Những giải pháp cụ thể để ngăn chặn vụ việc tương tự xảy ra
Sau vụ nhóm học sinh Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) có hành vi xúc phạm giáo viên ngay tại lớp học, cô N.H.T - một giáo viên dạy Ngữ văn cấp THCS ở Hà Nội chia sẻ với PV báo Sức khỏe và Đời sống: "Bản thân là một nhà giáo, tôi thấy rất bàng hoàng, đau xót cho đồng nghiệp khi đạo đức của học sinh đang có sự xuống cấp trầm trọng. Điều tôi cảm thấy trăn trở hơn là trong hoàn cảnh như thế, cô giáo ở Tuyên Quang hoàn toàn cô độc, không thấy đồng nghiệp, lãnh đạo nhà trường đứng ra bảo vệ cô lúc đó".
Theo cô N.H.T, các trường học cần có những giải pháp cụ thể để ngăn chặn hiện tượng này.
Đầu tiên, các nhà trường cần giáo dục học sinh về nguyên nhân, biểu hiện, tác hại và cách phòng tránh bạo lực học đường. Đặc biệt là bạo lực học đường không chỉ trong mối quan hệ bạn bè, nó có thể xảy ra giữa giáo viên và học sinh.
Thứ hai, các cá nhân hữu trách cần chủ động nắm bắt kịp thời tình hình tâm lí giáo viên, tâm - sinh lí học sinh (nhất là học sinh ở độ tuổi dậy thì) để có giải pháp phù hợp, hỗ trợ giáo viên và học sinh khi gặp khó khăn trong công tác dạy và học.
Thứ ba, kiên quyết xử lí đủ sức răn đe đối với những trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, học sinh vi phạm quy định, nội quy trường học.
Thứ tư, kịp thời trao đổi với cha mẹ học sinh để phối hợp, đưa ra giải pháp phù hợp với những học sinh có biểu hiện bất thường, vi phạm quy chế.
Thầy Đinh Đức Hiền (Phó Hiệu trưởng Trường FPT Schools Bắc Giang) cho rằng, đối với nhà trường, dù thời đại nào thì triết lý số một vẫn là "Tiên học lễ, hậu học văn". Các em học sinh phải học làm người, học làm con, học làm trò trước khi học chữ. Đó là vấn đề đầu tiên chúng ta cần hướng đến. Bên cạnh đó cần chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa vấn đề giáo dục đạo đức, nhân cách của học sinh. "Giáo viên cần phải được bảo vệ, cần có môi trường để sáng tạo. Tôi nghĩ Bộ GD&ĐT cần có quy định nghiêm ngặt hơn, mạnh mẽ hơn trong việc xử lý những vi phạm liên quan đến đạo đức của học sinh."
Đối với vai trò của các trường sư phạm, thầy Đinh Đức Hiền cho rằng, các trường sư phạm cần phải đẩy mạnh trong việc giáo dục tư cách đạo đức của giáo viên. "Tôi thấy rằng nhiều giáo viên ra trường không khác gì là thanh niên lâu năm. Các bạn ấy không đủ kinh nghiệm, không đủ trải nghiệm để giáo dục trẻ. Vấn đề đào tạo tư cách đạo đức của giáo viên cũng là một vấn đề hiện nay chúng ta cần phải quan tâm".
Cần xây dựng lại chuẩn mực hành vi, không gian văn hoá của nhà trường
Để hạn chế những vụ việc tương tự, dưới góc nhìn tâm lý học, PGS.TS Trần Thu Hương - giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, mỗi nhà trường và mỗi cá nhân sẽ có những đặc trưng riêng. Tuy nhiên, điều cốt lõi là mỗi nhà trường phải có những chuẩn mực, nguyên tắc được thông đạt, thống nhất thực hiện từ trên xuống dưới, tức là từ ban lãnh đạo nhà trường cho đến các thầy cô, học sinh và những người làm việc trong môi trường nhà trường.
Ngoài ra, phải bảo đảm sự tôn trọng lẫn nhau: thầy cô phải tôn trọng học sinh và học sinh cũng phải tôn trọng thầy cô. Đặc biệt, giáo viên cần thực sự là những tấm gương cho học trò trong vấn đề kiểm soát cảm xúc cũng như trong những hành vi mang tính chuẩn mực để các em có thể học tập, noi theo.
Bên cạnh đó, theo PGS.TS Trần Thu Hương, các nhà trường cần đẩy mạnh việc quan tâm đến đời sống tinh thần của cả học sinh và các thầy cô giáo. Có nghĩa nhà trường phải biết được, phải chăm sóc đời sống tinh thần để có thể nắm được những sự căng thẳng của học sinh đối với giáo viên hoặc ngược lại đang ở mức độ nào, đâu là mức độ nhà trường phải can thiệp để không vượt quá các giới hạn. Vấn đề này mặc dù Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều thông tư, quyết định để hướng dẫn, tuy nhiên nhiều nhà trường vẫn chưa làm được.
Đặc biệt, phải có sự cam kết và thống nhất cùng hợp tác giữa nhà trường với các gia đình trong việc giáo dục cho trẻ về các vấn đề chuẩn mực, giá trị đạo đức cũng như về những hành vi ứng xử trong nhà trường sao cho phù hợp. Đây cũng là nền tảng giúp cho trẻ phát triển về mặt nhân cách.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý giáo dục, TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc ngăn chặn các hành vi lệch chuẩn trong môi trường giáo dục. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi, hiểu rõ học trò. Do đó, mỗi thầy cô chủ nhiệm hãy chú ý hơn đến học trò, tham mưu cho ban giám hiệu trong những tình huống cụ thể.
Về phía các nhà trường, ông Tài cho rằng, cần phải xây dựng lại chuẩn mực hành vi, không gian văn hoá của nhà trường từ những thiết chế rất cụ thể hiện nay đang có. "Với điều lệ trường học, nhà trường cần chi tiết bằng nội quy, xây dựng chuẩn mực văn hoá, quán triệt và thống nhất qua quy trình từ hội đồng trường, hội đồng sư phạm, sau đó phổ biến xuống từng lớp, từng phụ huynh, đây mới là điều quan trọng cần thực hiện".