4 bài thuốc tự nhiên chữa buồn nôn

22-08-2024 09:02 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Buồn nôn là tình trạng rất thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra. Một số bài thuốc tự nhiên tại nhà có thể khắc phục tình trạng này…

Buồn nôn có thể do mang thai, trào ngược dạ dày thực quản, hóa trị ung thư… Như vậy, buồn nôn có thể xuất hiện trong nhiều tình huống khác nhau và việc hiểu rõ nguyên nhân là chìa khóa để xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Dưới đây là một số bài thuốc có thể giúp giảm buồn nôn:

1. Gừng giúp giảm buồn nôn

Gừng đã được sử dụng để điều trị buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy trong hàng ngàn năm. Ví dụ, ở Trung Quốc, gừng đã được sử dụng để điều trị các vấn đề về tiêu hóa và giảm đau trong hơn 2000 năm.

Mặc dù người ta vẫn chưa rõ chính xác gừng hoạt động như thế nào để giảm buồn nôn, nhưng các thành phần hoạt tính – gingerols và shogaols - ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hóa và hệ thần kinh trung ương.

Cho đến nay, gừng vẫn là phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng buồn nôn sau phẫu thuật và buồn nôn liên quan đến hóa trị.

Gừng tươi trị cảm, rối loạn tiêu hóa

Gừng là một phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng buồn nôn hiệu quả.

Một đánh giá có hệ thống về 23 thử nghiệm trên người được công bố vào năm 2022 trên Tạp chí Nutriens cho thấy, gừng có hiệu quả trong việc giảm khả năng nôn mửa cấp tính do hóa trị ở những người mắc bệnh ung thư (mặc dù vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để khẳng định thêm tác dụng này).

Có thể sử dụng gừng dưới dạng kẹo (kẹo gừng), hoặc giã gừng cho vào nước nóng với một ít cốt chanh có tác dụng tốt.

2. Bạc hà

Theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp (NCCIH), bạc hà đã được sử dụng để điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa. Cả lá và tinh dầu của bạc hà đều hữu ích trong việc điều trị chứng khó tiêu hội chứng ruột kích thích.

Bạc hà có tác dụng làm dịu, có thể làm giảm buồn nôn và thư giãn các cơ dạ dày. Loại thảo mộc này cũng có thể giúp làm dịu các mô bị viêm và ức chế vi khuẩn và vi sinh vật.

Ngay cả một lượng nhỏ tinh dầu cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Một giọt dầu bạc hà thoa lên vùng giữa môi trên và mũi, ba lần một ngày, trong năm ngày sau khi hóa trị có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nôn mửa và buồn nôn do hóa trị, theo một nghiên cứu trên tạp chí Liệu pháp bổ sung trong y học cho biết.

Trong khi nghiên cứu cho thấy hít bạc hà có thể làm giảm buồn nôn, NCCIH cảnh báo rằng, uống tinh dầu bạc hà lại gây buồn nôn ở một số người. Bạn có thể sử dụng tinh dầu bạc hà để làm liệu pháp hương thơm, nhưng nên trộn với dầu nền, là một loại dầu thực vật giúp pha loãng tinh dầu, để sử dụng an toàn.

Trà bạc hà là một trong những cách phổ biến nhất để dùng phương thuốc này. Trà bạc hà đá có thể mang lại lợi ích bổ sung vì lạnh cũng có thể làm giảm buồn nôn.

Tuy nhiên, nếu bạn bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD) nên tránh bạc hà, vì có thể gây kích ứng ở những bệnh nhân này.

TINH DẦU BẠC HÀ CÓ CÔNG DỤNG TUYỆT VỜI NÀO - Nattime

Lá và tinh dầu của bạc hà có thể làm giảm buồn nôn và thư giãn các cơ dạ dày.

3. Châm cứu và bấm huyệt

Châm cứu có thể giúp giảm đau. Châm cứu kích thích một số dây thần kinh nhất định trong cơ thể. Những dây thần kinh này gửi tín hiệu đến não để giải phóng hormone làm giảm cảm giác đau và buồn nôn.

Một nghiên cứu trên nhóm người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, được công bố vào năm 2020 trên Tạp chí Y học Trung Quốc, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, châm cứu được sử dụng như một liệu pháp hỗ trợ, có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của tình trạng buồn nôn và nôn do hóa trị liệu.

Theo MedlinePlus, buồn nôn nhẹ và thậm chí ốm nghén có thể cải thiện thông qua phương pháp bấm huyệt. Kỹ thuật này có thể tự thực hiện bằng cách dùng ngón giữa và ngón trỏ ấn mạnh xuống rãnh giữa hai gân lớn ở mặt trong cẳng tay, cách cổ tay khoảng ba ngón tay (huyệt nội quan).

Theo Johns Hopkins Medicine, châm cứu và bấm huyệt là những phương pháp điều trị an toàn, không xâm lấn có thể giúp giảm buồn nôn khi sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các liệu pháp thông thường, nhưng hãy nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiến hành bất kỳ liệu pháp nào trong số này.

4. Liệu pháp hương thơm giảm buồn nôn

Quản lý mùi hương trong môi trường xung quanh là một cách khác để giảm buồn nôn. Cũng giống như một giọt tinh dầu bạc hà nhỏ dưới mũi có thể làm dịu cảm giác buồn nôn, các loại liệu pháp hương thơm khác (hít tinh dầu từ thực vật) có thể có tác dụng điều trị.

Hỗn hợp tinh dầu hít vào có chứa hoa oải hương, bạc hà, gừng và chanh giúp giảm buồn nôn và nôn sau phẫu thuật. Lưu ý, tinh dầu (chẳng hạn như tinh dầu bạc hà), có thể rất mạnh vì chúng không pha loãng. Vì vậy, một cách phổ biến để tận dụng lợi ích của tinh dầu là sử dụng máy khuếch tán, kết hợp nước với tinh dầu để có thể bay hơi và hít vào. Không nên uống tinh dầu.

Giống như các loại thuốc không kê đơn, điều quan trọng là tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo rằng, bất kỳ chất bổ sung hoặc biện pháp khắc phục tại nhà nào phải an toàn và không tương tác với các loại thuốc khác mà bạn có thể đang dùng.

Mời bạn xem thêm video:

Gừng : 7 lợi ích sức khỏe tuyệt vời nhiều người có thể không biết | SKĐS


Trịnh Xuân
Theo EH
Ý kiến của bạn