1. Đông y có chữa được tăng huyết áp hay không?
Đông y không chữa được tăng huyết áp và cũng không thể giúp người bệnh giảm lượng thuốc bệnh nhân phải sử dụng. Thuốc đông y chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị nhưng không thể thay thế thuốc tây y trong điều trị tăng huyết áp.
Hiện nay có thêm một phương pháp tây y giúp bệnh nhân kiểm soát huyết áp mục tiêu tốt hơn và có thể giảm bớt số lượng thuốc xuống được đó là triệt đốt hạch giao cảm thận.
Và thường khi bệnh nhân điều trị huyết áp và để huyết áp đạt mục tiêu cũng như tránh các biến chứng, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân không nên dùng song song thuốc đông y và tây y. Bởi đôi khi thuốc đông y và tây y khi kết hợp sẽ làm tăng tác dụng phụ của thuốc gây suy gan, suy thận thứ phát cho một số bệnh nhân vì mỗi một cơ thể có một đáp ứng khác nhau.
2. Cách sơ cứu khi gặp cơn tăng huyết áp
Khi gặp cơn tăng huyết áp đột ngột, nếu bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo thì sử dụng một số thuốc hạ áp như captopril hoặc nifedipine và ngay lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu kiểm tra thấy hơi thở của bệnh nhân yếu/không còn hoặc không thấy nhịp tim cần nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt. Nếu bệnh nhân hôn mê cần giữ cho đường thở của bệnh nhân thông thoáng, cho bệnh nhân nằm nghiêng về một bên và không để các chất dịch chèn ép đường thở.
3. Cách chăm sóc bệnh tăng huyết áp thể nhẹ tại nhà
Để kiểm soát tốt và phòng ngừa các biến chứng của bệnh, người tăng huyết áp cần lưu ý một số vấn đề sau trong quá trình sinh hoạt hàng ngày:
- Duy trì cân nặng hợp lý hoặc giảm cân nếu đang có tình trạng thừa cân, béo phì.
- Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh. Người tăng huyết áp nên áp dụng chế độ ăn uống DASH, ăn nhiều ngũ cốc, trái cây, thực phẩm ít béo và hạn chế các chất béo bão hòa. Bên cạnh đó hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc. Bởi rượu bia không chỉ có hại cho sức khỏe của người bệnh mà còn làm giảm tác dụng của thuốc điều trị.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao giúp cải thiện tình trạng tăng huyết áp và sức khỏe tim mạch. Người bệnh nên lựa chọn các môn thể thao như chạy bộ, đi bộ, bơi lội, đạp xe… Người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để tìm ra các bài tập vận động phù hợp với từng cá thể.
- Theo dõi huyết áp tại nhà thường xuyên. Trong trường hợp có bất thường, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ điều trị.
4. Bệnh tăng huyết áp có chữa khỏi không?
Tăng huyết áp là bệnh lý mạn tính, bệnh không thể chữa khỏi và người bệnh cần điều trị suốt đời. Nếu người bệnh tuân thủ điều trị, có thể sống với bệnh ổn định cả đời.
Trong trường hợp tăng huyết áp nguyên phát (có nguyên nhân) nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách bệnh có thể chữa khỏi.
5. Lưu ý với người béo phì, tiểu đường, mang bầu… khi mắc bệnh tăng huyết áp
- Đối với người béo phì, nguy cơ mắc tăng huyết áp cao gấp 2-6 lần so với người bình thường. Người béo phì mắc tăng huyết áp nếu không kiểm soát tốt huyết áp có thể dẫn tới đột quỵ. Bởi khi lượng mỡ (điển hình là mỡ bụng) có thể gây áp lực lên các động mạch, làm tăng huyết áp. Một khi huyết áp cao sẽ khiến áp lực bơm máu lên não đột ngột tăng vọt. Từ đó dễ gây chảy máu não (đột quỵ xuất huyết não).
Bên cạnh đó, huyết áp cao cũng thúc đẩy các cục máu đông (huyết khối) di chuyển lên động mạch não gây tắc nghẽn mạch máu não gây thiếu máu não cục bộ (đột quỵ thiếu máu não).
Vì vậy người béo phì cần có chế độ làm việc, ăn uống hợp lý và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên sẽ tránh dư thừa trọng lượng cơ thể. Đây cũng là biện pháp rất quan trọng để giảm nguy cơ gây tăng huyết áp, nhất là ở những người cao tuổi.
- Đái tháo đường và tăng huyết áp thường đi kèm với nhau. Người đồng mắc tăng huyết áp và đái tháo đường dễ có nguy cơ biến chứng đái tháo đường và tăng tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ. Do vậy người bệnh tăng huyết áp cần thăm khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh đái tháo đường nếu có. Nếu để tình trạng tăng huyết áp và đái tháo đường kéo dài không kiểm soát sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng người bệnh. Nếu đồng mắc cả 2 bệnh trên, người bệnh cần giữ huyết áp đạt và đường máu đạt mục tiêu, tuân thủ điều trị của bác sĩ, thay đổi chế độ sinh hoạt và tăng cường vận động.
- Đối với phụ nữ mang thai, tăng huyết áp được chia làm 2 nhóm:
Mạn tính: Là các trường hợp tăng huyết áp trước khi mang thai hoặc trước 20 tuần tuổi thai. Tăng huyết áp mạn tính xảy ra ở khoảng từ 1 đến 5% tất cả các trường hợp mang thai.
Thai nghén: Là trường hợp tăng huyết áp phát triển sau 20 tuần tuổi thai (thường là sau 37 tuần) và kéo dài đến tận 6 tuần sau sinh. Những trường hợp này xảy ra trong khoảng 5 đến 10% số trường hợp mang thai, thường gặp hơn ở những người mang đa thai.
Với phụ nữ mang thai, tăng huyết áp làm tăng nguy cơ tiền sản giật và sản giật cũng như làm tăng các nguy cơ gây tử vong hoặc các bệnh lý khác như suy thận, suy tim... Do vậy, phụ nữ mang thai cần thăm khám định kỳ để sớm phát hiện tăng huyết áp nếu có.
6. Chi phí khám chữa bệnh
Tỷ lệ tăng huyết áp ở Việt Nam ngày càng gia tăng và gây ra gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Hiện nay, có nhiều lựa chọn cho người bệnh khi muốn thăm, khám, chữa bệnh tăng huyết áp. Người bệnh có thể lựa chọn khám tại cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh hoặc Trung ương với các lựa chọn khám theo yêu cầu, khám dịch vụ, khám theo chế độ BHXH…
Gói khám tăng huyết áp sẽ giúp người bệnh xác định được các yếu tố như:
- Chẩn đoán tăng huyết áp (nếu có) và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
- Đánh giá các yếu tố nguy cơ và một số bệnh lý đồng mắc
- Lời khuyên về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt cho người bệnh
Người bệnh có thể đăng ký gói khám tổng quát tại các bệnh viện để phát hiện tăng huyết áp. Chi phí dao động cho gói khám tổng quát sẽ từ 1.000.000 -2.000.000 VNĐ tùy từng loại hình dịch vụ. Tùy vào trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có thêm các chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu…