Mất ngủ có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ nhưng phổ biến nhất là trong ba tháng đầu tiên và ba tháng cuối của thai kỳ. Điều này là do trong ba tháng giữa thai kỳ, lượng hormone trở nên cân bằng hơn và bụng thai phụ chưa quá to để cản trở giấc ngủ.
1. Nguyên nhân gây mất ngủ khi mang thai
Thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi nồng độ hormone (đặc biệt là progesterone và estrogen) là bình thường khi thai kỳ phát triển. Việc tăng nồng độ progesterone khi bắt đầu mang thai có thể có tác dụng an thần trên hệ thần kinh, khiến phụ nữ cảm thấy buồn ngủ hơn trong thời gian này. Giấc ngủ thường không được yên tĩnh và bị gián đoạn suốt đêm vì hormone này cũng có thể tác động lên các cơ trong đường tiết niệu. Tăng progesterone cũng có thể gây buồn nôn, khiến mẹ bầu thức giấc nhiều lần trong đêm.
Sự gia tăng estrogen cũng có thể liên quan đến chứng mất ngủ vì hormone này có tác dụng kích thích. Mức độ cao có thể khiến thai phụ khó đi vào giấc ngủ hơn, thức dậy thường xuyên hơn vào ban đêm và rất khó ngủ lại được.
Đi tiểu nhiều lần trong đêm
Đi tiểu đêm nhiều lần là một trong những nguyên nhân chính gây mất ngủ khi mang thai và do sự phát triển của thai nhi làm tăng áp lực lên bàng quang. Điều này có nghĩa là chỉ cần một lượng nhỏ nước tiểu cũng đủ làm tăng cảm giác muốn đi vệ sinh và có thể đánh thức mẹ bầu dậy vào ban đêm.
Hơn nữa, nồng độ progesterone tăng cũng có thể tác động lên các cơ trong đường tiết niệu, dẫn đến việc phải đi vệ sinh nhiều hơn vào ban đêm.
Chứng ợ nóng cũng là tình trạng thai kỳ phổ biến thường liên quan đến việc tăng nồng độ progesterone. Hormone này hoạt động bằng cách làm giảm lưu lượng ruột và làm giãn cơ thắt thực quản, có thể khiến acid dạ dày trào ngược lên thực quản và cổ họng. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của chứng ợ nóng khi mang thai khiến mẹ bầu mất ngủ.
Lo lắng, căng thẳng
Lo lắng và căng thẳng là tình trạng thai kỳ phổ biến cũng góp phần gây ra chứng mất ngủ khi mang thai. Thường rất khó để thư giãn và nghỉ ngơi trong những tình huống này, đồng thời giấc ngủ có thể không được sảng khoái, không sâu khiến mẹ bầu phải thức dậy nhiều lần trong đêm.
Kích thước bụng tăng
Kích thước của bụng tăng dần, đặc biệt là ở giai đoạn cuối thai kỳ cũng có thể gây mất ngủ, vì khó tìm được tư thế ngủ thoải mái cho mẹ bầu.
Tê tay hoặc chân
Việc tay chân bị tê khi mang thai là điều bình thường, thường là hậu quả của tư thế ngủ. Tư thế sai có thể cản trở quá trình lưu thông máu ở khu vực đó, khiến tay chân bị tê. Điều này có thể gây khó chịu và cản trở giấc ngủ ngon.
2. Làm gì để ngủ ngon hơn khi mang thai?
Một số cách để chống lại chứng mất ngủ khi mang thai và ngủ ngon hơn:
Không thức quá khuya sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Tránh để đèn sáng khi ngủ. Đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày để tạo thói quen ngủ giúp cơ thể dễ thư giãn hơn. Tốt nhất là ngủ nghiêng bên trái, kê một chiếc gối giữa hai chân và tựa cổ lên một chiếc gối khác, vì chứng mất ngủ khi mang thai thường do tư thế ngủ không thoải mái gây ra.
Sử dụng một chiếc gối nhỏ có hoa oải hương làm nóng trong lò vi sóng và kê sát mặt khi ngủ. Cũng có thể nhỏ vài giọt tinh dầu oải hương lên gối vì hoa oải hương giúp gây buồn ngủ.
Uống một loại trà nhẹ nhàng, chẳng hạn như trà hoa cúc 30 phút trước khi đi ngủ để thư giãn cơ thể và giúp ngủ ngon
Tắm nhanh bằng nước ấm trước khi đi ngủ để giúp cơ thể thư giãn cơ thể. Thực hiện yoga, giãn cơ hoặc thiền để thư giãn cơ thể, nên chọn các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với giai đoạn mang thai.
Hơn nữa, điều quan trọng là phụ nữ phải duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Không ăn các thực phẩm cay nóng, đồ chua…
Trong một số trường hợp, mất ngủ khi mang thai có thể điều trị bằng thuốc, tuy nhiên việc sử dụng chỉ nên theo chỉ định của bác sĩ sản khoa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
"Bỏ túi" 3 cách phòng tránh tình trạng mất ngủ.