Hà Nội

Bài tập giúp người bệnh hắc lào nhanh khỏi

17-04-2024 09:29 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hắc lào là bệnh lý ngoài da gây nhiều bất tiện cho người bệnh trong sinh hoạt, lao động. Tuy nhiên, nếu kiên trì thực hiện một số bài tập tăng cường miễn dịch sẽ giúp tổn thương hắc lào nhanh hồi phục.

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh hắc lào

Tập luyện là một biện pháp hữu hiệu, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh hắc lào bao gồm:

  • Tăng cường hệ miễn dịch: Tập luyện thường xuyên có tác dụng cải thiện sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại nấm và các tác nhân gây bệnh khác.
  • Cải thiện lưu thông máu: Tập luyện giúp làm tăng tuần hoàn máu tại da, đẩy nhanh quá trình chữa lành và giảm ngứa.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hắc lào. Tập luyện giúp giảm căng thẳng, thư giãn cơ thể.
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Tập luyện giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Giấc ngủ ngon giúp cơ thể phục hồi và tăng cường hệ miễn dịch.
  • Bài tập giúp người bệnh hắc lào nhanh khỏi- Ảnh 1.

    Tập luyện tăng cường miễn dịch giúp người bệnh hắc lào nhanh khỏi.

    2. Những bài tập tốt cho người bệnh

    2.1. Dưỡng sinh

    - Thư giãn

    Tư thế: Nằm hoặc ngồi dựa thoải mái trên một ghế dựa.

    Cách thực hiện:

    • Bước 1: Ức chế ngũ quan bằng cách che mắt, tập ở nơi yên tĩnh. Nếu trời nóng, mặc quần áo mỏng hoặc để quạt nhẹ; trời lạnh, đắp mền mỏng; xa nơi đang nấu ăn…
    • Bước 2: Tự nhủ thầm cho các cơ mềm ra, giãn ra từ từ, chắc chắn, từng nhóm cơ một, từ trên xuống dưới, toàn thân cảm thấy nặng và ấm.
    • Bước 3: Tập trung ý chí theo dõi hơi thở ra vào qua mũi tới phổi, khoảng 10 hơi thở, có thể đi vào giấc ngủ ngắn 15 - 30 phút.

    Tập 2 lần/ngày. Tối thư giãn giúp dễ đi vào giấc ngủ.

    thư giãn

    Thư giãn 2 lần mỗi ngày giúp ngủ ngon hơn, tăng cường sức khỏe cho người bệnh hắc lào.

    - Thở bốn thời có kê mông và giơ chân

    + Tư thế: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông cao thấp tùy sức khoảng 5 - 8 cm, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực. Việc kê gối ở mông làm cho trọng lượng của các cơ quan đè vào cơ hoành, do đó khi hít vào cơ hoành sẽ phải gắng sức hơn vì có trở ngại; đó là cách luyện cơ hoành.

    + Cách thực hiện:

    • Thời 1: Hít vào đều, sâu, tối đa, ngực nở, bụng phình và căng cứng. Thời gian 4 - 6 giây (hít ngực bụng nở).
    • Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời giơ một chân dao động qua lại, cuối thời hai hạ chân xuống. Thời gian 4 - 6 giây (giữ hơi hít thêm). Giơ luân phiên từng chân cao khoảng 20 cm để luyện cơ bụng rắn chắc, đồng thời tăng tác dụng xoa bóp nội tạng ở thời giữ hơi.
    • Thời 3: Thở ra, tự nhiên thoải mái, không kìm, không thúc. Thời gian 4 - 6 giây (thở không kìm, thúc).
    • Thời 4: Nghỉ, thư giãn, chân tay nặng ấm. Chuẩn bị trở lại thời 1. Thời gian 4 - 6 giây (nghỉ nặng ấm thân).
    • Tập 2 - 3 lần/ngày, mỗi lần 20 hơi thở.

    - Ngồi hoa sen kết hợp tập thở

    + Tư thế xếp bằng kép: Hai bàn chân bắt chéo để lên đùi, lòng bàn chân ngửa lên. Nếu không ngồi được thì ngồi nửa hoa sen (xếp bằng đơn).

    + Cách thực hiện: Hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách liên tục hít thêm), đồng thời dao động thân qua lại, đưa người sang trái, sang phải 2 - 6 lần, thở ra (bằng mũi) triệt để và quay mặt nhìn bên trái.

    Giữ nguyên như vậy rồi hít vào tối đa, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách liên tục hít thêm), đồng thời đưa người sang trái, sang phải 2 - 6 lần, thở ra (bằng mũi) triệt để và quay mặt nhìn bên phải.

    Trở lại tư thế ban đầu, nghỉ. Tập 2 lần/ngày, mỗi lần 5 hơi thở.

    Bài tập giúp người bệnh hắc lào nhanh khỏi- Ảnh 3.

    Tư thế nửa hoa sen.

    2.2. Yoga

    - Tư thế con mèo - bò (Marjaryasana - Bitilasana)

    Cách thực hiện: Bắt đầu bằng tư thế bò, hai tay chống vuông góc với sàn, hai đầu gối chống vuông góc với hông. Hít vào, cong lưng lên, ngẩng đầu cao. Thở ra, hạ lưng xuống. Lặp lại động tác 10 - 15 lần.

    Tư thế gập người (Paschimottanasana)

    Cách thực hiện: Ngồi trên sàn với hai chân duỗi thẳng trước mặt. Hít vào và nâng cánh tay lên trên đầu. Thở ra và gập người về phía trước, cố gắng chạm vào ngón chân bằng tay. Giữ tư thế này trong 10 - 15 nhịp thở.

    Tư thế rắn hổ mang (Bhujangasana)

    Cách thực hiện: Nằm sấp trên sàn. Đặt lòng bàn tay xuống sàn dưới vai. Hít vào và nâng thân trên lên khỏi sàn. Giữ cho cánh tay thẳng và cổ thẳng hàng với cột sống. Thở ra và hạ thân trên xuống sàn. Lặp lại động tác này 5 - 10 lần.

    Tư thế chó úp mặt (Adho Mukha Svanasana)

    Cách thực hiện: Bắt đầu bằng tư thế bốn chân, đặt lòng bàn tay và đầu gối chạm sàn, cánh tay thẳng và song song với nhau, đôi chân hơi rộng hơn vai. Hít thở sâu vào, khi thở ra, đẩy chân lên, nâng mông lên cao, tạo thành hình tam giác ngược.

    Cố gắng giữ cánh tay thẳng và đưa lưng thẳng lên trên. Đầu và cổ nằm giữa hai vai, nhìn về phía chân hoặc hướng về bụng. Giữ tư thế trong 1 - 2 phút, thở sâu và đều. Để thoát khỏi tư thế, hít thở sâu vào và khi thở ra, đặt chân về vị trí ban đầu.

    2.3. Thiền

    Cách thực hiện: Ngồi xếp bằng trên sàn, hai tay đặt trên đùi, lưng thẳng, vai thả lỏng, nhắm mắt lại và tập trung vào hơi thở. Hít vào chậm rãi và sâu bằng mũi, thở ra chậm rãi bằng miệng. Tập trung vào cảm giác hơi thở ra vào.

    Nếu có bất kỳ suy nghĩ nào xuất hiện trong đầu, hãy nhẹ nhàng gạt nó sang một bên và tập trung lại vào hơi thở. Thiền trong 10 - 30 phút.

    Nên tập thiền ở nơi yên tĩnh, thoáng mát.

    3. Các bài tập khác có lợi cho người bệnh hắc lào

    • Đi bộ: Đi bộ là bài tập đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với mọi lứa tuổi và thể trạng, giúp tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn.
    • Bơi lội: Bơi lội giúp vận động toàn bộ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch. Nên chọn hồ bơi sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh để tránh lây lan nấm.
    • Thái cực quyền: Thái cực quyền giúp tăng cường lưu thông khí huyết, thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
    thai cực quyền tốt cho người hắc lào

    Tập thái cực quyền tăng cường lưu thông khí huyết, hỗ trợ bệnh hắc lào nhanh khỏi.

    4. Những lưu ý khi tập luyện

    - Thời điểm tập tốt nhất trong ngày

    Thời điểm tập lý tưởng nhất nên là vào buổi sáng sớm khi nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định. Việc tập luyện vào buổi sáng sớm giúp cơ thể sản sinh ra các hormon endorphin, có tác dụng cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng và mệt mỏi để người tập bắt đầu một ngày mới với tinh thần sảng khoái và tràn đầy năng lượng.

    Bên cạnh đó, ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm có thể giúp khử trùng da, hỗ trợ điều trị hắc lào. Không nên tập quá gần giờ đi ngủ vì có thể gây ra khó ngủ.

    - Không tập khi cơ thể đang mệt mỏi, đói bụng hoặc sau khi ăn no

    • Khả năng tập trung và sức mạnh cơ bắp có thể giảm đi khi cơ thể đang mệt mỏi. Nếu tập thể dục trong tình trạng này, nguy cơ chấn thương sẽ tăng cao và lợi ích của bài tập không được tận dụng tối đa.
    • Người tập có thể gặp vấn đề về năng lượng khi tập lúc bụng đói. Khi đó, việc tập luyện có thể làm giảm hiệu suất và tạo cảm giác mệt mỏi nhanh chóng.
    • Sau khi ăn, máu được tập trung đưa đến dạ dày và ruột, giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Tập thể dục ngay sau khi ăn no có thể làm cho dạ dày bị co thắt, gây cảm giác khó chịu hoặc buồn nôn.

    Việc tập luyện thể lực tốt nhất nên được thực hiện ít nhất 1 - 2 giờ sau bữa ăn. Hãy đảm bảo cơ thể đang ở trong tình trạng năng lượng tốt. Nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc đói bụng, hãy nghỉ ngơi và cân nhắc tập luyện sau khi cơ thể đã phục hồi và được cung cấp đủ năng lượng.

    không nên tập luyện sau khi ăn no

    Không nên tập luyện sau khi ăn no.

    - Cách tập luyện thể lực không gây hại sức khỏe

    • Nên tập luyện nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của bản thân.
    • Tránh các bài tập cường độ cao hoặc gây ra nhiều mồ hôi.
    • Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện.
    • Tắm rửa sạch sẽ sau khi tập luyện..
    • Mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí.

    Để việc điều trị mang lại hiệu quả tối đa, bên cạnh chế độ tập luyện hợp lý, người bệnh hắc lào cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

    • Sử dụng thuốc bôi trị hắc lào theo chỉ định của bác sĩ.
    • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây, uống nhiều nước.
    • Vệ sinh da thường xuyên, giữ khô các nếp gấp, có thể sử dụng các bột talc làm khô, tránh gãi vào vùng da bệnh.
    • Quần, áo, tất, giày cần làm khô, phơi nắng, ủi trước khi sử dụng.
    • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác.

    Mời bạn xem tiếp video:

    Khi nồm ẩm dễ mắc những bệnh nào về da? Cách phòng ngừa.



    ThS. BS. Phạm Đức Thắng
    Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
    Bình luận
    Xem thêm bình luận
    Ý kiến của bạn