1. Cách lựa chọn thực phẩm khi bị trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược dịch acid từ dạ dày lên trên thực quản. Bình thường cơ thắt thực quản như một van cho phép thức ăn vào dạ dày nhưng không trào ngược lên thực quản. Khi van này hoạt động không bình thường, chất chứa trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản và gây kích ứng, gây ra các triệu chứng như: ợ nóng, ợ chua, ợ rát, viêm họng, viêm thanh quản kéo dài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài những yếu tố nguy cơ như béo phì, hút thuốc, mang thai, hoặc sử dụng một số loại thuốc điều trị hen suyễn, thuốc kháng histamine, giảm đau, an thần… thì chế độ ăn uống không hợp lý là nguyên nhân rất quan trọng.
Có một số loại thực phẩm có thể giúp giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản nhưng cũng có một số loại thực phẩm có xu hướng làm trầm trọng hơn triệu chứng của bệnh. Ngoài ra cách ăn uống cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Do đó, trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản, các bác sĩ khuyên người bệnh ngoài dùng thuốc cần chú ý điều chỉnh cách ăn uống và lựa chọn thực phẩm.
Theo ThS.BS Nguyễn Đức Minh, chuyên gia về dinh dưỡng, những thực phẩm không lành mạnh như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều chất béo, thức ăn cay, caffeine, rượu bia, đồ uống có gas, thực phẩm có tính acid cao (trái cây họ cam quýt, dưa cà muối, cà chua)… có thể làm tăng nguy cơ trào ngược acid.
Vì vậy, người bệnh nên hạn chế hoặc tránh những thực phẩm trên và lưu ý lựa chọn những thực phẩm có thể giúp giảm các triệu chứng trào ngược.
Những thực phẩm có thể giúp cải thiện tình trạng trào ngược acid chủ yếu là thực phẩm lành mạnh, giàu chất xơ, đạm dễ hấp thu như: rau xanh, trái cây, cá, trứng, thịt gia cầm bỏ da, hải sản… Ưu tiên chế biến thức ăn dưới dạng luộc, hấp, hạn chế chiên, xào, hạn chế sử dụng gia vị mạnh.
2. Nên ăn gì trong bữa sáng để giảm tình trạng trào ngược dạ dày thực quản?
Yến mạch
Bột yến mạch không chỉ tốt cho tim mà nó còn có thể hấp thụ acid dạ dày, là lựa chọn tuyệt vời để kiểm soát các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Yến mạch nguyên hạt chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao như chất xơ hòa tan, protein, acid béo không bão hòa, vitamin, khoáng chất và các hợp chất hóa học thực vật khác.
Beta-glucan trong yến mạch là một chất xơ hòa tan có tác dụng điều chỉnh cách hấp thụ chất lỏng từ đường tiêu hóa. Nó tạo thành một chất giống như gel khi trộn với nước. Dung dịch này bao phủ dạ dày và đường tiêu hóa. Lớp phủ này cung cấp vi khuẩn tốt trong ruột.
Do đó ăn yến mạch thường xuyên sẽ giúp cung cấp năng lượng cho vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột, dẫn đến tiêu hóa tốt hơn và giảm thiểu các triệu chứng đầy hơi, khó chịu ở dạ dày, thực quản.
Bạn có thể chế biến yến mạch thành nhiều món khác nhau cho bữa sáng như: cháo yến mạch, súp yến mạch, yến mạch trộn sữa chua Hy Lạp…
Ngũ cốc nguyên hạt
Một trong những cách để kiểm soát trào ngược dạ dày thực quản là ăn nhiều bữa nhỏ để tránh gây áp lực lên cơ thắt thực quản dưới. Một bát ngũ cốc nhỏ là một cách tốt để giải quyết vấn đề này vào buổi sáng. Tuy nhiên cần lưu ý chọn loại ngũ cốc nguyên hạt, không đường hoặc rất ít đường.
Nên sử dụng sữa hạnh nhân thay vì sữa bò để tránh làm nặng thêm các triệu chứng trào ngược acid. Để tăng thêm vị ngọt và protein, bạn có thể trộn thêm một ít trái cây và các loại hạt cắt nhỏ.
Trứng luộc
Nhiều người băn khoăn liệu trứng có thể gây ra các triệu chứng trào ngược hay không. Tuy nhiên, điều này phần lớn phụ thuộc vào từng cá nhân, cách chế biến trứng và số lượng ăn.
Một số người nhận thấy ăn lòng đỏ trứng hơi khó chịu hơn nhưng hầu hết đều ổn với lòng trắng trứng. Lòng trắng trứng có hàm lượng protein cao và ít chất béo.
Cách tốt nhất là tránh trứng chiên trong bơ hoặc dầu. Nên chọn trứng trứng luộc chín là phù hợp nhất kèm theo uống một tách trà gừng để hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.
Sữa chua và trái cây
Mặc dù sữa giàu chất béo thường gây trào ngược nhưng nhiều người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản vẫn có thể dung nạp được sữa chua ít béo và không béo. Sữa chua làm từ nguồn thực vật như sữa chua hạnh nhân cũng tốt.
Sữa chua không chỉ làm dịu thực quản bị kích thích mà còn cung cấp men vi sinh hỗ trợ đường tiêu hóa. Thêm trái cây có hàm lượng acid thấp và ít đường như đào, táo, chuối, thanh long…
Các loại hạt
Nhiều loại hạt cung cấp chất xơ, chất dinh dưỡng và có thể giúp hấp thụ acid dạ dày. Hạnh nhân, đậu phộng, hạt chia và hạt lanh đều là những lựa chọn lành mạnh.
Trà gừng
Gừng là gia vị có đặc tính chống viêm nổi tiếng và đã được sử dụng từ rất lâu để điều trị các vấn đề về đường tiêu hóa. Bạn nên thêm gừng vào các món ăn hoặc hãm thành trà.
Một trong những lợi ích của trà gừng được nhiều người biết đến là nhanh chóng làm giảm cảm giác buồn nôn và có lợi cho hệ tiêu hóa, cải thiện triệu chứng đầy hơi, khó tiêu hiệu quả.
Cách đơn giản nhất là dùng gừng tươi 10g, rửa sạch, đập dập, thêm nước đun sôi hoặc cho vào ấm pha trà, đổ nước sôi pha hãm trong 10 phút là có một tách trà buổi sáng giúp làm dịu đường tiêu hóa suốt cả ngày.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dấu hiệu của trào ngược dạ dày và những biện pháp cải thiện.