trường hợp anh Nguyễn Văn B. (SN 1977, ở thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế, Bắc Giang). Theo đó, anh B. đã nhận được tin nhắn qua điện thoại với nội dung thông báo anh bị truy nã vì có liên quan đến một vụ tai nạn giao thông tại TP Hà Nội rồi bỏ trốn. Trên thực tế, anh B. đang sở hữu một chiếc xe chuyên cung cấp hàng hóa cho các chợ đầu mối tại Hà Nội. Chiếc xe này đang được anh thuê một lái xe điều khiển.
Tin lời đối tượng, anh B. đã cung cấp thông tin cá nhân cùng số chứng minh nhân dân để "kiểm tra". Ngay sau đó, đối tượng cho biết vào cuối tháng 12/2021, chiếc xe thuộc sở hữu của anh đã gây tai nạn ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội rồi bỏ trốn.
Qua trao đổi, đối tượng yêu cầu anh B. khẩn trương đến cơ quan công an trình diện. Tuy nhiên, đối tượng này cũng không quên "gợi ý" phương án giải quyết "êm" bằng cách chuyển 100 triệu đồng để đền bù cho người bị hại. Lo sợ dính vào vòng lao lý, anh B đã ra ngân hàng rồi chuyển tiền vào số tài khoản đối tượng cung cấp. Sau khi giải quyết xong việc, chia sẻ câu chuyện với gia đình, anh B. mới vỡ lẽ mình bị lừa.
Mọi tin nhắn qua điện thoại về lệnh truy nã là giả mạo
Liên quan đến thực trạng các đối tượng gửi tin nhắn có nội dung "lệnh truy nã", Đại tá Trần Ngọc Cường - Trưởng phòng Truy nã, Truy tìm, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, theo Điều 231 - Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định về truy nã: Khi bị can trốn hoặc không biết rõ đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã.
Trong quyết định truy nã phải có các nội dung chính như: thời gian, địa điểm; cơ quan, họ tên, chức vụ người ra quyết định truy nã; Căn cứ truy nã; Thông tin lý do, nhận dạng, ảnh đối tượng bị truy nã; Tội danh bị khởi tố, truy tố;…
Thẩm quyền ra quyết định truy nã gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, An ninh điều tra Công an các cấp ra quyết định truy nã đối với bị can, bị cáo trong các vụ án đang điều tra hoặc theo yêu cầu của VKSND, TAND;…
Quyết định truy nã được in bằng văn bản, được gửi đến Công an địa phương nơi đăng ký thường trú, tạm trú và quê quán của người bị truy nã; Công an cấp tỉnh nơi đối tượng truy nã lẩn trốn hoặc tất cả Công an cấp tỉnh;…
Cơ quan Công an không gửi quyết định truy nã bằng tin nhắn điện thoại. Mọi tin nhắn qua điện thoại có nội dung "lệnh truy nã" là giả mạo. Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng