Ở nơi... ho ra sương, thở ra khói

03-02-2011 06:10 | Xã hội
google news

Giữa cái lạnh tê cóng, ho ra sương, thở ra khói ở đất trời Y Tý, trong mỗi ngôi nhà vẫn có đống lửa sưởi ấm, thể hiện sự no đủ. Hoa đào, hoa mận đã bật lên trong giá lạnh và gắng gỏi tỏa hương. Nhưng hơn hết, ở những con người nơi biên cương luôn có tinh thần lạc quan, vui vẻ...

Vật vã ngồi trên chiếc ôtô “hàng chợ” từ Lào Cai lên Mường Hum thì trời đã tối. Đành nghỉ lại qua đêm, sáng sau tôi bắt xe ôm lên Y Tý. Mưa phùn, sương mù kết hợp nhiệt độ xuống đến 40C khiến chẳng gã xe ôm nào hào hứng chở khách. Cuối cùng tôi cũng tìm được một thanh niên dũng cảm, thường chạy xe ôm trên những cung đường dốc ngược, đá lởm chởm để tiến thẳng về vùng cao Y Tý của tỉnh Lào Cai.

“Bắt rừng đẻ ra tiền”

Xã Y Tý có 15 thôn bản gồm 3 dân tộc Hà Nhì, Mông, Dao cùng sinh sống. Qua hàng trăm năm sinh tồn, cần mẫn, họ vẫn quyết giữ gìn từng tấc đất biên cương như giữ ngọn lửa cháy ấm áp trong ngôi nhà của mình. Nhìn từ trên cao xuống, bản làng của người Hà Nhì giống như những lô cốt cố thủ, nhà nối nhau mọc lúp xúp bên sườn núi hay trong thung lũng và tất cả đều quay về một hướng. Không cửa sổ, tối nhưng nhà luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm vào mùa đông bởi sự đặc sắc trong kiến trúc đầy tính dân tộc.

Nhà trình tường của người Y Tý.

Ông Ly Dờ Lúy - Bí thư Đảng ủy xã Y Tý bảo: “Trước đây, người Y Tý nghèo lắm. Mấy năm nay được Nhà nước quan tâm nên người Hà Nhì sướng hơn rồi. Xuân này nhà nào cũng có thịt để ăn, có rượu để uống vì thảo quả được mùa”. Theo lời Bí thư Lúy thì “Trước đây, cả xã chỉ biết trông chờ vào 300 ha ruộng bậc thang bạc màu chen lẫn với đá. Ruộng nương cũng chỉ làm được một vụ vì mùa đông buốt giá dài lê thê, cỏ cây úa tàn không sinh trưởng. Mấy năm trở lại đây, được Nhà nước quan tâm, đưa giống lúa mới, giống ngô lai năng suất cao vào, lại có cả cán bộ khuyến nông đến tận thôn bản dạy đồng bào cách trồng lúa, trồng ngô, trồng thảo quả... Vì thế, cuộc sống đồng bào mỗi năm thêm đổi mới, nhà nào cũng có lương thực đầy nhà, có thảo quả tích để xuất khẩu”. Những người buôn chuyến ở vùng Y Tý bảo, người dân tộc ở đây giờ khôn lắm rồi. Họ không chỉ biết lấy mầm cây thảo quả về ăn thay rau, họ biết lấy chúng để làm giàu, mua xe máy chạy cho sướng, rồi làm nhà có trình tường kiên cố.

Ông Vàng A Chu, 48 tuổi, người giàu nhất bản Hồng Ngài, trước đây sinh ra trong một gia đình nghèo, hơn 10 tuổi đã phải theo những người đàn ông lớn tuổi vào rừng mưu sinh. Gần chục năm trôi nổi với bao khổ cực nhưng vẫn tay trắng, trở về quê cấy lúa, trồng ngô, thảo quả và chăn nuôi. Hơn chục năm, hai vợ chồng “đồng cam, cộng khổ”, khai hoang 2 mẫu ruộng, trồng 8 ha thảo quả, nuôi lợn và 4 con trâu đẻ. Đất không phụ công người, mỗi năm cấy được một vụ giống mới cho thu 4 tấn lương thực. Cả gia đình có bốn người đã thừa cái ăn, còn cái mặc trông tất vào rừng thảo quả và chăn nuôi. Thấy ông Chu đã giàu, nhiều người dân Y Tý bảo: “Bây giờ mình cũng phải tính chuyện làm giàu thôi. Bắt núi rừng nó “đẻ” ra tiền chứ”. Thảo quả trồng khoảng 1.400-1.500 khóm/ha, đến mùa thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 10, rồi đem sấy khô, thu được khoảng 200kg thảo quả khô/ha. 1 ký thảo quả khô được thu mua với giá 70.000-90.000 đồng. Cứ khoảng 5ha thu được khoảng 100 triệu đồng. Một hộ khai khẩn núi rừng trồng 5-10ha, mùa thu hoạch được vài trăm triệu đồng là thường. Cuộc sống khá giả, người dân Y Tý cũng đã biết đầu tư cho con cái ăn học, đã có năm hộ gửi con đi học đại học ở tận Hà Nội để sau này về kinh doanh thảo quả.  Bộ mặt các bản Hồng Ngài, Phìn Hồ, Sim Xan, Xín Chải, Lao Chải... đã rất khác xưa. Những ngôi nhà không còn thấp lè tè như những cây nấm được phủ bởi rơm rạ. Họ đã biết dùng ngói xi-măng để lợp nhà cho sạch sẽ, che mưa che nắng tốt và bền hơn rơm rạ.

