Hà Nội

5 nguyên tắc cần thực hiện hàng ngày để phòng tăng huyết áp

25-02-2024 09:52 | Bệnh người cao tuổi

SKĐS - Tăng huyết áp thường gây tai biến nghiêm trọng như tử vong và hôn mê do tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người, suy tim, thiếu máu cơ tim, suy thận, phình bóc tách động mạch chủ...

Tăng huyết áp là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau nhưng lại có thể phòng ngừa được nhờ thay đổi lối sống, thực hiện các thói quen lành mạnh. Sau đây là 5 nguyên tắc để phòng ngừa căn bệnh này.

- Cần kiểm soát cân nặng

Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì do tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh. Nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ cao tuổi, sau mãn kinh. Những người béo phì, bụng to (với vòng thắt lưng >85cm ở nữ và >98cm ở nam) cũng có nhiều khả năng bị tăng huyết áp. Vì vậy cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý.

- Cần có chế độ ăn khoa học

Chúng ta cần tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít chất béo, giảm ăn các loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần. Nên ăn 3 bữa một ngày, ăn nhiều rau xanh và trái cây vì chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lứt, bắp ngô, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp.

Không dùng nhiều mỡ và chất ngọt, ăn các thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan như: đậu xanh quả, các loại đậu hạt, măng… Hàng ngày nên ăn khoảng 55-85g các chế phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua…Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như: hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân. Nên ăn nhiều cá, hải sản, giảm các loại thịt đỏ như: thịt heo, thịt bò, các loại sữa và trứng.

Rau xanh và trái cây tơi rất giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ - những chất rất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây tốt cho người bệnh tăng huyết áp.

- Cần giảm muối, tránh ăn mạnh hạn chế dùng thức ăn nhanh

Chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi: Càng ăn ít muối, huyết áp càng thấp. Nhu cầu muối ăn trung bình của một người khoảng 15g/ngày, trong đó có tới 10g sẵn có trong thực phẩm tự nhiên, vì vậy chỉ nên bổ sung thêm một thìa cà phê muối ăn/ngày là đủ.

Ngoài việc giảm lượng muối trong khi nấu nướng, nên hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm ở bàn ăn, không dùng các loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp vì các loại thức ăn này có lượng muối khá cao. Hạn chế dùng các loại nước ngọt có ga, các loại bia vì có hàm lượng natri còn cao hơn so với nhiều loại thực phẩm công nghiệp khác. Bột nở, bột nổi, các loại bột làm sủi bọt cũng thuộc nhóm muối gốc natri vì vậy không nên dùng nhiều.

- Thường xuyên tập thể dục

Tăng cường hoạt động thể lực rất tốt cho sức khỏe trong đó có sức khỏe tim mạnh. Tăng hoạt động thể lực làm giảm bớt béo phì, cần tập thể dục đều đặn ở mức vừa phải như đi bộ nhanh hoặc bơi lội trong vòng 30-45 phút, 3-4 lần/tuần.

5 nguyên tắc cần thực hiện hàng ngày để phòng tăng huyết áp- Ảnh 2.

Tăng cường hoạt động thể lực rất tốt cho sức khỏe trong đó có sức khỏe tim mạch.

- Cần bỏ những thói quen xấu

Nhiều thói quen xấu hàng ngày có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp trong đó có thể kể đến thói quen hút thuốc, uống rượu... Vì vậy cần ngưng hút thuốc là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh cao huyết áp và các bệnh tim mạch.

Bớt uống rượu cũng sẽ phòng được căn bệnh này, nếu dùng thường xuyên một lượng rượu nhỏ sẽ có tác dụng làm giảm các nguyên nhân gây tử vong nói chung và do tim mạch nói riêng, nhưng nếu uống nhiều dễ làm tăng huyết áp.

Ngoài ra, không thức khuya, làm việc quá căng thẳng, ngủ ít nhất 7 giờ/ngày và ngủ đúng giờ cũng là biện pháp hữu hiệu tránh được tăng huyết áp.

Bệnh tăng huyết áp còn được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" bởi chỉ có một số ít các người bệnh tăng huyết áp có một vài triệu chứng gợi ý khiến phải khám bệnh, như: đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ bừng, ù tai… còn đa số người bệnh thường không có dấu hiệu cảnh báo trước. Không ít người bệnh thấy có triệu chứng đau đầu xuất hiện thì ngay sau đó dẫn đến xuất huyết não nặng và tử vong.

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh cao huyết áp trong cộng đồng, như: Tuổi cao, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, khẩu phần ăn không hợp lý (ăn mặn, ăn nhiều chất béo), ít hoạt động thể lực, béo phì, căng thẳng trong cuộc sống, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp… Phần lớn những yếu tố nguy cơ này có thể kiểm soát được khi người dân có hiểu biết đúng và biết được cách phòng tránh.

BS. Nguyễn Quang Anh
Ý kiến của bạn