Liên quan đến điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp đang gây hoang mang, khó hiểu cho nhiều giáo viên Hà Nội, mới đây, hàng trăm thầy cô giáo trên địa bàn Hà Nội tiếp tục ký tên gửi đơn kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Hàng trăm giáo viên gửi đơn đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Nhiều giáo viên thuộc các cấp học trên địa bàn TP. Hà Nội, có bằng đại học chưa đủ 9 năm bị từ chối quyền được làm hồ sơ dự thăng hạng đã vừa gửi đơn kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Cục trưởng Cục nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức. Đơn kiến nghị này liên quan đến điều kiện xét thăng hạng giáo viên năm 2023 của Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT Hà Nội.
Theo đơn kiến nghị, ngày 25/7, đại diện nhóm giáo viên đã có đơn kiến nghị gửi Bộ GD&ĐT liên quan đến điều kiện xét thăng hạng giáo viên. Ngày 22/8, đại diện Bộ GD&ĐT, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có Văn bản số 1066/NGCBQLGD-CSNGCB trả lời kiến nghị, kèm theo Công văn số 4306/ BGDĐT- NGCBQLGD do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ký quy định rất rõ ràng, cụ thể về thời gian giữ hạng tương đương.
Theo các giáo viên, mặc dù Bộ GD&ĐT đã có công văn phản hồi, tuy nhiên, ngày 19/9, UBND TP. Hà Nội có Công văn số 3012/UBND-NC về việc hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và ngày 5/10, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội có Công văn số 2887/SNV- CCVC phúc đáp truyền thông về tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng: "Văn bản số 4306/BGDĐT- NGCBQLGD có nội dung hướng dẫn việc xác định thời gian tương đương với thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.32), giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) không đúng với quy định tại thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT". Vì vậy mà tất cả giáo viên thuộc nhiều cấp học (THCS, Tiểu học, Mầm non) trên địa bàn thành phố đã không được làm hồ sơ thăng hạng vì lý do: bằng đại học chưa đủ 9 năm.
Trong đơn kiến nghị, nhóm giáo viên cho biết: "Đọc các văn bản, thông báo của Bộ GD&ĐT cũng như của Sở Nội vụ Hà Nội khiến chúng tôi rất hoang mang, khó hiểu. Bộ cho rằng không quy định nhưng Sở lại bảo có. Rốt cuộc là Sở đúng hay Bộ đúng, Sở sai hay Bộ chưa rõ ràng... để khiến hàng trăm giáo viên đủ năng lực, đủ thâm niên nhưng lại không được xét vì chưa đủ 9 năm có bằng đại học? Dù ai đúng, ai sai thì thiệt thòi đầu tiên là những nhà giáo chúng tôi".
Vì vậy, các giáo viên có bằng đại học chưa đủ 9 năm kiến nghị, Bộ GD&ĐT xem xét lại văn bản số 4306/ BGDĐT- NGCBQLGD ngày 14/8, bởi theo cách giải thích của Sở Nội vụ Hà Nội là: "Không đúng với quy định tại thông tư 08/2023/TT- BGDĐT" mà chính Bộ đã ban hành. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng cần có chỉ đạo rõ ràng đến các tỉnh, thành để thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ".
"Vì sao những giáo viên như tôi bị bỏ lại phía sau mặc dù đã cống hiến gần 20 năm cho nghề?"
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, cô Hồ Thị Xuân Thu - giáo viên dạy bộ môn Lịch sử Trường TH, THCS, THPT Khương Hạ, Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, dường như đã xảy ra tình trạng hiểu sai các văn bản hướng dẫn nên các trường có những quyết định khác nhau trong việc gửi hồ sơ thăng hạng của giáo viên lên Sở GD&ĐT Hà Nội.
"Tôi mong lãnh đạo các cấp xem xét để cho những giáo viên như tôi đủ điều kiện thăng hạng trong đợt này nhưng vì một lí do nào đó, hoặc do ai đó hiểu sai văn bản hướng dẫn của cấp trên sẽ được nộp hồ sơ xét thăng hạng bổ sung trong lần này trong thời gian gần nhất. Ngoài ra, cũng cần hướng dẫn cụ thể để các trường thống nhất trong bình xét hồ sơ thăng hạng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giáo viên", cô Thu cho biết.
Cô Nguyễn Thị Ngân Hà, hiện là giáo viên Trường Tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm chia sẻ: "Tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 2000. Thời gian đó tôi đi dạy hợp đồng với mức lương giáo viên thấp, chế độ ít nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua bởi tình yêu dành cho các em nhỏ. Tôi muốn làm được việc gì đó có ích cho các em, góp chút công sức cho xã hội.
Năm 2008, tôi được vào biên chế giáo dục. Từ đó đến nay tôi miệt mài cống hiến hết mình cho công việc, không nề hà việc gì. Đi trường nào tôi cũng được phụ huynh tin tưởng, học sinh yêu và kính trọng cô. Rất nhiều học sinh của tôi giờ cũng đang làm giáo viên. Gần 15 năm trong nghề, tôi đã tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi và đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện năm 2009-2010; 2018-2019. Năm 2020-2021 tôi đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Tất cả các hoạt động thể thao, văn nghệ của trường tôi đều tích cực tham gia và có giải cấp huyện. Bao năm qua, tôi vẫn giữ niềm đam mê yêu nghề, yêu trẻ".
Dù có tình yêu nghề, nhiều năm cống hiến và có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy, tuy nhiên, cô Hà là một trong rất nhiều giáo viên không nằm trong đối tượng được xét duyệt hồ sơ thăng hạng giáo viên năm nay.
Cô Hà tâm sự: Do điều kiện gia đình và tính chất công việc nên tôi chưa học nâng cao đến đại học. Cho đến khi có Luật Giáo dục yêu cầu bằng chuẩn là đại học thì tôi đã đăng ký đi học luôn. Đến năm 2021, tôi có bằng đại học và được chuyển sang hạng 3 mới vào ngày 1/1/2022. Tuy nhiên khi có văn bản quyết định xét hồ sơ thăng hạng thì tôi lại không nằm trong danh sách được nộp do điều kiện là phải giữ bằng đại học 9 năm mới được làm hồ sơ xét duyệt. Và nếu tôi có được nộp hồ sơ thì cũng chưa chắc đã được chọn do tiêu chí là giáo viên cốt cán và chỉ tiêu số lượng chỉ có thế.
"Tôi thấy thực sự những giáo viên như tôi thiệt thòi hơn rất nhiều khi xét thăng hạng giáo viên năm 2023. Vì sao những giáo viên như tôi bị bỏ lại phía sau mặc dù đã cống hiến gần 20 năm cho nghề? Tôi chỉ mong Bộ GD&ĐT, Sở Nội vụ Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội nắm bắt và thấu hiểu được nỗi lòng của những giáo viên như tôi để thay đổi lại tiêu chí, điều kiện nộp hồ sơ giúp chúng tôi có cơ hội thăng hạng. Bộ và Sở đã rất lắng nghe ý kiến của giáo viên chuyển từ thi sang xét, đem niềm vui phấn khởi đến cho nhiều giáo viên. Nếu chấp nhận hồ sơ giáo viên chưa đủ 9 năm có bằng đại học thì những người giáo viên chỉ biết cống hiến âm thầm, lặng lẽ sẽ có thêm niềm vui và động lực để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà".