Nguyên nhân khiến tăng huyết áp gây đột quỵ
Theo nghiên cứu những người có tiền sử mắc bệnh tăng huyết áp nguy cơ xảy ra đột quỵ tăng gấp 3 hoặc 4 lần so với người bình thường; gần 60% nguyên nhân gây đột quỵ là do tăng huyết áp.
Đột quỵ có 2 dạng cơ bản: Nhồi máu não (chiếm 80%) và chảy máu não (chiếm 20%) với các mức độ khác nhau, từ rất nhẹ (tự hồi phục, không di chứng) đến rất nặng (đe dọa tính mạng hoặc tử vong ngay). Tuy xuất huyết não xuất hiện ít hơn nhồi máu não nhưng tỷ lệ tử vong cao hơn và các bệnh nhân còn sống sót sẽ bị di chứng sa sút trí tuệ cũng như di chứng liệt nửa người rất nặng nề.
Người tăng huyết áp sẽ dễ bị đột quỵ khi thời tiết lạnh. Vì khi nhiệt độ thấp, cơ thể muốn duy trì thân nhiệt ổn định, giảm bớt sự tỏa nhiệt, các mao mạch sẽ co lại khiến lực cản huyết quản điều tiết bên ngoài tăng lên. Đồng thời nhiệt độ thấp nên ra mồ hôi ít, khiến dung lượng máu cũng tăng. Tình trạng co mạch làm lượng máu trở về tim tăng, dẫn đến huyết áp tăng, từ đó dễ dẫn đến biến chứng đột quỵ.
Trên thực tế cho thấy tăng huyết áp làm tăng áp lực thường xuyên của dòng máu lên trên thành mạch, làm cho thành mạch bị dãn dần ra và xuất hiện những tổn thương. Những tổn thương này xuất hiện ngày càng tăng ở các mạch máu não, nếu áp lực dòng máu đột ngột tăng cao (gặp trong những cơn cao huyết áp ác tính) có thể làm cho mạch máu bị vỡ ra gây xuất huyết não.
Nếu bị những tổn thương nhỏ, hệ thống tiểu cầu và các sợi fibrin sẽ đến để vá lại vết thương và hình thành các cục máu đông, cộng thêm tình trạng rối loạn mỡ máu, thừa cholesterol thường gặp ở những người cao huyết áp sẽ làm cho thành mạch bị dày lên, lâu dần dẫn đến bít tắc các mạch máu.
Tình trạng vỡ hay bít tắc các mạch máu não đều làm ngừng trệ việc cung cấp máu, gây ra thiếu máu cục bộ tại não và xuất hiện những triệu chứng lâm sàng mà người ta gọi là đột quỵ.
Thông thường bệnh mạch máu não hình thành và phát triển một thời gian trước khi gây đột quỵ não. Bệnh có thể có triệu chứng báo trước, nhưng cũng có thể không có triệu chứng gì cho đến khi đột quỵ xảy ra.
Biểu hiện của tăng huyết áp và đột quỵ
Các biểu hiện của tăng huyết áp là người bệnh có cảm giác nhức đầu, đau nhức phía sau gáy hay trước trán, thường vào buổi sáng, đôi khi kéo dài cả ngày. Người bệnh xuất hiện cơn chóng mặt, cảm giác đi đứng không vững và hơi nặng đầu.
Ngoài ra, người tăng huyết áp có cảm giác nặng ở ngực, hơi khó thở, ù tai, mất ngủ, mắt mờ, miệng lệch, phát âm khó, yếu liệt tay chân vài giây đến vài phút, thậm chí có thể dẫn đến cơn tăng huyết áp ác tính, làm cho mạch máu bị vỡ ra gây xuất huyết não khiến người bệnh tử vong.
Cần làm gì để tăng huyết áp không dẫn đến đột quỵ?
Người bệnh tăng huyết áp thường lo lắng về đột quỵ, vậy cần làm gì để giảm nguy cơ đột quỵ là câu hỏi của nhiều người bệnh.
Trên thực tế, tăng huyết áp lâu ngày làm tăng xơ vữa động mạch, chính sự nứt ra của mảng xơ vữa dẫn đến hình thành cục máu đông, gây ra hẹp tắc lòng mạch. Có đến 87% số người bị đột quỵ là do mạch máu bị thu hẹp hoặc tắc trong não, dẫn đến giảm lượng máu đến các tế bào não, làm cho các tế bào não bị chết, đây là dạng đột quỵ nhồi máu. Có khoảng 13% trường hợp đột quỵ xảy ra khi một mạch máu bị vỡ trong hoặc gần não, đây là đột quỵ dạng xuất huyết. Chính tăng huyết áp làm cho tăng áp lực các động mạch ở não, làm phát triển vi phình mạch não, dẫn đến một mạch máu nào đó có thể bị vỡ, gây chảy máu trong não.
Để phòng ngừa đột quỵ ở người tăng huyết áp thì việc kiểm soát huyết áp là vô cùng quan trọng
Người bệnh huyết áp cần tuân thủ thuốc điều trị của các bác sĩ và theo dõi huyết áp hàng ngày. Người bệnh nên duy trì huyết áp dưới 120/80 mmHg. Trên mức 140/90 mmHg là tăng huyết áp. Mặt khác, người bệnh không tự ý bỏ thuốc hoặc giãn cách liều thuốc, kể cả trong trường hợp thấy cơ thể khỏe mạnh hoặc chỉ số huyết áp đã trở về bình thường.
Người tăng huyết áp không hút thuốc và tránh khói thuốc. Giảm cân nếu thừa cân, béo phì. Cần có một chế độ ăn uống lành mạnh, ít muối và chất béo. Tăng cường trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa ít béo, bao gồm thực phẩm giàu kali. Tăng cường vận động thể lực. Hạn chế rượu không quá 2 ly/ngày nếu bạn là nam giới và 1 ly/ngày với nữ giới
Giảm căng thẳng vì stress gây tăng huyết áp và có thể gây ra đột quỵ
Đối với người chưa mắc bệnh tăng huyết áp: Thực hiện đo huyết áp, khám bệnh định kỳ ít nhất hai lần mỗi năm.
Ngoài ra, những người bệnh tăng huyết áp cần được kiểm tra lipid máu định kỳ, bao gồm cholesterol, LDL-C, Triglycerid và HDL-C sau khi nhịn đói 10 - 12 giờ. Nên kiểm tra định kỳ lượng lipid máu 6 - 12 tháng/lần. Theo đó, việc điều trị bằng thuốc cần phải kết hợp với các biện pháp thay đổi lối sống mới có hiệu quả cao.