Mùa thảo quả ở Y Tý.

Xuân trên đất trời Y Tý

Người Hà Nhì ăn nhiều cái Tết trong năm. Ngoài Tết Nguyên đán còn có Tết trẻ em, Tết cúng rừng vào tháng ba, Tết Trùm khăn, Tết Khù lê khê, Tết Ga ga tho, Tết Khu già già... Tết Khu già già diễn ra vào tháng 6 âm lịch, ngay sau mùa vụ. Vì Y Tý lạnh giá quanh năm nên bà con chỉ trồng được 1 vụ như vụ chiêm dưới xuôi. Tết diễn ra vào cuối hè, khi cây lúa đã lên đòng, cây ngô xanh mướt lá để cầu một mùa vụ bội thu. Việc ăn Tết không được ấn định trước, tùy từng năm, già làng, trưởng bản sẽ họp nhau thống nhất dựa trên thời tiết, mùa màng, điều kiện kinh tế, nhưng thường vào ngày Rồng (Thìn) đầu tiên của tháng 6. Tết Khu già già kéo dài trong 4 ngày. Đây là dịp để người Hà Nhì thể hiện sự tôn kính đối với thần trời, thần đất, thần rừng, thần núi bằng các nghi lễ truyền thống nên họ chuẩn bị rất kỹ. Đến ngày Tỵ, khắp bản làng, những người phụ nữ cầm chày giã bánh dày bình bịch. Cứ 4 gia đình lại chung nhau cắt tiết một con lợn làm cỗ. Mâm cỗ cúng Tết của mỗi nhà gồm 1 bát rượu nếp, 1 bát thịt trâu, 1 bát chè gừng, 1 cặp bánh dày. Vào ngày Ngọ, nam thanh nữ tú sẽ dựng đu ở Nhà văn hóa xã, diện những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất vui chơi, hát giao duyên từ sáng đến tối mịt.

Đồn trưởng Đồn biên phòng Y Tý Lã Ngọc Dũng cho biết: “Trước đây còn đói kém, người Hà Nhì chỉ đón Tết lấy lệ. Ngày Tết vẫn phải ăn mèn mén thay cơm. Thế nhưng từ khi trồng được cây lúa, cây ngô năng suất cao, lại được mùa thảo quả thì Tết nào người Hà Nhì cũng ăn to. Trước Tết Nguyên đán, họ tổ chức Tết Ga ga tho diễn ra vào tháng 11 âm lịch rất rộn ràng. Nhà nào giàu thì mổ vài con lợn, nhà nào khó hơn thì cũng phải có mấy đôi gà để cúng tổ tiên. Giải thích về những nét văn hóa đa dạng và đặc sắc này, anh Dũng cho biết: “Thời xưa, người Hà Nhì phải chạy giặc nhiều lần, đến mỗi vùng đất, họ lại thu nhận những đặc sắc văn hoá bản địa. Phong tục làm nhiều Tết của người Hà Nhì từ đó mà ra.”

Phiên chợ trong sương mù.

Tết Nguyên đán, gia đình nào cũng làm lễ cúng tất niên, rượu thịt đầy đủ. Thường thì sớm mồng Một, Đồn trưởng đồn biên phòng Y Tý Lã Ngọc Dũng dẫn anh em chiến sĩ của đồn xuống nhà Bí thư Ly Giờ Lúy chúc Tết bà con. Cùng vào mâm vui Tết với tục chào rượu truyền thống uống 3 bát và bắt tay 3 cái. Rồi bà con sẽ kéo sang nhà nhau chúc Tết, uống rượu, vui chơi đến tận khuya không phân biệt dân tộc. Trong cái rét buốt của vùng núi cao hơn 2.600m, nhiều lúc xuống đến dưới 00, nhưng anh em biên phòng, những thầy giáo cô giáo, cán bộ cắm bản vẫn có cái Tết ấm áp tình người. Nhiều anh em xin ở lại trực Tết mấy năm liền, vừa bảo vệ biên cương, vừa vui với đồng bào, quân số trực lúc nào cũng được bảo đảm trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Giữa cái lạnh tê cóng, ho ra sương, thở ra khói ở đất trời Y Tý, trong mỗi ngôi nhà vẫn có đống lửa sưởi ấm, thể hiện sự no đủ. Hoa đào hoa mận đã bật lên trong giá lạnh từ tháng 11 và gắng gỏi tỏa hương. Nhưng hơn hết, ở những con người nơi biên cương luôn có tinh thần lạc quan, chịu đựng. Họ đã đi từ những đói khổ, lạc hậu để đến hôm nay cuộc sống đã đổi thay. Đồng bào dân tộc thiểu số nơi núi ngút ngàn mây, biên giới hẻo lánh này có những tập tục được duy trì bởi họ luôn được bao bọc trong những cánh rừng nguyên sinh, được những chiến sĩ biên phòng quả cảm bảo vệ.

Nhờ xe ôm về Mường Hum, tôi vẫn nghe thấy tiếng chày giã bánh, tiếng cười rộn rã của đám trẻ con. Và lấp ló sau cánh cửa là ánh mắt trong veo của các cô gái Hà Nhì xinh tươi, xúng xính trong bộ váy áo rực rỡ chuẩn bị đi chợ sắm Tết. Vâng, mùa xuân đang về trên từng ngọn cây, con suối, khắp mảnh đất Y Tý. Và chắc chắn sẽ là một mùa xuân no ấm, yên bình.

  Phóng sự của Dương Khánh Thảo

Ý kiến của bạn