Hà Nội

5 biện pháp tự nhiên giúp giảm đi tiểu đêm

SKĐS- Đi tiểu đêm có thể do uống nhiều nước trước khi đi ngủ nhưng cũng có thể do bệnh lý, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tinh thần.

1. Nguyên nhân đi tiểu nhiều lần về đêm

Có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây chứng tiểu đêm, một số lý do phổ biến nhất gồm:

- Uống nhiều nước trước khi đi ngủ: TS. Adam Ramin, chuyên gia tiết niệu ở Los Angeles, Mỹ cho biết, việc phải thức dậy và đi tiểu đêm trong trường hợp này là bình thường và không đáng lo ngại.

- Các vấn đề về tim mạch:‌ Nếu bạn bị tăng huyết áp có thể ảnh hưởng xấu đến chức năng thận gây ra hiện tượng rối loạn tái hấp thu nước ở ống thận làm cho bạn đi tiểu đêm nhiều.

- Phì đại tuyến tiền liệt:‌ Đối với những người bị phì đại tuyến tiền liệt, việc đi tiểu thường xuyên vào ban ngày và ban đêm, nhất là lúc gần sáng là do người bệnh không kiểm soát được nước tiểu khi đã bị tuyến tiền liệt chèn ép vào bàng quang.

-‌ Bàng quang hoạt động quá mức:‌ Khi bàng quang hoạt động quá mức không chỉ gây tiểu nhiều lần mà còn gây hiện tượng cần đi tiểu gấp, đột ngột, khó kiểm soát...

- Lão hóa:‌ BS. Tess Crouss,chuyên khoa tiết niệu tại Axia Women's Health, Mỹ cho biết, triệu chứng đi tiểu đêm tăng dần theo tuổi tác và thường gặp hơn ở người cao tuổi. Nguyên nhân một phần là do sự rối loạn điều hòa của hormone gọi là arginine vasopressin xảy ra khi lão hóa.

‌‌- Thuốc:‌ Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu và steroid, có thể dẫn đến đi tiểu đêm.

Bên cạnh đó, ngưng thở khi ngủ, rối loạn giấc ngủ, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh thận và tiểu đường - có thể là các yếu tố gây tiểu đêm. Ngoài ra, mang thai cũng có thể dẫn đến đi tiểu đêm.

photo-1679968388928

Phì đại tuyến tiền liệt và bệnh tim mạch có thể dẫn đến đi tiểu đêm

2. Biện pháp hỗ trợ giảm đi tiểu đêm

2.1. Uống ít nước trước khi đi ngủ

Theo TS. Anaissie, bác sĩ tiết niệu tại Mỹ, đi tiểu 5-7 lần/ngày được coi là bình thường. Tuy nhiên, số lần đi tiểu còn phụ thuộc vào lượng nước bạn uống trong ngày. Đôi khi do công việc bận rộn nên bạn dường như "quên" uống nước vào ban ngày và bù đắp lượng nước cho cơ thể vào buổi tối. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng đi tiểu đêm nhiều lần.

Do đó, các chuyên gia tiết niệu khuyến cáo, bạn nên uống nước trong khoảng 3-4 giờ trước khi đi ngủ để cơ thể có thời gian bài tiết. Bên cạnh đó, trước khi đi ngủ, bạn nên làm trống bàng quang một hoặc hai lần.

photo-1679968393072

Không nên uống nhiều nước trước khi đi ngủ.

2.2. Tránh xa các chất kích thích bàng quang

Một số loại đồ uống và thực phẩm gây kích thích bàng quang như caffeine, đồ uống có ga, thực phẩm có tính axit hoặc cay, rượu bia, sô cô la...

Do đó, để tránh hiện tượng đi tiểu đêm, bạn nên tránh xa những chất kích thích bàng quang này, nhất là vào buổi chiều và buổi tối.

Hút thuốc cũng có liên quan đến kích thích bàng quang và có thể góp phần gây ra chứng tiểu đêm nên bỏ thuốc là biện pháp tốt nhất nếu chứng tiểu đêm của bạn liên quan đến thói quen này.

photo-1679968395567

Nước uống có ga gây kích thích bàng quang dẫn đến đi tiểu đêm nhiều lần.

2.3 Tập thể dục

Lối sống ít vận động có thể góp phần giữ nước trong cơ thể, dẫn đến tăng sản xuất nước tiểu và tiểu đêm. Do đó, các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, chơi quần vợt... không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn giúp giảm số lần đi vệ sinh hàng đêm.

Tuy nhiên, nên tránh tập các động tác gây áp lực lên bàng quang hoặc tuyến tiền liệt như đi xe đạp vào ban đêm để ngăn ngừa tiểu đêm.

2.4 Thực hiện các bài tập Kegel

Các bài tập Kegel có tác dụng làm săn chắc cơ sàn chậu (cơ dùng để ngăn dòng nước tiểu) có thể giúp giảm hoạt động quá mức của bàng quang. Đây cũng là biện pháp có thể thực hiện bất cứ khi nào, không chỉ trước khi đi ngủ.

photo-1679968397631

Thực hiện các bài tập kegel giúp hạn chế đi tiểu đêm.

2.5 Điều chỉnh thời gian uống thuốc

Trong một số trường hợp, thuốc (chẳng hạn như thuốc lợi tiểu) có thể dẫn đến tình trạng đi tiểu đêm. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để có biện pháp khắc phục như thay thế hay điều chỉnh thời gian uống thuốc. Chẳng hạn chuyển thời gian uống thuốc sang giờ buổi chiều để tăng khả năng đi tiểu trước khi đi ngủ, ngăn ngừa tiểu điêm.

Ngoài ra, các trường hợp bị phù, chất lỏng bị giữ lại ở chân và bàn chân, do tác dụng phụ của thuốc, do mắc bệnh lý kèm theo... u cũng hay đi tiểu vào ban đêm. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên nâng cao chân khi ngủ hoặc mang tất nén vào ban ngày giúp ngăn ngừa chất lỏng tích tụ ở chân.

Dấu hiệu đi tiểu đêm trở nên trầm trọng:

  • Thường xuyên làm gián đoạn giấc ngủ.
  • Thay đổi từ không đến đi tiểu thường xuyên vào ban đêm, nhất là khi nước tiểu có máu, đau bàng quang hoặc các triệu chứng bất thường khác.
  • ‌Các cách khắc phục đơn giản không hiệu quả.‌

Mời bạn xem tiếp video:

Điều gì xảy ra khi sử dụng cốc nước trong một tuần không rửa | SKĐS

Lê Thu Lương
Theo livestrong
Ý kiến của bạn